1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Dự án treo, 400 trăm hộ dân lao đao hơn 20 năm

(Dân trí) - “Đi thì dở, mà ở thì không xong” đó là nỗi niềm của hàng trăm hộ dân sống tại phường Tân Thuận Đông, Q.7 nằm trong khu quy hoạch xây dựng, mở rộng cảng Bến Nghé TPHCM suốt gần 20 năm qua.

Dù nằm cách trung tâm thành phố không xa, song nhiều người dân vẫn cảm thấy thiệt thòi, bởi: Cơ sở hạ tầng không được đầu tư nâng cấp, nước sinh hoạt lại thiếu thốn, ô nhiễm môi trường trầm trọng luôn là những mầm móng gieo bệnh cho người  già, trẻ con trong khu dân cư...

 

Đi thì dở, ở không xong

 

Từ năm 1987, khu vực trên  được thành phố quy hoạch xây dựng cảng Bến Nghé. Thời gian đầu, do kinh phí hạn hẹp, nên việc di dời các hộ dân để đầu tư mở rộng cảng được phân kỳ theo từng giai đoạn. Những hộ dân may mắn nằm trong phạm vi của các đợt di dời lần thứ nhất và thứ hai, giờ đây họ có thể đã ổn định cuộc sống. Song với khoảng 400 còn lại đành phải sống trong một khu quy hoạch... mà chẳng biết đến bao giờ mới an cư lạc nghiệp, trong khi người dân lại chẳng có lỗi gì. 

 

Ông Trương Văn Hữu - Phó Chủ tịch UBND Q.7, cho biết: “Đây dự án treo quá lâu! Người dân chịu khá nhiều thiệt thòi. Thấy dân sống khổ sở, không điện, không nước, địa phương khi đi xin lắp điện, nước cho dân thì hầu như đều bị chối, với lý do khu này nằm trong quy hoạch mở rộng cảng Bến Nghé”.

 

Cách đây vài năm, nếu không có tiếng nói của các đại biểu HĐND, thì đến nay, khu dân cư này vẫn là “một xóm đêm” - không có điện thắp sáng. Khu dân cư nằm cách con đường liên cảng rộng thênh thang chỉ vài chục mét, nhưng sao lại nhếch nhác đến thế? Cơ sở hạ tầng khu dân cư dường như chẳng được ai quan tâm: Đường sình lầy lội, không có hệ thống thoát nước nên nước thải từ các hộ dân chảy lênh láng, rác rưởi vứt vô số kể, mưa đến người dân lội nước bì bõm...

 

Chị Trần Thị Ngọc Mai (ngụ số 20/7, khu phố 5, P.Tân Thuận Đông), bức xúc nói: “Gia đình tôi sống ở đây mấy chục năm, nhưng vẫn không có nước máy để dùng trong sinh hoạt. Người dân muốn có nước xài phải chấp nhận mua lại với giá 16.000 - 18.000 đồng/m3, cao gấp 6-7 lần giá quy định”.

 

Theo phản ánh của người dân, môi trường sống luôn ẩm thấp, ô nhiễm, khiến cho người già, trẻ em thường xuyên bệnh tật... Dù điều kiện sinh sống tồi tệ, người dân vẫn phải chấp nhận. Nhiều người dân ở đây tâm sự rằng, họ không thể bán nhà đi nơi khác. Cho dù có muốn bán, chưa chắc đã có người mua, vì vướng quy hoạch. Nhưng nếu người dân ra đi, thì biết lấy đâu ra tiền để tìm một nơi ở khác giữa trốn thành thị với giá cả đắt đỏ, tấc đất vàng như hiện nay?

 

Lại tiếp tục chờ!

 

Dự án treo, 400 trăm hộ dân lao đao hơn 20 năm  - 1

Các hộ dân phường Tân Thuận Đông phải sống ở khu vực quy hoạch treo đã 20 năm nay.

Từ năm 1998, dự án mở rộng cảng Bến Nghé giai đoạn 3 đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư 9,8 tỉ đồng, trong đó kinh phí đến bù trên 4 tỉ đồng. Người dân nghe tin chưa kịp vội mừng, vì từ đây sẽ thoát khỏi quy hoạch treo, thì dự án lại bị ách tắc, bởi những lý do: Không bố trí được địa điểm tái định cư, lấn cấn chuyện di dời cảng biển ra khỏi nội thành, vướng mắc về một số chính sách đền bù giải toả... Thế là niềm hy vọng đổi đời của những người dân vốn có cuộc sống khó khăn đành bị ngâm lại cùng dự án suốt gần chục năm qua.

 

Vừa qua, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục đầu tư dự án mở rộng cảng Bến Nghé. Theo chủ đầu tư (Công ty TNHH một thành viên cảng Bến Nghé thuộc Tổng Công ty Cơ khí giao thông GTVT Sài Gòn), thì tổng mức đầu tư của dự án hiện nay đã phát sinh tăng lên 205 tỉ (tăng hơn 20 lần), trong đó, số tiền đền bù giải toả tăng từ 4 tỉ đồng lên 170 tỉ đồng.

 

Và vướng mắc hiện nay vẫn lại là công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho người dân. Muốn di dời các hộ dân, buộc phải có nơi tái định cư để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Trong khi đó, hiện thành phố đang thiếu quỹ nhà tái định cư (trên địa bàn thành phố có khoảng 5.000 hộ dân đang sống tạm bợ chờ tái định cư).

 

Theo ông Trương Văn Hữu - Phó Chủ tịch UBND Q.7,  tuy quận đã tìm được 3ha đất để thực hiện dự án tái định cư cho những hộ bị di dời, nhưng để thực hiện dự án tái định cư, quận 7 cũng phải giải toả dân (ở vị trí xây khu tái định cư) rồi mới triển khai được dự án, và mất ít nhất phải 2 năm nữa mới hoàn thành.

 

Đến thời điểm xây xong nhà tái định cư, e rằng số tiền đền bù cho khoảng 400 hộ dân không phải chỉ dừng lại con số 170 tỉ đồng như hiện nay. Như vậy sau 20 năm lao đao cùng dự án, đến nay hàng trăm hộ dân trên vẫn phải tiếp tục chờ…

 

Trần Xuân