Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM “tái khởi động”

(Dân trí) - Từ cuối tháng 4/2018, nhà đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM quyết định ngưng thi công. Nguyên nhân do UBND TPHCM chậm ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn tiếp cho dự án.

Mới đây, chính quyền thành phố đồng ý ký xác nhận nên nhà đầu tư đang chuẩn bị các công việc để tiếp tục thi công.

Theo đó, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6 của UBND TPHCM diễn ra ngày 3/7, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá 10.000 tỷ đồng của thành phố sẽ thi công trở lại sau thời gian tạm ngưng.

Người phát ngôn của chính quyền TPHCM cho biết thành phố đã có hướng tháo gỡ khó khăn về thủ tục thanh toán để cấp vốn cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Người phát ngôn của chính quyền TPHCM cho biết thành phố đã có hướng tháo gỡ khó khăn về thủ tục thanh toán để cấp vốn cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Theo ông Hoan, quá trình triển khai dự án gặp những khó khăn nhất định, trong đó 2 vấn đề lớn nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục thanh toán. Do đó, dự án không hoàn thành kịp tiến độ vào dịp 30/4/2018 như cam kết của nhà đầu tư với thành phố.

Ông Hoan cho biết, thành phố đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư thi công, sớm hoàn thành dự án.

Về thủ tục thanh toán, ông Hoan cho rằng dự án gặp phải những khó khăn khi có tới “ba bên bốn bề”. Ngoài nhà đầu tư, ngân hàng BIDV, UBND TP thì còn có Ngân hàng Nhà nước – cấp vốn cho vay lại thông qua ngân hàng BIDV. Có sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước nên thủ tục thanh toán có phần phức tạp khó khăn như phải kiểm tra, rà soát lại nhãn hàng, giá cả vật liệu, thẩm định chậm… Việc này dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm.

“Những dự án lớn như vậy khó khăn trong việc thanh toán là bình thường và hiện nay thành phố đã giải ngân gần như đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Việc giải ngân đã có hướng tháo gỡ. Vì vậy, nhà đầu tư phải hoàn thành hồ sơ khối lượng công việc thực hiện để được giải ngân nhiều hơn. Thành phố cam kết đến cuối năm 2019 sẽ đưa vào sử dụng toàn bộ dự án”, ông Hoan nói.

Theo thông tin chúng tôi được biết, do tạm ngưng thi công dự án nên số lượng nhân sự, máy móc trên công trường thi công các hạng mục dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã giảm đi khá nhiều. Từ chỗ gần 2.000 công nhân làm việc thì đến nay nhà đầu tư có thể huy động tại chỗ 400 người.

UBND TPHCM đã có công văn gửi đến nhà đầu tư về việc đồng ý ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn tiếp cho dự án. Do đó, nhà đầu tư đang chuẩn bị các thủ tục, công việc liên quan đến tiếp tục thi công dự án. Tuy công tác chuẩn bị mất thời gian nhưng nhà đầu tư khẳng định kịp hoàn thành trong năm 2019.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019

Như Dân trí đã thông tin, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Nam Sài Gòn đã ngừng giải ngân cho dự án do UBND TPHCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án, để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.

Nhà đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM (tập đoàn Trung Nam) cho biết việc chậm xác nhận báo cáo của UBND TPHCM đã xảy ra từ tháng 9/2017. Đến cuối tháng 4/2018, nhà đầu tư đưa ra giải pháp tạm ngưng thi công và gửi thông báo đến chính quyền TPHCM.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM được khởi công từ tháng 6/2016. Dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40-160m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định. Ngoài ra, dự án chống ngập do triều còn có hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến Sông Kinh) dài 7,8km, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ từ 1-10m.

Với mục tiêu chống ngập cho lưu vực rộng 570 km2 của TPHCM, dự án dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4/2018, song đã không về đích đúng hẹn vì các địa phương chậm bàn giao mặt bằng.

Quốc Anh