Dự án trên đất vàng đắp chiếu 10 năm: Hà Nội có ưu ái nhà đầu tư?
(Dân trí) - Từ thực tế nhiều dự án nằm trên “đất vàng” trong lõi 4 quận nội thành bị “đắp chiếu” hơn 10 năm, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp Chế HĐND TP Hà Nội băn khoăn liệu TP có quá ưu tiên, nể nang các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực tài chính.
Sáng 13/8, Thường trực HĐND TP Hà Nội thực hiện phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại đây, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) - Trưởng ban Pháp chế đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết rõ thời gian qua việc công khai các nhà đầu tư cố tình vi phạm được thực hiện thế nào. Sở này có phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư công khai nhà đầu tư cố tình vi phạm hay không.
Đại biểu Duy Hoàng Dương (Hoài Đức) nhận định thời gian qua TP xử phạt 216 chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ chỉ 8,6 tỷ đồng là chưa đủ sức răn đe. Do vậy, ông Dương đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ có bao nhiêu nhà đầu tư tái phạm.
Giải đáp những vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định, trong quá trình kiểm tra, rà soát, phát hiện chủ đầu tư vi phạm mà chưa khắc phục thì không được cấp dự án mới. “Sở đã nghiêm túc thực hiện nội dung này”, ông Đông nói.
Về việc xử phạt các chủ đầu tư, ông Đông cho hay, theo quy định, đối với Hà Nội được xử phạt đến mức 1 tỷ đồng đối với một dự án. Ông Đông đồng tình với đại biểu, mức xử lý cao nhất như vậy là chưa đủ sức răn đe. Do vậy, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu để có báo cáo TP nâng mức xử phạt.
Tái chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, ông Nguyễn Trọng Đông trả lời chưa trúng câu hỏi của mình. “Đồng chí nói đã công khai dự án vi phạm, không xem xét các dự án mới cho chủ đầu tư chưa khắc phục. Tôi thấy điều này chưa đúng”, ông Nam cho hay.
Từ thực tế, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội nhận thấy rất nhiều chủ đầu tư tái phạm. Thậm chí, nhiều dự án ở lõi của 4 quận nội thành, các chủ đầu tư không vướng mắc gì về tài chính, không vướng mắc gì về quy hoạch cũng chậm triển khai gần 10 năm.
Ông Nam dưa ra ví dụ cụ thể dự án của Tân Hoàng Minh tại 94 Lò Đúc chậm triển khai gần 10 năm nay. “Ngay dự án tại 22-24 Hàng Bài, tôi từng chất vấn, đồng chí Chủ tịch UBND TP nói đã điều chỉnh và xây khách sạn. Nhưng đến thời điểm này dự án vẫn bất động. Hay của T&T tại Lý Thường Kiệt và Hàng Bài cũng có mấy dự án”, ông Nam nêu.
Ngoài ra, ông Nam còn chỉ rõ dự án ở 15 Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm) xây dựng trung tâm thương mại vẽ rất đẹp nhưng “đắp chiếu” cả chục năm nay vẫn là bãi đỗ xe gây mất an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy.
Đại biểu Nam cho biết, việc trao đổi lại như vậy tại hội trường nhằm để TP rà soát lại các dự án chậm triển khai. Bởi theo ông Nam đây chắc chắn không phải là chủ đầu tư không có năng lực tài chính.
“Họ rất có năng lực tài chính nhưng phải chăng là chúng ta chưa quyết liệt, chưa thể hiện trách nhiệm của mình để đôn đốc họ. Chúng ta vẫn cứ ưu tiên, nể nang các nhà đầu tư. Phải chăng như vậy!”, ông Nam nói và cho rằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhưng phải có thái độ rõ ràng để họ nghiêm túc thực hiện dự án.
Đại biểu Hồ Vân Nga (Quốc Oai) cho biết, tại điều 64 theo Luật Đất đai quy định rõ nếu phát hiện dự án chậm hoặc nhà đầu tư có văn bản xin gia hạn thì được tối đa là 24 tháng. Nếu sau 24 tháng vẫn tiếp tục chậm, thì nhà nước thu hồi không được bồi thường.
“Trên địa bàn có rất nhiều dự án chậm đến 10 năm và hơn 10 năm. Việc quy định gia hạn 24 tháng với những dự án này có được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện hay không. Với những dự án chậm hơn 10 năm như vậy, sở có biện pháp gì tham mưu cho thành phố xử lý?”, bà Nga nói.
Trả lời cẩu hỏi của đại biểu Nam, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, trong danh sách các dự án vi phạm từ thời điểm Luật Đất đai 2003 và cũng có những dự án thời điểm Luật Đất đai 2013. Theo ông Đông, sở đã tổng hợp các dự án này và sẽ nghiêm túc công khai.
“Trong quá trình thẩm định chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để dứt khoát không giao các dự án khác cho các chủ đầu tư này”, ông Đông nêu quan điểm.
Về câu hỏi của đại biểu Hồ Vân Nga, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, việc thu hồi dự án chậm tiến độ đã được gia hạn 24 tháng (theo Luật Đất đai 2013), chủ đầu tư không được bồi thường gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi gặp phải sự chống đối quyết liệt của chủ đầu tư bởi họ đã chi tiền giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cũng liên quan đến công ăn việc làm của hàng ngàn lao động”, ông Đông cho hay.
Tuy nhiên, ông Đông khẳng định không phải gặp khó mà TP không quyết liệt xử lý các dự án chậm tiến độ. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ không gia hạn cho những dự án chậm từ 5-10 năm (trừ trường hợp bất khả kháng). Còn chủ đầu tư cố tình chậm thì sẽ thu hồi”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường nói thêm.
Quang Phong