1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dự báo sai nguồn thu ngân sách, Chính phủ bị “phê”

(Dân trí) - “Đầu năm, Chính phủ dự báo hụt nguồn thu ngân sách nên phải tăng tỷ lệ bội chi. Nhưng đến thời điểm này dự báo đã không chính xác, thu ngân sách vẫn đảm bảo. Dù vậy, nhà nước đã “lỡ đi vay” và chi gần hết số tiền được duyệt…”

Trong phiên họp toàn thể của UB tài chính ngân sách của QH để tổng kết tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2009 hôm nay 29/9, khả năng dự báo của các cơ quan điều hành nền kinh tế lại được mổ xẻ.
 
Dự báo sai nguồn thu ngân sách, Chính phủ bị “phê” - 1
Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ.
 
Không hụt thu ngân sách nhưng đã lỡ đi vay
 
Uỷ viên UB tài chính ngân sách Đỗ Hữu Lâm đánh giá, hoàn thành chỉ tiêu tiết kiệm 10% các chi thường xuyên (trừ lương, phụ cấp) ở các bộ, ngành, địa phương là một nỗ lực lớn. Tuy nhiên, lãng phí không tính được nằm ở việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các các tập đoàn, TCty.
 
Ông Lâm thắc mắc nguồn tiền nhiều DNNN bỏ ra mua những cầu thủ 8 - 9 tỷ đồng, mỗi trận đấu ngốn ngót nghét 700 - 800 triệu đồng cho các đội bóng đỡ đầu của đơn vị. Có hoạt động kiểm toán nào với những quyết định đầu tư này?
 
Tiếp cận ở khía cạnh khác, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng, nơi có 1 câu lạc bộ bóng đá “gieo tiền” nổi tiếng tại giải vô địch quốc gia giải thích. Riêng ở Hải Phòng đã có vài nhà máy xi măng. Bài toán cạnh tranh của các đơn vị là chiếm thị phần bán hàng tại chỗ.
 
Bỏ tiền đầu tư cho đội bóng, xi măng Hải Phòng đã thành công khi lấn dần, từ chỗ chỉ có 20% giờ đã bao tới 80% thị phần. Mà toàn bộ số tiền đổ vào đội bóng đó cũng chỉ bằng 1/3 so với chi phí nếu phải vận chuyển vào Nam tiêu thụ. Với đơn vị, như vậy khoản đầu tư lại không hề lãng phí.
 
Phó chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Trịnh Huy Quách đồng ý với quan điểm không nghi ngờ cố gắng của các bộ ngành trong một năm tài khoá vừa phải tiết kiệm lại vừa phải kích thích kinh tế, nới lỏng chi tiêu, tiền tệ. Tuy nhiên, phó chủ nhiệm “phê” khả năng tính toán của Chính phủ.
 
Đầu năm, cơ quan tham vấn đưa ra dự báo hụt nguồn thu ngân sách nên phải tăng tỷ lệ bội chi. Nhưng đến thời điểm này dự báo đã không chính xác, thu ngân sách vẫn đảm bảo. Dù vậy, vì đã lên kế hoạch nên Nhà nước vẫn phải đi vay và tổng kết của Chính phủ, tỷ lệ chi đã gần như hết khoản được duyệt, không đảm bảo tiết kiệm.
 
“Lãng phí chi thường xuyên không đáng gì so với xây dựng cơ bản”
 
Ông Quách cũng xoáy vào vấn đề lãng phí thời gian khi nhắc lại con số hơn 1.000 giờ doanh nghiệp phải tiêu tốn cho việc nộp thuế mỗi năm, trong lúc các nước lân cận, chỉ số này chỉ vài chục giờ.
 
Ông Quách nêu nghịch lý, thủ tục hành chính không cải thiện bao nhiêu khi nhà nước đã đầu tư rất nhiều trang thiết bị, tiền bạc để cải tiến hoạt động của ngành thuế, hải quan.
 
Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn than khó vì phương tiện không đồng bộ. Trong khi các nước lân cận đã áp dụng hệ thống thuế quan điện tử, Việt Nam vẫn chưa triển khai cơ sở liên thông giữa ngành tài chính - ngân hàng. Ông Tuấn xin hạn 12 - 18 tháng để giải quyết 4 vấn đề trong thủ tục thu thuế.
 
Năm 2009, tổng đầu tư vốn toàn xã hội chiếm 42% GDP trong khi mục tiêu tăng trưởng đặt ra chỉ 5 - 5,2%. ICOR như vậy rất lớn, vào khoảng hệ số 8. So sánh với láng giềng Trung Quốc, bội chi chỉ hơn 2%, ICOR 4%, các chỉ số của Việt Nam đều gấp đôi.
 
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, so với mức chỉ số ICOR của Nhật Bản, Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng. Các cường quốc này vẫn phải đầu tư khoảng 30% GDP để phấn đấu không tăng trưởng âm. Như vậy ICOR không thể tính được.
 
Cũng bàn về vấn đề này, trưởng đoàn đại biểu QH Hải Phòng Dương Anh Điền cho rằng ICOR quá cao là lãng phí ghê gớm. Ông Điền phân trần, khoản chi ngân sách của Đảng bộ thành phố cả năm không bằng nửa km đường cao tốc. Theo ông Điền, lãng phí lớn nhất vẫn là đầu tư xây dựng cơ bản.
 
Uỷ viên chuyên trách của UB tài chính ngân sách Trần Văn cũng phân tích, so với lãng phí trong xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên, sử dụng vốn ở các TCTy, tập đoàn thì chi thường xuyên cho hoạt động hành chính không đáng kể.
 
“Câu chuyện của tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa qua để thất thoát hàng triệu tấn than xuất bán với giá rẻ so với vài cái bóng đèn, bình mực in thì không đáng là gì. Chục lít xăng chạy xe so với những tàu hàng trăm tấn than xuất lậu thật quá chênh lệch” - ông Văn nói.
 
UB tài chính nêu yêu cầu Bộ Tài chính bổ sung báo cáo về thu chi ngân sách, đánh giá toàn diện giải pháp điều hành nền kinh tế, phân tích “kịch bản” khác về bội chi, hướng giải quyết nếu dự báo thu ngân sách chính xác hơn.
 
P. Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm