1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Dựng lều ngày đêm canh “cát tặc”

(Dân trí) - Sông Tam Kỳ đoạn giáp ranh TP.Tam Kỳ và huyện Núi Thành đang đối mặt với nạn "cát tặc" ngày đêm "ăn lẹm" đất đai, hoa màu hai bờ. Để chiến đấu với "cát tặc", người dân thôn Bích Tân (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) phải dựng lều canh giữ đất...

Có mặt tại thôn Bích Tân (xã Tam Xuân 1), nhiều người dân dẫn chúng tôi ra cánh đồng Nà Sông sát với mép sông Tam Kỳ. Tại đây, hàng chục chiếc ghe lớn nhỏ vẫn ngang nhiên đâm vòi ống vào sát mép ruộng để hút cát.
 
Dựng lều ngày đêm canh “cát tặc” - 1

Cát tặc ngày đêm “ngoạm” đất đai của người dân thôn Bích Tân (xã Tam Xuân 1, Núi Thành)

Ông Nguyễn Văn Tiến (40 tuổi) không giấu nỗi bức xúc: Gia đình tôi có gần 3 sào ruộng canh tác lâu năm nhưng đã bị bọn hút cát trộm "ăn" hết rồi. Từ chập choạng tối đến sáng chúng “triển khai” lực lượng để hút trộm cát trên sông. Mỗi đêm có trên 10 ghe công suất lớn nổ máy ầm ầm, cày xới dòng sông đục ngầu để hút cát. Không những bị thiệt hại nặng về đất sản xuất, nhiều vườn keo nguyên liệu của người dân cũng bị đổ ngã do sạt lở bờ sông.

Ông Ung Tấn Bưởi (60 tuổi) cũng thở dài: “Nhà tôi có gần 5 sào nằm sát mép sông. Thời gian vừa qua các ghe hút cát đã làm sạt lở hết hơn 2 sào rồi. Sợ không còn đất canh tác nên gia đình tôi trồng keo và dựng lều thay nhau canh giữ đất. Không biết bao lâu nữa chúng nó mới hết hoành hành đây”.
 
Dựng lều ngày đêm canh “cát tặc” - 2
Người dân bất lực đứng nhìn cát tặc hoành hành.
 
Nhiều người dân ở đây cho biết, để bảo vệ đất đai và hoa màu họ đã phải dùng gạch, đá chống lại bọn “sa tặc”. Biết là nguy hiểm có thể gây thương tích cho “sa tặc” nhưng không còn cách đối phó nào khả dĩ hơn. Tuy nhiên chính “sa tặc” cũng dùng đá thủ sẵn trên ghe ném lại người dân. Không những thế, nhiều đối tượng còn cho ghe vào bờ đuổi đánh lại dân, nhiều trường hợp đã bị thương tích do những người khai thác cát lậu chống trả lại.
 
Dựng lều ngày đêm canh “cát tặc” - 3
Không chịu nổi “cát tặc” người dân thôn Bích Tân dựng lều để canh giữ đất
 
Không chỉ có ông Tiến, ông Bưởi mà hàng chục hộ dân ở đây cũng dựng lều canh đất nhằm bảo vệ đất đai, hoa màu. Sự lộng hành của “cát tặc” làm cho cách đồng Nà Sông phía bờ sông không còn như trước. Bờ bãi bị xâm thực nặng nề. Hai bờ sông đang mỗi ngày một lở lói, cây cối ngã đổ gây thiệt hại không nhỏ.
 
Không những bị thiệt hại nặng về đất sản xuất và hoa màu, nhiều vườn keo nguyên liệu của người dân cũng bị đổ ngã do sạt lở bờ sông. Ông Bùi Tấn Châu (76 tuổi) cho biết: “Nhiều cây keo tôi trồng trên bờ sông để giữ ruộng cũng bị trốc gốc trôi theo dòng nước”.
 
Dựng lều ngày đêm canh “cát tặc” - 4
Cây lớn nhỏ đều bị cuốn trôi ra ngoài sông vì “cát tặc” hoành hành.
 
Thời gian qua, địa phương cùng với các ngành chức năng của TP.Tam Kỳ và huyện Núi Thành đã tuyên chiến quyết liệt với nạn hút cát. Lãnh đạo địa phương biết nạn hút cát ảnh hưởng đến đất đai và gây mất an ninh trật tự địa phương nhưng khả năng tài chính và lực lượng mỏng nên không tài nào giải quyết dứt điểm được tình trạng này.
 
Bên cạnh đó, ngành chức năng đã phối hợp cùng CSGT đường thủy tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, đồng thời đặt biển cấm tại các khu vực xung yếu để ngăn chặn việc khai thác cát sạn trái phép nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường... Vậy mà vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề này.
 
Dựng lều ngày đêm canh “cát tặc” - 5

Bãi cát trên địa bàn TP.Tam Kỳ giáp ranh với huyện Núi Thành vẫn hoạt động bình thường.

Bất chấp sự cảnh báo, các phương tiện lớn nhỏ vẫn đổ về khai thác cát trái phép trên sông, làm cho bờ sông “lở loét” dẫn đến thay đổi dòng chảy, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái của các sinh vật đang sống trên sông và đất đai của người dân nằm cạnh bờ sông sau này.

Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch xã Tam Xuân 1 Nguyễn Anh Quân cho biết: "Huyện Núi Thành đã thành lập tổ kiểm tra do một đồng chí Phó trưởng Công an huyện làm tổ trưởng. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra thì những người khai thác cát lậu lại biết trước thông tin nên không bắt được".

“Sự việc đã đi quá tầm kiểm soát của xã vì con sông Tam Kỳ giáp ranh nhiều địa phương của huyện Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Xã cũng đã làm văn bản gửi lãnh đạo UBND huyện Núi Thành đề nghị phối hợp làm việc với lãnh đạo TP.Tam Kỳ để phối hợp giải quyết dứt điểm” - ông Quân cho biết.

Công Bính