1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đột nhập trung tâm giải phẫu xác của người tình nguyện

Từ khi qua đời thân xác của những người tình nguyện được đưa vào bộ môn giải phẫu đến những buổi lễ tri ân... thực sự là một hành trình thiêng liêng.

Đơn tình nguyện đặc biệt

Hiến thân cho khoa học sau khi đã sang thế giới bên kia, việc làm tưởng dễ nhưng khi đặt bút ký vào tờ đơn, người tình nguyện không phải không trăn trở. Băn khoăn lớn nhất là do quan niệm "dương sao, âm vậy". Người quá cố phải được toàn thây, được bình yên trong lòng đất hay "lành lặn" lúc hoả thiêu, chứ không thể "phơi thây" trên bàn thí nghiệm để cho những người nghiên cứu, học tập mổ xẻ lật qua, lật lại "đớn đau"...
 
Đột nhập trung tâm giải phẫu xác của người tình nguyện
Xác được dùng trong nghiên cứu, giảng dạy.


Anh Trần Văn Nguyên, người đã làm thủ tục hiến xác tại Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tâm sự: "Đi đến quyết định, tôi phải vượt qua nhiều rào cản tâm lý. Trước hết là cảm giác của chính mình, dù vẫn biết "chết là hết", nhưng vẫn còn chút "lăn tăn" khi nghĩ đến việc thân xác mình sẽ không được yên nghỉ. Bên cạnh đó là sự ngăn cản từ gia đình vì quan niệm cố hữu của người phương Đông muốn "bình yên nơi chín suối". Bạn có một tấm lòng, nhưng chưa đủ mà phải thêm một lần dũng cảm nữa mới vượt qua những rào cản đó".

PGS.TS Phạm Đăng Diệu, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Bộ môn Giải phẫu chia sẻ: "Thật không thể nói hết được sự tri ân của thầy trò chúng tôi với những người hiến xác. Nhờ họ mà sinh viên được thực hành thực tế trên người thật. Xác đã phục vụ trực tiếp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh, từ nghiên cứu ứng dụng đến học thuật.

Người thầy thuốc không giống như kỹ sư cơ khí, sửa chữa máy móc mà họ tác động trên người bệnh với những đặc tính sinh học vốn thay đổi, khác biệt một cách tinh tế. Trong trường y, cơ thể người là "phương tiện" học tập hữu hiệu và thiêng liêng nhất mà không thể thay thế được.

Bác sĩ làm sao có thể khám, chẩn đoán và điều trị khi mà họ không hiểu biết một cách tường tận đối tượng mà họ sẽ tác động. Đặc biệt là, sinh viên khi học với xác sẽ tiếp thu thông tin tổng hợp bằng nhiều giác quan nhìn, sờ và ngay cả tác động trực tiếp tâm lý...".

Vì thế mà thầy trò trường y thường gọi những người tình nguyện hiến xác cho y học là: "Những người thầy không đứng trên bục giảng" để thể hiện sự trân trọng đối với cống hiến thầm lặng nhưng vô cùng cao cả của họ.

"Thể phách người cho không tính toán"

Để cho nhiều người có tâm nguyện được hiến xác cho y học biết được khi qua đời, thân xác của họ sẽ đi theo "hành trình" nào, chúng tôi đã đến Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào một buổi trưa Sài Gòn nắng chói chang. Mùi hóa chất xử lý xác trong hồ cộng với cái nóng bức và không khí nhà lạnh tạo nên cảm giác khó tả.
 
Đột nhập trung tâm giải phẫu xác của người tình nguyện
Giảng viên Hàng Văn Mão đang giới thiệu các thiết đồ.


Vừa dẫn chúng tôi đến khu vực làm vệ sinh xác khi mới tiếp nhận, giảng viên Hàng Văn Mão, Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: Sau khi mất, trong vòng 12 tiếng đầu tiên là tốt nhất, gia đình sẽ thông báo đến bộ phận nhận xác hiến theo thông tin đã được cung cấp khi làm thủ tục hiến xác.

