1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dự báo bão số 3 thiếu chính xác?

(Dân trí) - Sau khi bão số 3 đi qua, có dư luận cho rằng những dự báo thiếu chính xác từ cơ quan khí tượng đã gây ra những thiệt hại không đáng có cho người dân địa phương.

Nhận định của  Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ "Cơn bão số 3 là cơn bão mạnh, kéo dài" nhưng trên thực tế  trước khi đổ bộ vào đất liền bão đã nhanh chóng suy yếu.
 
Mặt khác, mưa cũng không lớn và kéo dài như dự báo. Điều này gây ra thiệt hại không đáng có cho người dân các địa phương vì họ phải cấp tốc sơ tán tránh bão.

Trao đổi với báo giới chiều 4/8 về công tác dự báo bão số 3 (bão Nock-ten) vừa diễn ra, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khẳng định: bão số 3 là cơn bão có vận tốc di chuyển nhanh (trung bình 25km/h, có lúc lên tới 30, thậm chí 35km/h). Các đài khí tượng trên thế giới cũng đưa ra nhiều nhận định khác nhau về hướng đi, khu vực đổ bộ và cường độ bão.

Như đài khí tượng Hồng Kông dự báo gần trùng khớp với Việt Nam khi cho rằng bão sẽ đổ bộ vào giữa Thanh Hoá - Nghệ An, khi đổ bộ dự kiến mạnh cấp 8-cấp 9 (dự báo tối 29/7). Còn đài khí tượng Nhật Bản sát đến thời điểm bão đổ bộ mới xác định khu vực tâm bão đi qua là khu vực giữa phía Nam của tỉnh Nam Định và phía Bắc của tỉnh Thanh Hoá.
 
Dự báo của đài khí tượng hải quân Hoa Kỳ thì cho biết bão sẽ vào khu vực giữa huyện Quỳnh Lưu và TP Vinh (dự báo vào trưa 30/7). Đây cũng là kết quả dự báo của đài khí tượng Bắc Kinh. “Chúng tôi có tham khảo tất cả các nguồn tin nhưng vẫn đưa ra dự báo của mình. Trong buổi giao ban sáng 31/7 (ngay sau khi bão đổ bộ), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học đánh giá: công tác dự báo bão số 3 khá tốt, không chỉ về hướng di chuyển mà còn cả cường độ, góp phần giảm nhẹ thiệt hại cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ và bắc Trung bộ.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát Bộ NN&PTNT vừa ở vùng tâm bão trở về cũng cho biết, các anh em ở Thanh Hoá, Nghệ An đánh giá cao công tác dự báo của trung tâm sát thực tế.”- ông Tăng nói.
Dự báo bão số 3 thiếu chính xác? - 1
Ông Bùi Minh Tăng khẳng định, công tác dự báo bão số 3 vừa qua không có sai sót. (Ảnh: TT)
 
Trước chất vấn, nhiều người dân ở vùng tâm bão cho biết, dự báo bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, mưa sẽ lớn nhưng thực tế ngay tại tâm bão, người dân địa phương còn không nhận ra bão đã đến nơi do chỉ thấy gió nhẹ, mưa vừa, nhỏ.
 
Ông Tăng thừa nhận, so với dự báo, khi đổ bộ vào đất liền, bão có yếu đi 1 cấp. Nhưng đó là sai số cho phép trong công tác dự báo. Dù vậy, chuyện cảm nhận chủ quan của người dân không thể là cơ sở để đánh giá. Bởi các thiết bị máy móc đo gió đã chứng minh số liệu thực tế tại các địa phương vùng tâm bão đi qua mạnh trên cấp 7, giật cấp 10.
 
Riêng tâm bão là Tĩnh Gia gió chỉ cấp 5 (lúc 16h ngày 30/7), giật cấp 8. “Mưa là vấn đề rất khó dự báo. Tuy không kéo dài như dự báo ban đầu, nhưng mưa lớn đã diễn ra. Trên thực tế, trước, trong và sau bão toàn miền Bắc có mưa khoảng 150mm, có nơi 200mm. Các tỉnh từ Nam Thanh Hoá đến Quảng Bình mưa từ 100-200mm, có nơi 300mm”- ông Tăng trả lời 
 
Dự báo bão số 3 thiếu chính xác? - 2
Bão đi qua  Nghệ An nhưng không gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân. (Ảnh: N.Duy)
 
Liên quan đến việc dự báo khu vực ảnh hưởng kéo dài từ Thái Bình đến Hà Tĩnh ở thời điểm bão gần đổ bộ, khiến người dân hiểu rằng  bão sẽ đổ bộ vào khu vực rất rộng, ông Tăng giải thích: “Cơn bão này có đặc điểm là gió rất mạnh ở các tỉnh phía Bắc nên chúng tôi đã khoanh vùng khu vực khá rộng để các tỉnh không chủ quan. Còn tâm bão thì vẫn dự báo là vào Thanh Hoá - Nghệ An”.
 
Lại có ý kiến cho rằng, vấn đề dự báo và xác định tâm bão cần chính xác hơn nữa, bởi dự báo thiếu chính xác sẽ gây tâm lý chủ quan cho người dân vùng bão những lần sau, song song đó là tốn kém khi thực hiện công tác di dời. 
 
Ông Tăng trần tình: “Dự báo trước khi bão đổ bộ là bão có thể mạnh, nhưng diễn biến bão rất phức tạp và thay đổi nhanh chóng, nhất là khi trên biển lại có thêm bão Muifa tương tác khiến bão càng diễn biến khó lường. Bởi vậy, các địa phương cần căn cứ vào thông tin mới nhất để cân nhắc phương án đối phó.
 
Về phía cơ quan làm công tác dự báo, vai trò chính xác của chúng tôi là tham mưu, còn mọi quyết định về phương án di dân thuộc về cơ quan phòng chống lụt bão các địa phương. Riêng cá nhân tôi thấy, vào thời điểm bão số 3 đi vào, có nhiều địa phương đang thi công đê biển, còn rất nhiều khoảng đê mới thi công được một nửa hoặc 70-80%,  nếu thời điểm đó bão đánh mạnh, để không đủ sức ngăn nước biển tràn vào sẽ xảy ra rất nhiều tình hướng nguy hiểm. Do đó, tôi cho rằng địa phương đó đã cẩn thận sơ tán nhiều hơn so với mức độ cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người dân”.

 

P. Thanh