Dự kiến gần 90.000 tỷ đồng cho hạ tầng phòng cháy chữa cháy trong 7 năm tới
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó dự kiến nhu cầu vốn đầu tư là gần 90.000 tỷ đồng.
Quy hoạch trên cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia.
Cùng với đó, kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Để thực hiện được, quyết định nêu rõ ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy. Đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu một đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết; khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy; từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, phố, ngõ trong các khu dân cư để xe chữa cháy có thể hoạt động...
Quy hoạch này cũng phân vùng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; phương hướng phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy; phương hướng phát triển hệ thống cung cấp nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy...
Trong đó, quy hoạch hạ tầng về phòng cháy và chữa cháy được phân thành 6 vùng; mỗi vùng có các địa phương trung tâm và địa phương trọng điểm, được ưu tiên đầu tư để hỗ trợ các địa phương trong vùng, giáp ranh khi có yêu cầu.
Về phương hướng phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy, kế hoạch yêu cầu xây dựng trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở Trung ương.
Mạng lưới này bao gồm: Cục Cảnh sát, trung tâm thông tin chỉ huy, trung tâm huấn luyện và ứng phó, viện nghiên cứu khoa học, kho phương tiện, trung tâm bảo dưỡng phương tiện, bảo tàng...
Tại địa phương, đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần được ưu tiên bố trí tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Quyết định cũng nêu rõ việc xây dựng, bố trí trụ sở làm việc cho các đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; bảo đảm điều kiện hoạt động cho các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.
Các địa phương cần bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho lực lượng dân phòng phù hợp với quy mô, tính chất; nghiên cứu thí điểm thành lập và bố trí địa điểm hoạt động cho đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ...
Theo quyết định, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 89.332 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn vốn địa phương hỗ trợ...
Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy tại các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương được xác định trong quá trình lập, phê duyệt các dự án cụ thể của các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương, được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.