Nhà trường cử người đến tiếp nhận với một nghi lễ nhỏ thể hiện sự trân trọng gồm có hương, hoa, trái cây và một bằng tri ân do hiệu trưởng ký. Xác hiến được bảo quản trong túi đựng xác, đặt trong quan tài bằng inox và chuyển về Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM trong khoảng 12 - 24 giờ. Xác phải được xử lý trong vòng 24 tiếng là tốt nhất vì để lâu hơn sẽ bị phân hủy.

Quy trình xử lý xác bắt đầu bằng việc vệ sinh xác rồi kỹ thuật viên sẽ mở động mạch cảnh ở cổ để tiêm hóa chất (formol và một số thuốc khác) để giữ cho xác không bị phân hủy. Có thể tiêm bằng bơm máy, hoặc nhỏ giọt dưới áp lực (khoảng 8 giờ/xác), nhưng phương pháp nhỏ giọt áp lực thường được chọn vì hóa chất sẽ ngấm đều trên toàn cơ thể hơn bơm tiêm máy. Ngoài ra, một số ca, do đến trễ hoặc do mạch bị thuyên tắc thì bắt buộc kỹ thuật viên phải tiêm hóa chất tại chỗ bằng tay. Đây là một công việc rất vất vả vì đòi hỏi nhiều thời gian.

Sau khi được bơm hóa chất, xác sẽ được bảo quản ở nhiệt độ phòng thêm 24 - 48 tiếng cho hóa chất ngấm đều, sau đó được kiểm tra lại, nếu chưa đạt thì sẽ tiêm bổ sung. Trong thời gian xác được lưu trữ trước khi sử dụng, nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện cho thân nhân được thăm viếng khi có yêu cầu như trong các dịp lễ tuần hay giỗ chạp.

Với cách xử lý như trên, xác sẽ tiếp tục được bảo quản bằng cách ngâm trong dung dịch hóa chất. Xác được xử lý theo phương pháp này thường cứng, đổi màu nâu, nhưng lại được sát khuẩn rất tốt và thời gian lưu ở nhiệt độ phòng khi sử dụng có thể kéo dài một đến hai ngày.

Bên cạnh đó, cũng có cách bảo quản xác tươi, nghĩa là xác được xử lý bằng một dung dịch rất ít formol, nhưng được lưu giữ trong nhà lạnh âm 10 - 300C. Xác loại này mềm, ít biến màu, nhưng thời gian cho phép lưu ở nhiệt độ phòng chỉ vài giờ, sau đó phải đưa lại vào nhà lạnh. Vì vậy, xác tươi thường chỉ được dùng trong nghiên cứu hoặc huấn luyện kỹ thuật phẫu thuật mà thôi, còn xác được xử lý bằng formol lại được dùng cho sinh viên y khoa học tập.

Thường thì xác được đem ra giảng dạy, nghiên cứu sau khi lưu trữ khoảng vài năm và thời hạn sử dụng khoảng một đến hai năm. Xác hiến hết sử dụng sẽ được hỏa thiêu chứ không được chôn vì đã được tiêm hoá chất bảo quản nên không thể phân huỷ trong đất. Lúc đó, nhà trường sẽ mời gia đình đến để gặp người thân lần cuối và cùng tiễn biệt, gia đình có thể nhận lại tro cốt hoặc gửi lại tại bộ môn của trường.

"Thể phách người cho không tính toán/Tinh anh đời giữ mãi trường tồn" - câu thơ ngợi ca những người hiến xác được treo trang trọng trong phòng thực hành luôn khiến mọi người xúc động. Cứ đến cuối năm âm lịch, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch lại long trọng tổ chức Lễ Tri ân. Khách mời là những người đã làm hồ sơ hiến xác và thân nhân của những người đã hoàn thành tâm nguyện hiến thân cho sự nghiệp đào tạo và phát triển nền y học nước nhà...

Đến nay, tại Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM đã có 3.279 hồ sơ đăng ký hiến xác. Mỗi năm, tiếp nhận khoảng 7 - 8 xác. Hiến xác là tự nguyện nên không có bất kỳ một chế độ nào.


Theo Bùi Hương
Kienthuc