TPHCM:
“Đừng để đường dây nóng lạnh dần theo thời gian”
(Dân trí) - Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, sẽ lấy ý kiến đánh giá của người dân để cải tiến hoạt động đường dây nóng của Bí thư Thăng hiệu quả hơn nữa. Ông nói: “Đừng để đường dây nóng theo thời gian mà lạnh dần. Phải xem xử lý thông tin đường dây nóng là công việc hằng ngày nên không thể chậm trễ”.
Chiều 6/7, Văn phòng UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 tháng vận hành đường dây nóng của Bí thư Thành ủy TP (0888.247.247), bắt đầu hoạt động từ 25/3 trên lĩnh vực quản lý nhà nước.
Ông Mai Hữu Quyết – Trưởng Phòng Tổng hợp – Kế hoạch, Văn phòng UBND TP cho biết sau 3 tháng, đường dây nóng đã tiếp nhận hơn 13.320 tin phản ánh của các tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, có 1.000 tin người dân phản ánh những nội dung thành phố đã có chỉ đạo nhưng các đơn vị thực hiện chậm, chưa đạt hiệu quả; có 230 tin người dân hiến kế cho chính quyền thành phố…
Theo UBND TP, xuất phát từ nhận thức đường dây nóng là của Bí thư Thành ủy, do Bí thư Thành ủy trực tiếp trả lời nên số lượng cuộc gọi, cũng như yêu cầu gặp đối thoại trực tiếp lãnh đạo là rất lớn. Có 350 tin người dân báo muốn gặp trực tiếp lãnh đạo thành phố.
Việc phản ánh của người dân chủ yếu tập trung vào những vấn đề phát sinh trong sinh hoạt đời sống cộng đồng tại khu dân cư như: lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh gây mất trật tự công cộng, xây dựng nhà trái phép, sai phép, kinh doanh gây tiếng ồn, sản xuất gây ô nhiễm… ảnh hưởng nhà xung quanh, các tranh chấp về nhà đất chưa được chính quyền xử lý triệt để…
Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, việc triển khai đường dây nóng của Bí thư Đinh La Thăng có rất nhiều ý nghĩa.
“Đây là cầu nối tạo gắn kết người dân với chính quyền thành phố. Thời gian qua, rất nhiều vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh… được người dân mạnh dạn trao đổi, đề đạt với chính quyền thành phố để xử lý. Người dân cũng có nhiều ý tưởng hiến kế cho chính quyền thành phố, mong muốn TP phát triển ngày càng tốt. Qua kênh đường dây nóng, lãnh đạo TP, địa phương hiểu dân nhiều hơn, nắm được những vấn đề bức xúc ở địa bàn để có kế hoạch giải quyết triệt để. Nhiều thông tin được xử lý ngay, người dân rất mừng. Qua đó, tạo niềm tin cho người dân”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, việc xử lý thông tin đường dây nóng còn nhiều bất cập, hạn chế như: thống kê chưa chính xác, thẩm quyền chưa rõ ràng, trục trặc kỹ thuật,… Người trực điện thoại cũng chưa hiểu hết quy trình, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan nên xử lý chưa tới nơi tới chốn. Nhiều việc người dân phản ánh cứ chạy lòng vòng chuyển lên sở, xuống quận nên ảnh hưởng đến thời gian xử lý, hiệu quả công việc…
Ông Hoan cho biết trong thời gian tới phải khắc phục những tồn tại cơ bản để mang lại hiệu quả cao hơn khi tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Việc đầu tiên là hoàn thiện công nghệ vận hành, xử lý đường dây nóng; tích hợp thông tin đầu vào với đầu ra, thông tin phản ánh với kết quả xử lý. Đồng thời, phải đưa toàn bộ kết quả xử lý lên mạng cho người dân thành phố theo dõi.
Bên cạnh đó, phải nghiên cứu chuyển giao công nghệ xử lý liên thông đến phường, xã để địa phương nắm thông tin và xử lý nhanh các phản ánh của người dân. Tập huấn cho điện thoại viên về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn để việc xử lý thông tin phản ánh được nhanh chóng, hiệu quả. Ban hành quy chế ràng buộc trách nhiệm của UBND TP, cấp quận, huyện và các sở, ngành về xử lý thông tin đường dây nóng.
Ông Hoan đề nghị Sở Thông tin – Truyền thông nghiên cứu lấy ý kiến của người dân về đường dây nóng, có thể qua mạng hay qua phiếu đánh giá.
“Nhiệm vụ của chúng ta là phải khắc phục những hạn chế, khó khăn. Đừng để đường dây nóng theo thời gian mà lạnh dần. Phải xem xử lý thông tin đường dây nóng là công việc hằng ngày nên không thể chậm trễ. Việc đó không chỉ lợi cho dân, cho nước mà còn cho chính quyền thành phố. Ngày càng hoàn thiện hơn về mặt công nghệ thông tin để công việc hiệu quả hơn”, Chánh văn phòng UBND TP nói.
Quốc Anh