1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dự luật tố cáo: Sao lại “khóa tay” báo chí?

Phát biểu tại phiên thảo luận dự án Luật Tố cáo sáng 25/10, đại biểu (ĐB) Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) thẳng thắn yêu cầu bỏ quy định ở khoản 1 Điều 48 về trách nhiệm của các cơ quan thông tin báo chí.

Theo ĐB Nguyệt, quy định ở điều này nói rõ “cơ quan thông tin báo chí nhận được tố cáo thì phải chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết” đã “hạn chế vai trò, hiệu quả tác nghiệp của các cơ quan báo chí”.

 

Chung thắc mắc này, luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TPHCM) nói rằng quy định ở Điều 48 nói là báo chí nhận tố cáo phải chuyển cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là không chính xác. “Chỗ này tôi đề nghị chúng ta đối chiếu với Luật Báo chí, như thế là “phải chuyển” hay “nên chuyển”? Nếu như báo chí nhận được (tố cáo) họ giữ lại để điều tra xác minh thêm thì có vi phạm hay không, nếu vi phạm thì xử lý như thế nào? Hoặc báo chí nhận được nhưng không chuyển thì có vi phạm hay không”. Luật sư đề nghị ban soạn thảo làm rõ thêm để tránh va chạm với Luật Báo chí.

 

Thực tế không phải đợi đến khi có Luật Tố cáo báo chí mới vào cuộc phanh phui các hành vi tham nhũng tiêu cực mà chức năng này của báo chí đã được nêu từ… hơn 20 năm trước, trong Luật Báo chí 1989. Sau đó Luật Phòng, chống tham nhũng và nhiều văn bản khác đều minh định vai trò rất quan trọng của báo chí trong việc đấu tranh chống tiêu cực. Theo ĐB Lê Thị Nguyệt, “trên thực tế thì trong thời gian vừa qua các cơ quan báo chí đã góp phần phát hiện xử lý nhiều trường hợp tham nhũng, được dư luận xã hội hết sức đồng tình”. Những vấn đề thuộc về trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà báo, cơ quan báo chí đều đã được quy định trong Luật Báo chí và nhiều văn bản khác liên quan.

 

Chính vì thế, nhiều người rất ủng hộ nữ ĐB Nguyệt khi bà nêu ra ba lý do để yêu cầu bỏ quy định tại Điều 48. Bà nói việc quy định như thế: “Một là sẽ làm lộ việc điều tra xác minh thông tin sự việc của các cơ quan báo chí. Hai là công dân gửi tố cáo cho cơ quan báo chí là để cung cấp thông tin sự việc chứ không phải là nhờ để chuyển đơn. Ba là mâu thuẫn với Điều 7 của Luật Báo chí quy định cơ quan thông tin báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin”.

 

Coi báo chí là “lực lượng xung kích” chống “giặc nội xâm” mà “khóa tay” như thế thì có nên không?

 

Theo Vạn Bảo

 Pháp luật TPHCM