1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Hà Nội:

Dự án “giảm nghèo” làm nghèo dân

(Dân trí) - Nhiều tháng nay, hàng nghìn hộ dân ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội như ngồi trên đống lửa. Số tiền họ ky cóp, vay mượn nộp cho chính quyền xã mua lợn giống “xóa đói giảm nghèo” có nguy cơ một đi không trở lại. Năm lần bảy lượt lên xã hỏi đều nhận được câu trả lời: “Cứ chờ, bao giờ có thì xã thông báo”.

Chị Bùi Thị Lý ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, bức xúc: “Chúng tôi lên xã 3-4 lần rồi, lần gần nhất cách đây 4 ngày. Các ông ấy (lãnh đạo xã - PV) bảo cũng chưa biết bao giờ thì có lợn, thôi bà con cứ chờ vậy. Chúng tôi muốn đòi lại tiền, họ bảo cũng không được. Giờ không biết phải làm sao”.

 

Theo nhiều người dân xã Minh Trí, năm 2006, huyện Sóc Sơn được thụ hưởng dự án Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, theo đó, mỗi hộ nghèo hoặc cận nghèo sẽ được mua lợn giống với giá ưu đãi, được hỗ trợ 60% tiền giống và 40% tiền cám. Dự án do Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn - Sở NN&PTNN làm chủ đầu tư.

 

Để được mua lợn giống, người dân phải bỏ tiền ra đối ứng. Tính theo giá lợn giống trên thị trường lúc đó thì mỗi hộ chỉ phải bỏ ra 9.000 đồng là mua được 1kg lợn giống. Do vậy, hàng trăm hộ dân rủ nhau mang số tiền đã tích cóp được, thậm chí là đi vay mượn với lãi suất cao để mua lợn giống “thoát nghèo”.

 

Xã Minh Trí có trên 200 hộ dân đủ “điều kiện” nghèo được đăng ký mua lợn giống, hộ ít nhất đã bỏ ra 260 nghìn đồng, hộ nhiều nhất là 3 triệu đồng, tất cả số tiền này được người dân mang nộp trực tiếp cho Hội nông dân và ban xóa đói giảm nghèo của xã. Số tiền nộp không có phiếu thu mà chỉ được cán bộ ghi danh sách nộp tiền.

 

Tuy nhiên, gần 1 năm trôi qua, dân chờ đỏ mắt mà vẫn chưa thấy con lợn giống nào. Lên hỏi xã thì được cán bộ động viên “lợn sắp về”.

 

Sau nhiều lần thúc giục không được, một số hộ tức mình đòi lại tiền nhưng chính quyền xã cho biết: tiền đã nộp lên trên, giờ chỉ có cách duy nhất là… chờ.

 

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hội nông dân xã Minh Trí than thở: “Bây giờ chúng tôi cũng không biết nói thế nào để dân hiểu, xã đứng ra thu tiền nhưng ngay sau đó chuyển toàn bộ về cho Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn. Dân đòi nhiều lần, chúng tôi cũng đã phản ánh lên huyện và chi cục nhưng họ nói cứ từ từ, mọi việc sẽ được giải quyết”.

 

Cũng vì sự “từ từ” này mà nhiều hộ nghèo ở Minh Trí đang phải điêu đứng. Chị Bùi Thị Lý, chồng bỏ, một nách hai con, làm thuê không đủ ăn. Nghe chủ trương xóa nghèo, chị cắn răng đi vay mượn khắp nơi nhưng cũng chỉ được 260 nghìn đồng với lãi suất 30%,  đủ để được mua gần 30 kg lợn giống. Từ ngày nộp tiền đến nay, có lẽ chị là người nóng ruột nhất bởi lợn thì chưa thấy nhưng chủ nợ đã đến đòi liên miên. Chị than: “Tiền chúng tôi vay lãi chứ không phải tự có, giờ tôi muốn xin lại số tiền ấy để trả nợ cũng không được. Không biết xoay đâu cho đủ để trả cả gốc lẫn lãi!”.

 

Ngoài chị Lý, các ông Bùi Văn Đòi nộp gần 2,8 triệu, ông Nguyễn Văn Long nộp 1,4 triệu, bà Tạ Thị Mùa nộp 1,4 triệu đồng,... cũng sốt ruột không kém. Nhiều người dân bức xúc còn cho rằng đây là một dự án lừa đảo, vay vốn dân không phải trả lãi.

 

Thậm chí, đã có cặp vợ chồng đánh chửi nhau như cơm bữa chỉ vì lợn giống “thoát nghèo”. Hai vợ chồng vay mượn được 1,4 triệu với lãi suất 20%, không có lợn, chủ nợ đến thúc, kinh tế bức bách dẫn đến đánh chửi nhau. Vợ chồng kéo nhau lên xã đòi lại tiền nhưng không được.

 

Dân thì như thế nhưng cán bộ lại thờ ơ rất khó hiểu. Trao đổi với Hội nông dân huyện Sóc Sơn, được biết dự án này do Phòng Lao động thương binh xã hội theo dõi. Qua phòng này,  chúng tôi lại được chỉ dẫn sang phòng Kinh tế - Kế hoạch.

 

Ông Bùi Văn Thanh, cán bộ phòng Kinh tế - Kế hoạch huyện, cho biết đúng là có dự án này, nhưng phòng là cơ quan phối hợp nên cũng... không rõ là dự án đã được thực hiện đến đâu (!?).

 

Chỉ biết, dự án này được thực hiện tại 8 xã nghèo của Sóc Sơn, trên 2.000 hộ dân đã nộp tiền để được mua 4.000 con lợn, nhưng đến nay chưa có con lợn giống nào về đến xã.

 

Thái Sơn