Bình Định:
Dự án điện mặt trời: "Làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của người dân!"
(Dân trí) - Đó là mong muốn của đa số người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án điện mặt trời đầm Trà Ổ tại xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ (Bình Định), do Công ty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam làm chủ đầu tư.
Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
Sáng 2/4, tại trụ sở UBND xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ), UBND tỉnh Bình Định tiếp tục có buổi đối thoại với người dân xã Mỹ Lợi liên quan đến dự án điện mặt trời tại địa phương.
Đây là lần thứ 2 tỉnh Bình Định tổ chức đối thoại với người dân, nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân đối với dự án này. Người dân yêu cầu tỉnh khi triển khai bất kỳ dự án nào, kể cả dự án điện mặt trời này thì trước tiên phải đặt lợi ích người dân lên hàng đầu.
Tại buổi đối thoại, các ý kiến người dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về việc triển khai dự án sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sẽ làm chết tôm, cá ở dưới đầm, ảnh hưởng đến mưu sinh của người dân bao đời nay… Việc triển khai dự án, nhà máy có rào chắn chặn đường đánh bắt thủy sản của người dân. Các vấn đề về an sinh xã hội thì doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho nhân dân ra sao.
Đặc biệt, có ý kiến lại lo lắng rằng sau khi dự án hoàn thành có bán cho nước ngoài, nhất là người dân lo sợ sẽ bán cho Trung Quốc.
Một người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, lo lắng: “Bao đời nay người dân ở Mỹ Lợi sống nhờ vào khai thác thủy sản ở đầm Trà Ổ. Gia đình tôi cũng vậy, mỗi ngày tôi kiếm 200 - 300 ngàn đồng, nhờ đó mà có con cái ăn học nên người. Chúng tôi không phản đối chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhưng nếu lấy đầm Trà Ổ làm dự án điện mặt trời thì người dân chúng tôi không biết dựa vào đâu mà sống? Tôi rất mong tỉnh xem xét chuyển dự án đi nơi khác thì người dân sẽ thống nhất”.
Bên cạnh đó, người dân cũng kiến nghị, chính quyền các cấp cũng như nhà đầu tư cần quan tâm đến việc ưu tiên sử dụng lao động địa phương nếu nhà máy triển khai, quan tâm xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân, vì các thôn vùng này vẫn dùng nước nhiễm phèn; quy hoạch khu nghĩa địa; đầu tư điện thắp sáng nông thôn…
Trong khi đó, có một vài ý kiến cực đoan không chấp nhận, yêu cầu tỉnh không cho nhà đầu tư triển khai dự án, khiến buổi đối thoại không thành công như mong đợi.
"Tỉnh không ép người dân để làm dự án"
Trả lời ý kiến băn khoăn của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu bày tỏ sự chia sẻ với băn khoăn, lo lắng của người dân về dự án khi triển khai. Ông Châu khẳng định dự án không gây ảnh hưởng đến môi trường sống, đến sinh sản của các loại tôm cá dưới đầm và không có chuyện dự án bán cho Trung Quốc. Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết sử dụng lao động địa phương, đặc biệt là người dân xã Mỹ Lợi.
Nhiều người dân cũng tỏ ra đồng tình và mong muốn có dự án.
“Diện tích đầm Trà Ổ rộng gần 1.300 ha, dự án điện mặt trời chỉ 60 ha, chiếm một phần rất nhỏ nên không ảnh hưởng mưu sinh của người dân cũng như ảnh hưởng đến sinh sản của các loại thủy sản dưới đầm. Tỉnh không ép người dân để làm dự án, nếu dự án gây ảnh hưởng đến đời sống người dân”, ông Châu nói.
Ông Châu cũng đề nghị, UBND huyện chỉ đạo UBND xã thành lập tổ thường xuyên giám sát trong quá trình thực hiện dự án của nhà đầu tư trong khu vực này. Đối với những vùng ảnh hưởng đến dự án diện tích đất trên mặt nước rất ít phải đền bù thỏa đáng, còn diện đất nằm dưới mặt nước cũng phải đền bù lại cho bà con. Đồng thời, UBND huyện có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Luật thủy sản nhằm chấm dứt tình trạng xung điện, xiếc máy trên đầm Trà Ổ.
Ông Châu cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp chính quyền, phải triển khai để sớm có hệ thống nước sạch cho người dân; quy hoạch một khu nghĩa địa cho nhân dân…
Về phía nhà đầu tư, ông Lê Đức Thoa - Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Việt Nam rất chia sẻ với các ý kiến băn khoăn của người dân và ghi nhận sự đóng góp của bà con nhân dân vùng dự án. Đồng thời, ông cũng cam kết sẽ ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Hàng năm, nhà đầu tư cũng bỏ ra 1 tỷ đồng để phục vụ an sinh xã hội tại địa phương.
“Dự án chỉ triển khai trên tổng diện tích có 60 ha, nhưng diện tích che phủ chỉ 35ha, diện tích còn lại người dân vẫn vào đánh bắt thủy sản bình thường. Chúng tôi cũng không rào chắn mà chỉ lắp những phao để cảnh báo người dân khu vực lắp tấm pin”, ông Thoa khẳng định.
Doãn Công