Nghệ An:
Đưa cầu Dùng và đường đến Khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ vào sử dụng
(Dân trí) -Sáng 5/10, sau 8 tháng thi công, dự án xây dựng cầu Dùng và đường từ trung tâm huyện Thanh Chương vào khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ, huyện Thanh Chương (Nghệ An) chính thức được đưa vào sử dụng.
Sáng nay - 5/10/2014, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP (Cienco4) đã tổ chức Lễ khánh thành dự án xây dựng cầu Dùng và đường từ trung tâm huyện Thanh Chương vào khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Sau 8 tháng từ ngày khởi công, các hạng mục thuộc dự án đã được thi công hoàn chỉnh, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, vượt tiến độ 15 tháng.
Dự án cầu Dùng và đường từ trung tâm huyện Thanh Chương đi khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ do Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc thi công, có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 205 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 18/1/2014. Các hạng mục chính bao gồm cầu Dùng với chiều dài 350m bằng bê tông cốt thép dự ứng lực 8 nhịp và 8km phần đường đã được thảm nhựa theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.
Dự án cầu Dùng và đường từ trung tâm huyện Thanh Chương đi khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ là một công trình quan trọng, góp phần nối trung tâm huyện với đường Hồ Chí Minh, đến cửa khẩu Thanh Thủy, sang nước bạn Lào một cách thuận lợi và ngắn nhất.
Đây là tiền đề để thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Thanh Chương nói chung và các xã có đường đi qua, nhất là tạo cơ hội phát triển toàn diện đối với 2 xã vùng tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm.
Với công trình này, Liên doanh Tổng công ty XDCTGT 4 - Công ty CPĐTXD Tuấn Lộc đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả, nhờ vậy sau 8 tháng thi công Dự án đã hoàn thành, vượt qua những khó khăn do điều kiện thi công phức tạp, do trụ cầu cao, 2 bên bờ sông dốc, địa chất dưới lòng sông thường xuất hiện hiện tượng cát chảy. Qua đó, cầu Dùng trở thành cây cầu vượt sông xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đạt kỷ lục nhanh nhất từ trước đến nay (vượt tiến độ trước 15 tháng so với kế hoạch).
Việc hoàn thành cầu Dùng bằng bê tông cốt thép qua sông Lam là một kỳ tích đối với huyện Thanh Chương, thỏa lòng mong ước và khát vọng bao đời của người dân đôi bờ nhất là vùng tả ngạn sông Lam.
Mặc dù từ năm 1990 đã có cầu treo Dùng và năm 2000 có cầu Rộ nối đường Hồ Chí Minh về quê Bác, nhưng các công trình này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như hoạt động phát triển kinh tế phía Tây của huyện, nhất là từ khi thành lập Khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ đến nay.
Bên cạnh hệ thống điện chiếu sáng, sơn kẻ đường, cọc tiêu, biển báo giao thông được gắn phản quang và các công trình phụ trợ khác, toàn bộ cây xanh hai bên tuyến đường cũng đã được trồng từ quỹ Việt Nam Xanh của CBCNV Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 đóng góp.
Nguyễn Phê