Quảng Nam:
Dự án thủy điện hoàn thành, dân vẫn chưa được tái định cư
(Dân trí) - Dù các thủy điện lớn trên địa bàn Quảng Nam đến nay đã hoàn thành và phát điện nhưng công tác tái định cư (TĐC) vẫn còn ngổn ngang; 180 hộ dân với gần 750 nhân khẩu chưa được di dời, TĐC.
Ngày 10/9, đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Đủ - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác – Bộ NN-PTNT làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam nhằm kiểm tra kết quả thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC.
Theo báo cáo của Sở NN- PTNT Quảng Nam, hiện trên địa bàn đã và đang triển khai xây dựng nhiều công trình thủy điện, trong đó có 3 công trình thủy điện lớn là Sông Tranh 2, A Vương và Sông Bung 4. Tổng số hộ dân thuộc diện di dời tái định cư là hơn 1.800 hộ dân. Trong đó, hơn 1.600 hộ với 7.884 nhân khẩu đã được thực hiện việc di dời, tái định cư, 180 hộ với gần 750 nhân khẩu chưa được di dời, TĐC.
Bên cạnh đó là việc xây dựng nhà TĐC của một số dự án thủy điện chất lượng không đảm bảo, không phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương. Đặc biệt, chất lượng một số công trình kết cấu hạ tầng còn thấp và nhanh xuống cấp, đời sống của người dân gặp khó khăn, thiếu đất sản xuất dẫn đển tình trạng phá rừng làm nương rẫy ngày càng tăng. Hiện tổng số hộ nghèo trong các xã khu vực TĐC chiếm 87,61% tổng số hộ dân, thu nhập bình quân đầu người là 4,5 triệu đồng/người/năm.
Phó Chủ tịch huyện Bắc Trà My - ông Nguyễn Nhân - cho hay: Các khu TĐC công trình thủy điện Sông Tranh 2 được bàn giao từ năm 2007, đến nay cơ sở hạ tầng tại một số điểm TĐC chưa được đầu tư hoàn thiện như hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông, nhà snh hoạt cộng đồng…
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Nam, tại các khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 và A Vương, tình hình đất sản xuất rất khó khăn. Do thiếu đất sản xuất nên người dân TĐC các thủy điện Sông Tranh 2 và A Vương đã phá rừng đầu nguồn để lấy đất trồng trọt.
Bên cạnh đó, chất lượng các công trình TĐC cũng chưa đảm bảo, nhanh xuống cấp, làng tái định cư và nhà dân xây dựng không theo tập quán người dân. Chỉ sau vài năm, hàng trăm nhà dân và trường học tại các khu tái định cư đã hư hỏng, xuống cấp, nhiều nhà bị bỏ hoang…
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam thừa nhận, tỉnh chưa có kinh nghiệm trong quá trình xây dựng khu TĐC nên đến nay còn nhiều tồn tại ở các khu TĐC, nhiều văn bản và chính sách về TĐC còn bất cập khiến địa phương lúng túng trong việc thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Quảng cho biết trước tình hình người dân TĐC thủy điện Sông Tranh 2 thiếu đất sản xuất, UBND tỉnh Quảng Nam vừa thống nhất chuyển đổi gần 1.000ha đất rừng phòng hộ, tái sinh sang đất sản xuất để cấp đất cho bà con.
Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Văn Đủ - cho hay không chỉ ở Quảng Nam mà nhiều công trình thủy điện ở nước ta đều mắc phải những vấn đề hậu TĐC và giải quyết vấn đề này vô cùng khó khăn.
Qua kiểm tra tại các khu TĐC thủy điện xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng hư hỏng thì một phần cũng do người quản lý không tốt. Chẳng hạn như các công trình nước, có đến 80% công trình bàn giao xong là do trâu bò, lũ, người dân làm hư hỏng nhưng không ai sửa. Công tác bàn giao quản lý không có, xây xong rồi không quản lý...
Ông Đủ đề nghị giữa EVN và tỉnh Quảng Nam cần phải rà soát lại và xử lý dứt điểm những vướng mắc, tránh kéo dài càng phát sinh nhiều bất lợi, cần quan tâm đến phát triển sản xuất lâu dài cho bà con ở vùng TĐC. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho người dân TĐC thủy điện ở mức cao hơn; hiện với mức hỗ trợ 19 triệu đồng/hộ để phát triển là quá thấp.
Toàn tỉnh Quảng Nam có 44 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất 1.584,6MW, điện lượng bình quân năm 6,261 tỉ kWh/năm. Hiện đã có 12 thủy điện đi vào hoạt động. Việc phát triển thủy điện đã làm ảnh hưởng đến 3.270 hộ với 14.850 nhân khẩu. |
Công Bính