1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phú Yên

Dừng dự án tỉ đô, người dân vùng giải tỏa hoang mang

(Dân trí) - Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô với mức đầu tư gần 3,2 tỉ USD đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư sau 10 năm để 134 hecta đất trống. Dự án bị thu hồi cũng là lúc người dân trong vùng giải tỏa không biết phải sống thế nào.

Cách đây 10 năm, dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư và UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư với quy mô nhà máy có công suất 8 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 3,179 tỷ USD và dự kiến đi vào hoạt động trong quý 1/2019.

Tuy nhiên, dự án dường như không triển khai thực hiện, buộc tỉnh Phú Yên vào đầu tháng 3/2018 phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Sau 10 năm dự án lọc dầu gần 3,2 tỷ đô vẫn là mảnh đất trắng
Sau 10 năm dự án lọc dầu gần 3,2 tỷ đô vẫn là mảnh đất trắng

Trước đó, để có đất giao cho dự án UBND tỉnh Phú Yên đã di dời hơn 200 hộ dân và bàn giao 134 ha đất giai đoạn 1 tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa cho chủ đầu tư.

Đối với những hộ đã di dời trong giai đoạn 1, nơi ở đã ổn định thì công việc của họ hiện tại rất bấp bênh. Còn đối với những hộ thuộc diện di dời giai đoạn 2, đây thật sự là khoảng thời gian không mấy dễ dàng. Ba thôn nằm trong diện dự án trong nhiều năm qua không có trường mẫu giáo. Nhà cửa hư hỏng không được sửa chữa vì nằm trong diện di dời.

Ngoài ra, cả một vùng lúa sản xuất 2 vụ/năm lẫn các hồ nuôi tôm đều phải nhường cho dự án. Đã nhiều năm qua, dự án chậm triển khai nên đất ruộng, hồ nuôi tôm của người dân sau khi đền bù cũng bỏ hoang.

Nhà cửa người dân trong vùng dự án xuống cấp nặng nề nhưng không thể sửa chữa vì chẳng biết có di dời hay không.
Nhà cửa người dân trong vùng dự án xuống cấp nặng nề nhưng không thể sửa chữa vì chẳng biết có di dời hay không.

Là một hộ dân trong vùng dự án, nhưng chưa được di dời, bà Đỗ Thị Kim Uyên, thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa nói: “Dự án chưa thấy triển khai nhưng đường sá trước nhà tôi bị đào lên hết, đào xong họ chả làm gì cứ để đường ngổn ngang không chịu trải nhựa gì cả, xe chạy cả ngày, bụi bặm bay vào nhà ảnh hưởng đến sức khỏe cả gia đình. Nhà cửa xuống cấp dột nát cũng không cho sửa sang, xây mới lại…”.

Chung cảnh nhà cửa xuống cấp nhưng không được sửa chữa, ông Châu Đức Lợi, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa nói: "Giờ dân chúng tôi cũng bơ vơ không biết có di dời hay là không. Sắp đến đây chúng tôi sẽ làm đơn kiến nghị lên UBND huyện Đông Hòa để có câu trả lời chính xác cho dân. Nếu không đi nữa thì để tôi sửa lại nhà, làm chuồng, trại để chăn nuôi, chứ cứ sống thế này chúng tôi biết lấy gì ăn….”.

Đường sá bị đào bới
Đường sá bị đào bới

Ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết đến thời điểm hiện tại đã có trên 500 ha mặt đất lẫn mặt nước của người dân và các đơn vị được thu hồi để giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Vẫn còn một số diện tích nằm trong phạm vi dự án nhưng chưa thu hồi được.

Những diện tích đã được thu hồi sẽ không thể trả lại cho dân vì đã được đền bù và người dân đã nhận tiền. Những diện tích chưa thu hồi tạm thời dừng lại, chờ ý kiến của UBND tỉnh. Diện tích đã thu hồi sẽ được triển khai dự án khác, còn đó là dự án gì thì hiện một số nhà đầu tư vẫn đang vào tiếp cận, nghiên cứu.

Trung Thi