Điểm mặt những dự án “khủng” thi công ì ạch ở Hà Tĩnh:
Dự án chết và món nợ 750 tỷ đồng dần bị lãng quên
(Dân trí) - Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi có mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, triển khai được vài năm thì khai tử. Nhiều ngân hàng nhà nước ôm khối nợ hơn 750 tỷ đồng. Sự việc gây bức xúc trong dư luận thế nhưng những gì liên quan đến dự án này dần bị quên lãng…
Bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng rồi khai tử
Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi được khởi công xây dựng ngày 16/06/2007 với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (xã Kỳ Thịnh, Kỳ Anh) do Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh với hai cổ đông chính là Công ty TNHH Vạn Lợi (Ba Đình, Hà Nội) và Công ty đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Đống Đa, Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Theo dự kiến, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động cho sản phẩm đầu tiên vào tháng 12/2008.
Thế nhưng sau hơn 6 năm, dự án này vẫn ì ạch và sau đó thì ngưng lại hoàn toàn. Các thiết bị, máy móc phơi sương, phơi nắng.
Trước thực trạng trên, ngày 19/5/2015, Ban Quản lý KKT Vũng Áng đã có văn bản thông báo sẽ chấm dứt Dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi và gửi đến các ngân hàng cho vay vốn trong dự án này.
Được biết, số tiền đã đầu tư vào dự án này là gần 1.000 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng cho vay với tổng số tiền hơn 750 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB Hà Tĩnh), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV Hà Tĩnh), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank Hà Tĩnh)... Trong đó Ngân hàng VDB chi nhánh Hà Tĩnh là đơn vị cho vay nhiều nhất với số tiền gốc gần 600 tỷ đồng.
Cuối năm 2015, Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh đã chính thức ra quyết định chấm dứt , thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi.
Theo đó, Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh yêu cầu phía chủ đầu tư phải tiến hành thanh lý dự án trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ban hành quyết định để bàn giao lại mặt bằng. Nếu sau 6 tháng, phía chủ đầu tư không xử lý xong việc thanh lý dự án thì Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh sẽ thực hiện các bước theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng đến nay đã hơn 2 năm, phía chủ đầu tư vẫn chưa thanh lý xong dự án để hoàn trả mặt bằng.
Các ngân hàng chia nhau đống sắt vụn?
Ghi nhận tại dự án này vẫn là ngổn ngang sắt thép và các hạng mục thi công dang dở bị hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng.
“Đến nay vẫn chưa thu hồi lại mặt bằng được vì thanh lý chưa xong”, ông Đặng Văn Thành, Phó Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh cho biết.
Hiện tại, việc thu hồi lại số nợ này là vô cùng khó khăn. Bỏ ra hơn 750 tỷ đồng, giờ các ngân hàng lại chia nhau đống sắt vụn.
Chia sẻ với PV Dân trí, một lãnh đạo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2008, chúng tôi có đầu tư vào dự án và đến nay đã giải ngân số tiền 580 tỷ đồng, cho vay theo tín dụng đầu tư. Chúng tôi đang gửi hồ sơ sang tòa hơn 1 năm rồi, để nhờ tòa giải quyết để sớm thu hồi lại vốn cho nhà nước và tòa vẫn đang nghiên cứu”.
“Tỉnh cũng muốn làm để thu hồi lại đất dự án vì đã quá lâu rồi. Nhưng bây giờ tòa chưa giải quyết thì ví dụ như có đơn vị nào vào mua để khởi động lại dự án cũng không dám. Mình thu hồi tài sản thì phải thanh lý các tài sản của dự án. Có nhiều máy móc được gửi bên các kho của công ty rau quả, nhưng cũng có một số thiết bị máy móc không có chỗ để nên đang bỏ ngoài trời như vậy", vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết.
Cũng theo vị này thì đến thời điểm bây giờ chưa có ai phải chịu trách nhiệm về khối nợ này vì đang trong giai đoạn thu nợ.
Khi dự án này bị khai tử, nhiều ngân hàng nhà nước phải ôm một món nợ là hơn 750 tỷ. Câu hỏi khiến dư luận quan tâm là các ngân hàng sẽ thu hồi lại được bao nhiêu vốn cho nhà nước? Và trách nhiệm để xảy ra kết cục như thế này thì trách nhiệm thuộc về ai?
Về những băn khoăn này, một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, món nợ hơn 750 tỷ mà các ngân hàng phải thu hồi về cho nhà nước là các hợp đồng dân sự của các ngân hàng.
“Còn trách nhiệm của Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh thì chỉ là cấp dự án, cấp Giấy phép chứng nhận đầu tư và thu hồi Giấy phép chứng nhận đầu tư theo quy định thôi!”, vị này cho biết.
Xuân Sinh