1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đủ trò lừa đảo môi giới nhà đất

(Dân trí) - Chỉ cần có chỗ để đặt một chiếc bàn, nhiều trung tâm môi giới nhà đất đã có thể ký những hợp đồng cho thuê nhà lên đến tiền triệu. Tiền là thật, nhưng không phải căn nhà nào cũng tồn tại như quảng cáo!

Thông tin mập mờ

Nhu cầu nhà trọ của người dân ngoại tỉnh đang học và làm việc ở Hà Nội ngày càng cao nên các trung tâm môi giới nhà đất (TTMGNĐ) mọc lên nhan nhản. Mở một TTMGNĐ không khó nếu không muốn nói là quá dễ: chỉ cần một tấm biển, một chỗ để một bộ bàn ghế và một người ký hợp đồng là xong. Còn những địa chỉ nhà cho thuê, bán có thật hay không thì chỉ khi "vào cuộc" mới biết.
 
Đủ trò lừa đảo môi giới nhà đất - 1
Sơ sài và mập mờ là hình ảnh thường thấy ở các TTMGNĐ “ma”.

Theo một lời quảng cáo khá hoành tránh của một TTMGNĐ trên một website, "khoe" đang có cả trăm căn nhà cho thuê, tôi lò dò tìm đến tại địa chỉ 7... Cự Lộc (cắt đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Cứ nghĩ trung tâm chắc phải lớn lắm, không ngờ đó chỉ là một ngăn nhỏ ôm nách một cửa hàng tạp hóa. Nhìn qua cũng biết ngách này là chỗ để xe của một nhà phía sau nào đó, giờ cho trung tâm nhà đất này thuê làm văn phòng.

Chiều ngang căn phòng chỉ khoảng 1,5 m, đủ để đặt một chiếc bàn. Lời quảng cáo về trung tâm đăng trên mạng chẳng thấy đâu, thay vào đó một bìa giấy nhỏ được ghi nguệch ngoạc: “Cho thuê nhà” treo tòng teng ở ngay cánh cửa. Chủ trung tâm là hai cô cậu trẻ măng. Được biết, cả hai quê ở Nam Định, tốt nghiệp trung cấp kế toán nhưng không xin được việc làm nên mở trung tâm nhà đất kiếm sống.

Cô gái tên Th. cho hay: “Hè năm trước em tìm phòng hộ mấy cô cậu sĩ tử lên ôn thi được gần một triệu. Thế là quyết định mở trung tâm cho thuê nhà”. Hỏi kỹ hơn về công việc, Th. không trả lời mà chỉ nói: “Nói chung là cũng dễ kiếm, mỗi tháng trừ mọi chi phí cũng thu được 5 - 7 triệu. Vào mùa sĩ tử luyện thi, vào nhập học còn cao hơn”.

Nhiều TTMGNĐ khác ở đường Trần Bình, Khương Trung, đường Láng, Lương Thế Vinh... đều trong cảnh sơ sài tương tự như thế. Nhưng trung tâm nào cũng có người ra người vào.

Để lôi kéo khách, các trung tâm ít khi công khai mình là môi giới mà thường lấy danh nghĩa là chủ có nhà cho thuê hoặc cần bán. Mẹo là in những tờ rơi quảng cáo nhà cho thuê với những cái tên rất cụ thể như bà Hoa, bà Minh, ông Thọ, bác Phước... kèm theo số điện thoại hoặc địa chỉ. Có trung tâm cao tay hơn còn thêm cái “mở ngoặc”: (Không qua trung gian). Người có nhu cầu thuê/mua nhà cả tin mò đến đều gặp ngay một văn phòng nhà đất. Đã mất công đến, mấy ai lại bỏ về ngay, thế là “cá đã cắn câu”.

Trần Hiệu, sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết: “Em thấy tờ rơi trước cổng trường ghi: bà Hoa, cần cho sinh viên thuê phòng, ở Khương Đình, điện thoại 0912467... Em gọi điện đến thì có một anh nhấc máy nói cứ đến địa chỉ nói trên để xem nhà. Đến nơi, chỉ thấy một ki ốt nhỏ có một anh đang ngồi. Vào em hỏi hóa ra mới biết đó là TTMGNĐ. Em quay ra luôn nhiều bạn sinh viên ngồi đó chờ đi xem nhà lắm. Phải đóng tiền rồi mới được đi xem”.

