1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dữ liệu quốc gia về dân cư là "trái tim" của Chính phủ số

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được coi là dữ liệu gốc, nền tảng, "trái tim" của Chính phủ số, giúp kết nối, chia sẻ thông tin dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, hai dự án lịch sử của đất nước "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" và "Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân" đã đạt được những kết quả quan trọng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an.

Dubai - Chính phủ đầu tiên trên thế giới không cần giấy tờ

Dữ liệu quốc gia về dân cư là trái tim của Chính phủ số - 1

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, trên thế giới, nhiều quốc gia đã tiên phong và đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện chính phủ điện tử như Đan Mạch, Hàn Quốc, Singapore, Nga, Đức, Anh, Pháp, Estonia... Trong đó, Đan Mạch được đánh giá là quốc gia rất thành công trong việc xây dựng chính phủ điện tử, luôn nằm trong nhóm 10 nước phát triển nhất về chính phủ điện tử. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore cũng thuộc nhóm nước đứng đầu thế giới về chỉ số phát triển chính phủ điện tử. Những thành công tiêu biểu của Singapore là việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung, tích hợp tất cả các dịch vụ hành chính công của các bộ/ngành.

"Gần đây, Dubai công bố trở thành chính phủ đầu tiên trên thế giới 100% không cần giấy tờ, việc này giúp tiết kiệm 1,3 tỷ Dirham (350 triệu USD) và 14 triệu giờ làm việc. Tất cả các thủ tục và giao dịch bên trong, bên ngoài Chính phủ Dubai hiện đã được số hóa 100% và được quản lý trên nền tảng dịch vụ kỹ thuật số toàn diện của chính phủ", Trung tướng Tô Ân Xô nói.

Chánh Văn phòng Bộ Công an cho rằng, những thành tựu nói trên của các quốc gia cho thấy, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nói riêng là xu hướng bắt buộc trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự bùng nổ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và coi đây là những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi "4 không": Họp không gặp mặt; xử lý văn bản không giấy; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.

Hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý dân cư theo hướng hiện đại, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

Sau quá trình nghiên cứu các tiêu chí và lộ trình trên cơ sở tiềm lực của đất nước, Chính phủ đã phê duyệt "chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và "chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030". Năm 2025 sẽ là mốc quan trọng khi đạt được những thành tựu nền tảng trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vào năm 2030.

Để hoàn thành mục tiêu chiến lược này, thì một trong những điều kiện tiên quyết là xây dựng thành công dữ liệu trụ cột, cốt lõi, có tính liên kết cao về dân cư, đất đai, doanh nghiệp.

"Trong đó, có thể khẳng định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giữ vị trí, vai trò quan trọng nhất, được coi là dữ liệu gốc, nền tảng, "trái tim" của Chính phủ số, giúp kết nối, chia sẻ thông tin dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý thông tin dân cư mang tính đơn lẻ giữa các ngành hiện nay", Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải là dữ liệu "sống", được thu thập, cập nhật thường xuyên, phải phục vụ thiết thực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hỗ trợ tra cứu, xác minh các thân nhân, di biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng liên quan đến tội phạm, góp phần hiệu quả vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chuyển đổi phương thức quản lý từ "thủ công" sang "hiện đại"

Dữ liệu quốc gia về dân cư là trái tim của Chính phủ số - 2

Ngày 22/6/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu xác thực điện tử, kích hoạt vận hành chính thức hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Sau một thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhận thấy có thể đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu Căn cước công dân trong quá trình thu thập dữ liệu cho hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiết kiệm thời gian và ngân sách cho Nhà nước, kịp thời mang lại sự thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Công an đã tiếp tục tham mưu Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân được triển khai lồng ghép với dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Căn cước công dân mới có thiết kế đặc biệt, nổi bật là bản đồ Việt Nam thể hiện rõ chủ quyền, hình ảnh trống đồng, hoa sen cùng các họa tiết, hoa văn cổ, biểu tượng cho các triều đại lịch sử của Việt Nam.

"Đây là hai dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, có tầm ảnh hưởng chiến lược và lâu dài đến công tác quản lý nhà nước nói chung, đến công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự của Công an nói riêng, chuyển đổi phương thức quản lý từ "thủ công" sang "hiện đại", đồng thời hướng tới đảm bảo cao nhất an ninh, an toàn thông tin và lợi ích của người dân, doanh nghiệp", Trung tướng Tô Ân Xô nói.

Hướng tới sự đồng bộ về thể chế, chặt chẽ và tuân thủ pháp luật trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân, Bộ Công an tích cực nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Cư trú, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Theo đó, Luật Cư trú quy định quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư, đồng thời hệ thống hành chính sẽ chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ cuối năm 2022. Đây là những mốc thời gian rất quan trọng, đặt ra yêu cầu hệ thống Cơ sở dữ liệu về dân cư phải đủ điều kiện để đi vào hoạt động và hoàn thành cấp đủ 50 triệu Căn cước công dân trước 1/7/2021.

Với sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Bộ Công an đã tự tin bước vào "chiến dịch thần tốc", hoàn thành những mục tiêu cơ bản trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân, làm nền tảng quan trọng trong thúc đẩy tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm