Đưa cần cẩu 100 tấn tới “giải cứu” tàu bị lật ở Lào Cai

(Dân trí) - Sáng nay (2/9) chiếc cần cẩu có sức nâng 100 tấn hiện đại nhất ngành đường sắt Việt Nam đã có mặt tại Lào Cai trực tiếp cứu giải đoàn tầu chở quặng a pa tít bị lật đêm 31/8 tại ga Pom Hán.

Đưa cần cẩu 100 tấn tới “giải cứu” tàu bị lật ở Lào Cai - 1

Cần cẩu hiện đại nhất ngành đường sắt VN “giải cứu” tàu bị lật ở Lào Cai

Thông tin trên do ông Bùi Văn Toán, trưởng phòng bảo vệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên apatít Việt Nam  (trực thuộc tập đoàn  hoá chất Việt Nam) cho biết.

  

Chiếc cần cẩu có sức nâng 100 tấn và quay được 360 độ đã được chuyển từ Hà Nội trong đêm 1/9 tới ga Pom Hán. Tại hiện trường sáng nay, các cán bộ, công nhân đang khẩn trương tính toán để cẩu toa quặng đầu tiên của đoàn tầu bị lật nghiêng.
 
Đưa cần cẩu 100 tấn tới “giải cứu” tàu bị lật ở Lào Cai - 2

 

Theo ông Lương Cao Huỳnh, trưởng phòng cảnh sát điều tra công an tỉnh Lào Cai, việc giải phóng nhanh các toa xe bị tai nạn được làm theo kiểu cuốn chiếu, điều tra, khám nghiệm xong khu vực nào là thông báo ngay cho lực lượng cứu hộ tổ chức cẩu toa xe bị đổ đưa vào đường ray để kéo dồn đi nơi khác.

 

Trao đổi với phóng viên, anh Phan Văn Hùng một công nhân kỹ thuật của lực lượng cứu hộ giao thông đường sắt cho rằng, vị trí đặt cẩu 100 tấn khá hẹp và địa hình phức tạp vì hai bên đều có ao nước sâu và nhà dân gần kề nên việc tổ chức cẩu  9 toa xe và hai đầu máy xe lửa chở quặng apatít bị lật là khó khăn, phức tạp và phải kéo dài thời gian so với dự định.

 

 

Lào Cai: hai toa tàu bị đổ đã được cứu hộ

 

Đến 17g chiều 2/9, ngày cứu hộ đầu tiên, hơn 100 chuyên viên kỹ thuật và công nhân cùng chiếc cẩu chuyên dụng loại 100 tấn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cứu hộ được 2 toa tàu khỏi đống đổ nát ở ga Pom Hán (Lào Cai).

 

Ông Nguyễn Quang Huy, tổng giám đốc Công ty Apatít Việt Nam, cho biết do đầu máy và các toa tàu nằm chồng lên nhau, ngay sát nhà dân, vị trí chật hẹp nên việc cứu hộ được tiến hành theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Cần cẩu đã được Công ty Apatit Việt Nam thuê từ ga Yên Bái (cách hoảng 150km) tới hiện trường.

 

Chuyên viên kỹ thuật và công nhân tháo gỡ toàn bộ các trục bánh xe của từng toa tàu, sau đó luồn cáp, định vị và cẩu lên toa tàu cứu hộ đưa tới trạm sửa chữa đầu máy - toa xe Pom Hán, thuộc Xí nghiệp vận tải đường sắt (Công ty Apatít Việt Nam) sửa chữa, khôi phục. Hai đầu máy và 7 toa xe bị đổ vẫn đang được tiếp tục cứu hộ.

 

Theo Tuổi Trẻ

 

 

Tin và ảnh: Phạm Ngọc Triển