Không chỉ mập mờ về địa chỉ, lời quảng cáo, nhiều trung tâm còn mập mờ gian lận một cách trơ trẽn để “cướp” tiền của khách. Anh Tuấn, quê ở Ninh Bình, thợ sửa chữa điện tử của một cửa hàng trên đường Lê Thanh Nghị, sau một thời gian tự tìm nhà không được đã thử vận may tại một TTMGNĐ trong ngõ Đê Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng). Ban đầu, anh được nhân viên ở đây cho thông số của một vài phòng trọ và muốn đi xem anh sẽ phải đưa trước tiền giao dịch là 100.000 đồng, khoản tiền này sẽ hoàn lại nếu anh không tìm được nhà ưng ý.

Đủ trò lừa đảo môi giới nhà đất - 2
Những bản hợp đồng “rút ruột” nhưng vì cần thuê nhà nhiều người vẫn ký.

Nghe thế, anh Tuấn cũng khá hồ hởi nhưng đi xem đến địa chỉ thứ hai thì anh nản. Nhân viên tả nhà một đằng, đến xem lại sang một nẻo; toàn ở những chỗ ẩm thấp, cũ nát không ở nổi, khác hẳn với yêu cầu của anh. Anh muốn lấy lại tiền thì nhân viên lật mặt: “Sẽ trả lại nếu anh chưa đi xem nhà, còn đã đi xem rồi thì trung tâm sẽ lấy khoản tiền này”.

Đến TTMGNĐ ở đường Lương Thế Vinh, dù chưa đi xem nhà nhưng hai cô sinh viên Anh và Thủy, ĐH Hà Nội đã phải đóng trước 150.000 tiền giao dịch cho một nhân viên tên Thảo. Theo lịch hẹn, cuối tuần hai cô tới chờ dắt đi xem nhà thì được một nhân viên khác tiếp. Người này lắc đầu, khẳng định ở đây không có ai tên Thảo. Hai cô đưa bản hợp đồng ra, rõ ràng là tại địa chỉ này vừa ký cách đó mấy hôm thì anh nhân viên ở đây cho hay: “Trung tâm kia chuyển đi chỗ rồi, còn đây trung tâm khác”. Anh ta lôi bản hợp đồng mới của trung tâm mình ra để chứng minh. Hai bản hợp đồng, cùng địa chỉ, cùng số điện thoại nhưng tên trung tâm lại khác nhau. Biết mình bị lừa trắng trợn nhưng Thủy và Anh cũng chẳng biết kêu ai.

Trung tâm môi giới “bắt tay” với chủ nhà trọ

Chỉ cần đưa người thuê nhà đi xem bất kỳ căn nhà nào đó thì 100.000 tiền giao dịch vĩnh viễn thuộc về trung tâm. Chính vì thế, mánh khóe của không ít TTMGNĐ là mượn tạm một căn nhà, chuyên dùng để đưa khách đi xem. Bao nhiêu lượt khách được đưa đến, bao nhiêu khoản phí giao dịch đã sang tay mà không hề biết căn nhà đó không hề được cho thuê.
 
Nhu cầu thuê một căn hộ độc lập khoảng 30m2 nhưng chị Lan, nhân viên kế toán, lại được nhân viên môi giới nhà đất ở đường Trần Quốc Hoàn dẫn đến xem phòng ở một dãy trọ sinh viên. Chị bức xúc thì cô nhân viên tỉnh bơ: “Chị không thích thì thôi, đi xem nhà khác”. Hai căn nhà sau cũng không hề như nhân viên trung tâm nói, chị Lan bỏ cuộc, chấp nhận mất 120.000 đồng tiền môi giới.
 
Đủ trò lừa đảo môi giới nhà đất - 3
Dãy trọ ở ngõ 72 Nguyễn Trãi này có một phòng trọ được TTMGNĐ "thuê", cho người thuê đi xem.
 
Một sinh viên xóm trọ cho chị Lan biết, căn phòng mà chị đã xem thực chất đã được TTMGNĐ thuê lại với giá 450.000 đồng/tháng, chuyên dùng làm nơi dắt khách đến xem nhà. Mỗi ngày dẫn một vài người đến xem, văn phòng nhà đất cũng ung dung bỏ túi tiền triệu.
 
Cũng được nhân viên TTMGNĐ trên đường Nguyễn Khang dẫn đi xem một căn hộ nhưng đi xem đến ba lần Ngọc, ĐH Ngoại thương vẫn chưa gặp được chủ nhà dù cô rất ưng căn nhà đó. Ngọc lân la đến hỏi những nhà quanh đó thì té ngửa khi biết căn hộ này chính là nhà của người vẫn hay dẫn Ngọc đến xem. Bà hàng nước trước ngõ nói với cô: “Nó lừa đảo đấy mà, nhà vợ chồng nó thuê thế mà ngày nào cũng dẫn cả chục người vào xem”.
 
