Quảng Ninh:

Dự án nghìn tỷ mang ao, gạch đá, cống rãnh "bày" trước nhà dân

(Dân trí) - Sau hơn 2 năm thi công, đến nay dự án cải tạo, nâng cấp QL 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí (Quảng Ninh) vẫn nham nhở chỗ được chỗ không. Người dân nơi đây lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười bởi con đường tiêu chuẩn mãi chẳng thấy đâu, chỉ thấy ngổn ngang những rãnh, cống, dây điện chằng chịt cùng gạch đá và những hố nước đã mọc rêu xanh nằm chình ình trước cửa nhà.


Dù cơ bản đã bàn giao mặt bằng từ đầu năm 2017, nhưng đến nay đoạn qua Đông Triều vẫn nham nhở thế này

Dù cơ bản đã bàn giao mặt bằng từ đầu năm 2017, nhưng đến nay đoạn qua Đông Triều vẫn nham nhở thế này

Thi công kiểu nham nhở

Dự án cải tạo, nâng cấp QL 18 đoạn Bắc Ninh – Uông Bí (Quảng Ninh) theo hình thức hợp đồng BOT có chiều dài 57 km và tổng kinh phí lên tới hơn 2 nghìn tỷ đồng; do công ty BOT Phả Lại thực hiện. Thời hạn hoàn thành công trình theo hợp đồng gốc ban đầu là ngày 31/3/2017.

Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sau 2 năm triển khai, đến thời điểm hiện tại đoạn từ Đông Triều - Uông Bí vẫn ngổn ngang, nham nhở… chưa hề thấy hình hài, bóng dáng của một tuyến đường tiêu chuẩn.


Mặt đường vá chằng vá đụp

Mặt đường "vá chằng vá đụp"

Cả tuyến đường chỗ đã hoàn thành, chỗ vẫn dang dở. Mặt đường chỗ thảm nhựa, chỗ chỉ rải đá, có chỗ vẫn là... nền đất.

Hai bên đường chỗ thì thành hố sâu, chỗ thì đất đá, cát… chất thành đống ngay trước cửa nhà dân.

Có đoạn thì thảm nhựa xong nhưng hai bên đường vẫn ngổn ngang. Thậm chí có nhiều đoạn bên kia là rãnh sâu, bên này cầu cống đang thi công khiến lòng đường bị hẹp lại, giao thông gặp khó khăn.

Dân khốn khổ!


Tại khu Tràng Bạch, Hoàng Quế, Đông Triều, đường đẹp chả thấy chỉ thấy toàn hố, rãnh...

Tại khu Tràng Bạch, Hoàng Quế, Đông Triều, đường đẹp chả thấy chỉ thấy toàn hố, rãnh...

Ông Nguyễn Văn Hoàng (55 tuổi, sống tại Tràng Bạch) cho biết, đoạn đường trước cửa nhà ông được thi công đã hơn 6 tháng nhưng vẫn chưa xong. Đất đá bị đơn vị thi công đào lên rồi lấp xuống một cách vội vàng nên nham nhở chỗ cao chỗ thấp; dây điện, ống nước… chằng chịt trên mặt đất, trên cột điện nên đi lại rất khó khăn.

Tương tự, đoạn qua khu vực cầu Thượng Thông (Đông Triều) một đoạn cống lớn đang thi công dang dở tạo thành hố sâu, rộng tới vài chục mét. Tại đây chỉ có duy nhất một chiếc máy xúc nằm án binh bất động cùng với những thanh sắt, những mảnh gỗ cốt pha nằm la liệt… Không thấy bóng dáng công nhân nào.


Ngổn ngang...

Ngổn ngang...

Không chỉ tại Đông Triều mà tại đoạn đường thuộc khu vực phường Phương Đông, TP Uông Bí cũng xuất hiện hàng loạt những hố nước, thậm chí có hố nước rộng như một cái ao nhỏ nằm ngay trước cửa nhà các hộ dân. Những hố nước này đều mọc rêu xanh, có chỗ bèo mọc um tùm và rác rưởi nổi lềnh bềnh.


Cửa nhà dân ở Phương Đông, Uông Bí thành ao với rêu, bèo tây và rác.

Cửa nhà dân ở Phương Đông, Uông Bí thành ao với rêu, bèo tây và rác.

