Dự kiến 9/25 chỉ tiêu của năm 2008 không hoàn thành
(Dân trí) - Theo UB Kinh tế của QH, trong số 9 chỉ tiêu này, có nhiều chỉ tiêu về môi trường, xã hội đã cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế trung hạn. Cũng theo UB Kinh tế, thu ngân sách tăng, nhưng có đến 56% tăng từ dầu thô và nhà đất.
Chưa phản ánh đúng thực tế phát triển ở địa phương
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, Võ Hồng Phúc trình bày tại Thường vụ Quốc hội (sáng 10/10) cho biết, dự kiến năm 2008, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5-7%, thu ngân sách ước đạt 399 tỉ đồng - tăng 26,3%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 24%.
Báo cáo Thẩm tra của của Thường vụ Quốc hội, do Chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiền trình bày đánh giá, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã có xu hướng giảm dần, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo…
Tuy nhiên, theo ông Hiền, 9/25 chỉ tiêu dự báo không hoàn thành kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu môi trường và xã hội đã cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế trung hạn, tốc độ tăng trưởng có thể không đạt, lạm phát giảm dần nhưng vẫn ở mức rất cao.
Đối với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP, ông Hiền cho rằng, trong khi Nghị quyết của QH điều chỉnh giảm từ 8,5 - 9% xuống 7%, nhưng phần lớn các địa phương không điều chỉnh và trên thực tế báo cáo của nhiều nơi cho thấy tốc độ tăng trưởng vẫn cao.
“Từ đây đặt ra vấn đề về sự thiếu tính đồng bộ trong điều hành từ Trung ương đến địa phương, thiếu thống nhất số liệu thống kê nên chưa phản ánh đứng thực tế phát triển KT-XH ở các địa phương”, ông Hiền nhấn mạnh.
Thu ngân sách nhà nước đạt cao, vượt 76.000 tỉ đồng, nhưng trong đó vượt thu do tăng giá dầu thô và vượt thu từ các khoản thu về nhà đất đã chiếm 56% số vượt thu. Nhập siêu vẫn rất lớn, khoảng 19 tỉ USD, tương đương 29,2% kim ngạch xuất khẩu. “Nhập siêu tăng cao và kéo dài sẽ là yếu tố tiềm ẩn sự không bền vững cán cân thanh toán, ảnh hưởng cân đối vĩ mô của nền kinh tế”, ông Hà Văn Hiền nhấn mạnh.
Chất lượng, hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp có vốn nhà nước thấp. Đều chịu ảnh hưởng từ những từ những khó khăn chung, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng 20,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,9%, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng 5,9%.
Đã có 2 Nghị quyết của Quốc hội, 2 Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, nhưng gần như chưa có sự chuyển biến tích cực.
Theo UB Kinh tế, Báo cáo của Chính phủ đã nhận định: “Một số tập đoàn đã đầu tư khá lớn sang nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không thuộc chuyên ngành, thế mạnh của mình, nhất là đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… vừa gây khó khăn cho việc quản lí các thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bất động sản”, tuy nhiên chưa chỉ rõ được trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để xảy ra tình trạng này.
Quản lí nhà nước về môi trường chưa tốt, có những vụ việc cơ quan kiểm tra, thanh tra còn né tránh trách nhiệm nên khi phát hiện sự việc xảy ra xử lí rất chậm, như vụ việc xảy ra ở Nhà máy Vedan, nhà máy Huyndai Vinashin vừa qua.
Năm 2009 tăng trưởng khoảng 7%
Về năm 2009, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc đánh giá, tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường. Trong nước lạm phát vẫn sẽ ở mức cao, cán cân vĩ mô chưa thật ổn định, các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát, hoạt động của hệ thống tài chính còn nhiều rủi ro.
Chính phủ đặt mục tiêu, năm 2009, GDP tăng khoảng 7%, GDP theo bình quân đầu người khoảng 1.200USD, chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng dưới 15% (phấn đấu năm 2010 xuống một con số). Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 11,4%, trung cấp chuyên nghiệp tăng 15,6%.
Tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 9 vạn người. Giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 12%. Xử lí cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: 65%...
Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế cho rằng, trên cơ sở ý kiến và dự báo của các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và các tổ chức quốc tế, một số thành viên của UB Kinh tế cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2008 sẽ chỉ đạt ở mức rất thấp, từ 5,5-6%, có ý kiến đề nghị mức 6-6,5%, nhưng nhiều ý kiến khác đề nghị mức tăng trưởng 6,5-7%. UB Kinh tế đã thống nhất chọn phương án 6,5-7%.
Về chỉ số giá tiêu dùng, UB Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ, phấn đấu kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng dưới 15%.
Với chỉ tiêu việc làm, UB Kinh tế đề nghị giải trình làm rõ các điều kiện và giải pháp để có thể đạt được mức tạo việc làm 1,7 triệu. Theo UB, năm 2007 tăng trưởng gần 8,5% mới tạo được 1,6 triệu việc làm, trong khi năm 2008 tăng trưởng 6,5-7% cũng tạo được 1,615 triệu việc làm…
Cấn Cường