Một trò lừa khác với sự vào vai nhiệt tình của chủ nhà là nhà cho thuê rồi vẫn... cho thuê tiếp. Tôi theo chân chị Nhàn, nhân viên một nhà sách, đến văn phòng nhà đất ở số 1..., ngõ 72 Nguyễn Trãi, tìm nhà. Chị Nhàn cho hay chị đọc trên mạng, biết địa chỉ trên ghi là bà Bình, cần cho thuê nhà, nghe rất tin tưởng nhưng khi đến nơi lại là một văn phòng nhà đất rất sơ sài với một ông “trưởng văn phòng” khoảng 45 tuổi.
 
Đủ trò lừa đảo môi giới nhà đất - 4
Sau khi ký hợp đồng và nộp 100.000 đồng, chị Nhàn được dẫn đi xem một căn nhà đã có người thuê.
 
Sau khi ký vào một bản hợp đồng sơ sài, chị Nhàn đóng 100.000 đồng tiền giao dịch và được dẫn đi xem một căn trên đường Khương Trung. Một người đàn ông tầm 50 tuổi hồ hởi ra đón. Ông ta dẫn chúng tôi vào xem nhà, một căn nhà hai gác tách biệt khá thoáng mát, rộng rãi với giá 3 triệu đồng, có thể thuê một nửa nên chị ưng ý ngay. Nhân viên văn phòng nhà đất gật gù: “Cô thuê ngay đặt cọc luôn không người ta lại cho người khác thuê”; ông chủ nhà cũng giới thiệu này nọ như chuẩn bị cho thuê y như thật. Chẳng một gì phải nghi ngờ, ngoài việc có hai cậu thanh niên vẫn đang sống sinh sống ở đây mà ông chủ nhà nói sẽ chuyển đi chỗ khác.
 
Tuy nhiên, một chị bán hoa quả trước cổng trường Nguyễn Trãi, lại nhấm nháy cho tôi biết ngôi nhà này thực chất đã có người thuê. Chủ nhà nhận tiền đặt cọc nhưng hôm sau sẽ không cho thuê nữa.
 
 
Đủ trò lừa đảo môi giới nhà đất - 5
Bản hợp đồng sơ sài và không hề có hiệu lực pháp lý mà chị Nhàn ký với TTMGNĐ.

Hầu hết trong các bản hợp đồng của các TTMGNĐ “ma” đều có điều khoản: “Thời điểm thanh toán tiền hoa hồng cho trung tâm cùng lúc thời điểm bên cho thuê nhà nhận tiền đặt cọc của người thuê”. Khi đã đặt cọc, nhiều người đi thuê nhà tin nhà đã là của mình mà không nghĩ chủ nhà có thể “trở mặt”. Lúc đó sẽ mất ngay khoản tiền hoa hồng 50% tiền thuê nhà một tháng vì trong hợp đồng cũng ghi: “Khi bên B đồng ý thuê nhà và đặt cọc cho chủ nhà thì chấm dứt hiệu lực của hợp đồng với văn phòng”.

Chị Mai, đang thuê trọ ở đường Minh Khai cũng từng bị mất tiền hoa hồng với một căn nhà “ma” như thế. Qua một văn phòng nhà đất trên đường Bạch Mai, chị tìm được một căn nhà giá 1,8 triệu. Đặt cọc cho chủ nhà, đồng thời chị phải thanh toán tiền hoa hồng cho trung tâm là 900.000 đồng. Nhưng sau 2 ngày chị quay lại dọn nhà để chuyển đến thì chủ nhà lắc đầu không cho thuê nữa. Họ trả lại cho chị tiền đặt cọc, chị ra trung tâm đòi tiền hoa hồng thì trung tâm lắc đầu vì đã... hết trách nhiệm: Đó là chuyện của chị và chủ nhà.

Anh Nguyễn Công Khánh, giám đốc một công ty môi giới nhà đất ở Hoàng Cầu cho biết, nhiều văn phòng nhà đất kết hợp với chủ nhà, giả vờ đồng ý cho thuê để lấy tiền hoa hồng và kết thúc hợp đồng. “Thực chất đó là cái bẫy của trung tâm và chủ nhà để lấy khoản tiền lớn nhất từ người cần thuê là tiền hoa hồng. Chủ nhà “trở mặt” thì người đi thuê cũng chẳng thể đòi lại tiền ở trung tâm”.

Bài và ảnh: Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm