Dự án “treo”, “treo” luôn mồ mả
(Dân trí) - Trong khi dự án làng nghề của UBND xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) vẫn nằm bất động sau 3 năm triển khai, chính quyền địa phương lại tiếp tục thực hiện một dự án mới. Dự án này vướng mắc dự án kia, nơi yên nghỉ của người đã khuất cũng phải “treo” cùng dự án.
Quy hoạch dự án kiểu “đem con bỏ chợ”
Năm 2004, hưởng ứng chủ trương phục hồi và xây dựng các khu làng nghề truyền thống của tỉnh, UBND xã Cảnh Dương đã đi tiên phong trong việc xây dựng làng nghề sản xuất tập trung trên diện tích 6ha.
UBND xã đã thuyết phục nhân dân di dời toàn bộ mồ mả nằm trong khu đất được dự án “chấm”, đồng thời hứa rằng dự án này sẽ là cơ hội tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương. Người dân xã Cảnh Dương nhiệt tình ủng hộ và chỉ sau 6 tháng, toàn bộ gần 2.400 ngôi mộ trong quy hoạch đã được di dời xuống khu nghĩa địa mới sát bờ biển, trong số đó có nhiều ngôi mộ còn chưa cải mả.
Với kết quả giải phóng mặt bằng “siêu tốc”, UBND xã Cảnh Dương đã được chính quyền cấp trên tuyên dương. Tuy nhiên, sau gần 2 năm kể từ lời tuyên dương đó, dự án làng nghề xã Cảnh Dương vẫn trong giai đoạn “khởi động”. Mảnh đất trống không bị cỏ dại xâm lấn, mọc ngút tầm mắt.
Trong khi dự án làng nghề còn dang dở, xã Cảnh Dương lại “khai sinh” một dự án mới: tiếp tục di dời phần còn lại của khu nghĩa địa cũ xuống nơi mới để lấy mặt bằng phục vụ cho chủ trương quy hoạch mở rộng khu dân cư (lấy đất để bán đấu giá). Cũng như trước, lần này xã lại vận động bà con di dời mà không hề nhắc đến vấn đề hỗ trợ, đền bù. Do đó, một số dòng họ, trong đó có họ Phạm, không đồng ý di dời.
Xã lập lờ “đánh lận con đen”
Đã có nhiều hộ dân, cơ sở đăng ký sản xuất kinh doanh tại khu làng nghề truyền thống nhưng đến hết tháng 4/2007 vẫn chưa chịu triển khai sản xuất nên đã bị huỷ đăng ký. Mãi đến cuối tháng 5/2007 mới có 17 hộ đăng ký đợt 2 nhưng đa số “không khả thi do chưa có lộ trình xây dựng nhà xưởng, tiến hành sản xuất”.
Bên cạnh đó, tâm lý nhiều người dân cũng không muốn vào làng nghề bởi chi phí đầu vào sẽ đội lên rất cao so với sản xuất hộ gia đình. Đặc biệt sự mập mờ của xã trong việc quy định mức đóng thuế, giá thuê mặt bằng, mức ưu đãi ban đầu,... cũng khiến dân hoang mang.
Về việc này, phía UBND xã giải thích rất đơn giản rằng: UBND xã không nắm rõ các mức chi phí thuê mặt bằng, mức thuế… vì nguồn lợi từ hoạt động của làng nghề sẽ chuyển vào ngân sách tỉnh Quảng Bình, xã không thu nên không biết.
| |
Làng nghề truyền thống, sau 3 năm đầu tư "siêu tốc" vẫn chỉ là một bãi đất trống.
|
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Khoa - Phó Chủ tịch huyện Quảng Trạch - bức xúc: “Xã làm chủ đầu tư, khi công trình hoàn thành cũng được giao cho xã quản lý, khai thác. Xã phải có trách nhiệm đứng ra thu thuế kinh doanh, thu tiền thuê mặt bằng,.. Vậy mà nói không nắm được các mức giá, mức thuế thì quá vô lý”. Ông giảng giải thêm: “Năng lực lãnh đạo xã còn hạn chế. Trình độ thì đang “trả nợ” nhà nước, lại chưa quen với việc xây dựng cơ bản, quản lý dự án, làm chủ đầu tư nên bất cập mới nảy sinh”.
Mồ mả “treo” chờ dự án
Trong thông báo số 142 TB-UBND của UBND xã ra ngày 28/12/2005 có nêu “nghiêm cấm việc xây dựng lăng mộ, tu sửa, cát táng hài cốt”. Tiếp đến ngày 31/5/2006, UBND huyện đã nhóm họp và ra Thông báo kết luận số 33/TB-UBND-VP khẳng định: UBND xã Cảnh Dương không có ngân sách để hỗ trợ việc di dời. Đồng thời yêu cầu xã Cảnh Dương tiếp tục công tác vận động, đề nghị họ Phạm giữ nguyên hiện trạng, không được tu bổ, cát táng các ngôi mộ đã xuống cấp.
Tiếp đó, UNBD huyện Quảng Trạch lại nhóm họp và ra thông báo kết luận do quyền Chủ tịch UBND huyện Đậu Minh Ngọc ký, với nội dung y hệt thông báo 33, chỉ sửa phần “UBND xã không có ngân sách đền bù” thành “lúc nào có điều kiện UBND xã sẽ có phương án đền bù”.
UBND xã Cảnh Dương tiếp tục viện lý do để thuyết phục họ Phạm di dời mồ mả. Ông Nguyễn Duy Dũng, Chủ tịch xã, cho rằng nghĩa địa họ Phạm và một số dòng họ khác cần được di dời khẩn trương để đảm bảo vệ sinh cho nguồn nước sinh hoạt trong xã (!?).
Một lý do khác được đưa ra là nghĩa địa họ Phạm nằm trong khu vực đã có chủ trương lập dự án mở rộng khu dân cư. Trên thực tế, chủ trương này mới chỉ được “thống nhất miệng” chứ chưa hề xuất hiện trên giấy tờ.
Một số gia đình nại lý do không có kinh phí để di dời, xã trả lời đại ý: không có tiền di dời thì cứ để đó, không được quyền tu bổ, cát táng hay nâng cấp. Ông Dũng thừa nhận: “Việc vận động di dời khu lăng mộ của dòng họ Phạm là một trường hợp đặc thù vì đây là khu đất nghĩa địa duy nhất trong xã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng nếu đền bù cho họ Phạm thì công bằng xã hội sẽ đến đâu? Vì xưa nay không giải quyết đền bù, hỗ trợ cho dòng họ nào cả”.
Trong khi đó, phía huyện mà đại diện là ông Phó Chủ tịch Phan Văn Khoa, cũng rất “kiên trì”: “Xã Cảnh Dương là một xã anh hùng cách mạng nên khi xã đã quyết tâm thì phải làm cho bằng được. Xã kiên quyết vận động, đến khi nào mồ mả di dời đi hết thì mới bắt đầu quy hoạch khu dân cư”.
Vậy là mồ mả tổ tông cứ phải “lửng lơ” theo dự án.
Phan Tùng - Hồng Kỹ