Bà Trần Thị Lan (60 tuổi, sống tại phường Phương Đông) bức xúc nói, những hố nước này do đơn vị thi công đào lên để làm đường từ rất lâu, mưa đọng lại thành ao cùng với nước thải chảy ra, rác ở nơi khác trôi vào gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

“Nhà tôi từ lâu không có lối vào, phải đi nhờ hàng xóm qua lối đi bé tẹo nên cháu tôi đã một lần suýt chết khi đi xe đạp về nhà nhưng không may bị lao xuống ao trước cửa. Trong khi dưới đó lô nhô một loạt cây sắt cắm chờ làm cống”, bà Lan bức xúc nói.


Những cái bẫy chết người ngay trước nhà dân.

Những cái bẫy chết người ngay trước nhà dân.

Không chỉ ao, rãnh, đất đá… mà trước cửa nhà dân thuộc dự án này còn bị bao vây bởi những đống bê tông dùng để bó vỉa hè, các loại dây điện, ống nước…

Thậm chí theo phản ánh của người dân, có đoạn đã đào rãnh, chôn các loại đường ống, dây cáp… nhưng chờ đến cả tháng nay đơn vị thi công cũng chẳng lấp xuống để trả lại mặt bằng cho người dân đi lại.

Thiếu mặt bằng hay thiếu năng lực?

Cầu, cống thi công dang dở rồi để đấy tại Kim Sơn, Đông Triều
Cầu, cống thi công dang dở rồi để đấy tại Kim Sơn, Đông Triều

Trao đổi với phóng viên Dân trí qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Phả Lại (doanh nghiệp thực hiện dự án) cho rằng, những rãnh nước xuất hiện trên đường đơn vị làm trước để chờ cầu. Về chuyện dây dợ chằng chịt, công ty sẽ điều chỉnh.

Ông Hoàng khẳng định, thi công chậm là do đang mưa nên tạm dừng, vì thi công trong lúc mưa chất lượng đường sẽ không đảm bảo.

Khi được hỏi về sự nham nhở, ngổn ngang kéo dài đã lâu tại phường Phương Đông (TP Uông Bí), ông Hoàng cho biết, đoạn tại Uông Bí hiện đang có chút vướng về mặt bằng.

Trong khi đó tại văn bản số 7804/BGTVT-CQLXD ngày 17/7/2017, Bộ GTVT khẳng định, do không đáp ứng được tiến độ dự án nên Bộ đã phải gia hạn lần 1 và ký phụ lục bổ sung hợp đồng với tiến độ hoàn thành dự án đến ngày 30/9/2017.

Cũng theo Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại tiến độ dự án vẫn không đáp ứng được tiến độ gia hạn lần 1 nên nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị Bộ gia hạn thời gian hoàn thành công trình (lần 2) đến ngày 31/12/2017.


Theo Bộ GTVT, dự án chậm ảnh hưởng đến việc đi lại, đời sống của người dân...

Theo Bộ GTVT, dự án chậm ảnh hưởng đến việc đi lại, đời sống của người dân...

Cũng tại văn bản trên, theo Bộ GTVT, dự án chậm tiến độ nguyên nhân chính là do giải phóng mặt bằng (GPMB). Tính đến thời điểm 30/6/2017, ngoài các tỉnh thành khác thì trên địa bàn Quảng Ninh vẫn còn vướng 0,6 km đoạn qua TP Uông Bí chưa hoàn thành GPMB.

Tuy nhiên ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP Uông Bí khẳng định với PV Dân trí ngày 16/8, từ ngày 18/4/2017, thành phố đã bàn giao xong toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư để thi công. Do dự án vẫn triển khai kiểu ì ạch dẫn đến người dân mất niềm tin, bức xúc và tái lấn chiếm khoảng vài trăm mét.


Dự án khiến người dân ngán ngẩm.

Dự án khiến người dân ngán ngẩm.

“Về vấn đề này thành phố cũng đã làm việc với nhà đầu tư và yêu cầu triển khai xong những đoạn đã GPMB để người dân tin tưởng. Chính quyền sẽ có trách nhiệm vận động và bảo vệ để nhà thầu thi công những diện tích bị tái lấn chiếm”, ông Tú nói.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, cũng khẳng định, ngay từ đầu năm 2017 thị xã đã cơ bản bàn giao mặt cho đơn vị thi công.

Người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng cho rằng, đổ lỗi cho việc GPMB và thời tiết… chỉ là cách để khỏa lấp việc thiếu năng lực của nhà đầu tư.

Hải Sâm