Dự kiến 80 chính sách đột phá để phát triển Hà Nội
(Dân trí) - Bộ Tư pháp đang phối hợp với Hà Nội xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có 80 chính sách mới, đột phá cho thành phố nhằm phát triển Hà Nội trở thành trung tâm đầu não, chính trị, văn hóa…
Sáng 20/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, chủ trì hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cho rằng), cho rằng dù đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, vùng đồng bằng sông Hồng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức.
Cụ thể, các địa phương phát triển không đồng đều; một số địa phương phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án đầu tư nước ngoài FDI quy mô lớn; các khu công nghiệp thiếu liên kết; hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nhất là vấn đề ách tắc giao thông, tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến cuối Trung ương tại Hà Nội…
Thông tin về định hướng quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ KH&ĐT đã dự kiến phát triển vùng với 3 nhóm định hướng lớn.
Một là tổ chức không gian phát triển vùng gắn với 4 hành lang kinh tế, 4 vùng động lực, đô thị và cực tăng trưởng, 2 tiểu vùng kinh tế.
Hai là phát triển 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu với trọng tâm là phát triển công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh của vùng; các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao về du lịch, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục đào tạo, y tế… gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ba là phát triển kết cấu hạ tầng vùng với trọng tâm phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông kết nối liên vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc liên vùng và nội vùng, tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô, tuyến đường sắt tốc độ cao, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không…
Nhấn mạnh việc huy động mọi nguồn lực vào đầu tư hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để đầu tư xây dựng các dự án liên vùng.
Bên cạnh đó, ông đề xuất cho phép phát hành trái phiếu quốc tế hoặc vay ODA để đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội hoặc cho phép áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cho các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao liên vùng…
Đề cập đến cơ chế đặc thù cho vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ Tư pháp đang phối hợp với Hà Nội xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có 80 chính sách mới, đột phá cho thành phố nhằm phát triển Hà Nội trở thành trung tâm đầu não, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và y tế của vùng.
Đối với vùng đồng bằng sông Hồng, ông đề nghị nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông hiện đại (đường cao tốc, đường sắt đô thị), logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng biển; quản lý xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị thông minh và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và chuyển đổi số…
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.