Đột nhập làng pháo lậu
Sau khi pháo bị cấm, làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) trở nên yên ắng. Cứ tưởng sự vắng lặng đó đồng nghĩa với việc làng pháo “đã chết”, thế nhưng thực chất nó vẫn âm ỉ tồn tại, nhất là thời điểm cận Tết...
Tìm mối hàng
Chúng tôi tìm đến nhà H.B, ngôi nhà có sân, vườn rộng thênh thang nằm ở cuối một con ngõ dài ngoằn ngèo của làng Bình Đà 1. Đón chúng tôi là người đàn ông trạc 37 tuổi, dáng người gầy thấp nhỏ. Màn chào xã giao diễn ra chóng vánh, người đàn ông ấy đột ngột hỏi: “Các anh muốn mua hàng phải không? Nghe giọng, có vẻ như mấy anh không phải người ở đây? Làm sao tìm đến được nhà thằng này?”.
Chúng tôi vào việc: “Không giấu gì anh, bọn em là dân tỉnh khác đến đây tìm hàng để về bán phục vụ nhu cầu Tết. Nghe mấy thằng bạn bảo ở Bình Đà vẫn còn sản xuất pháo, cứ đến là có ngay nên lần tìm đến đây để mua hàng, ai dè tìm được ông anh khó thế!”. Nghe chúng tôi nói vậy, H.B bắt đầu giảng giải: “Các chú dân nơi khác mà tìm được đến đây là khá đấy. Mấy đứa xe ôm đầu làng toàn là chim mồi chim lợn cả, dân một nhà mà, cứ ngoài làng có động tĩnh gì là bọn anh biết hết. Chính bởi thế, mười mấy năm cấm pháo có năm nào anh nghỉ chinh chiến đâu, chả việc mẹ gì!”.
Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại. Nghe máy, H.B nói oang oang: “Alô, ừ đúng rồi... bao nhiêu, 100 băng hả... ok, chiều nhé, giờ đang có khách...”. Nói xong H.B quay ra và bảo: “Mấy thằng cha làng Rùa nghiện pháo ghê gớm, bọn này toàn đại gia, ăn chơi không sợ mưa rơi”.
Tôi tỏ vẻ ngây ngô hỏi: “Anh làm pháo ngay tại nhà mà không sợ bị úp sọt à?”. H.B đáp: “Xung quanh đây cũng có mấy nhà ủ pháo tại gia đấy, liều thật! Anh không chơi thể loại đấy. Chỗ anh làm pháo cách đây vài cây, có hẳn một đội đóng pháo lành nghề thế nên mấy chú khỏi lo chuyện chất lượng, pháo xịn luôn!”.
H.B liến thoắng xổ luôn một lèo: “Làm pháo cũng phải chọn thời vụ chứ làm bừa có mà toi. Cứ tầm áp Tết mà làm thì vỡ mặt thớt, khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 khi mà tết đã qua, mọi chuyện về hàng lậu, pháo lậu lắng xuống và không ai còn để ý nữa lúc đấy pháo mới vào vụ mùa”.
Có cả một đường dây
Trong lúc giao dịch với chúng tôi H.B gợi ý: “Ở đây tụi anh có rất nhiều chủng loại thoả mãn nhu cầu mọi đối tượng… Pháo bông từng cây lẻ thì 5 ngàn đồng, pháo thăng thiên có hai loại, một bánh phụt 16 phát thì 70 ngàn, bánh phụt 19 phát giá 80 ngàn, còn pháo dây loại khủng dài 60 phân giá 50 ngàn... Ở đây anh bán đủ mọi đối tượng, từ học sinh, sinh viên, dân chơi, dân buôn... bán tuốt tuồn tuột. Hàng chục hàng trăm băng thì không bàn, nhưng có lúc một băng anh cũng bán!”.
Sau khi đưa ít tiền đặt cọc, chúng tôi theo xe của H.B đến kho hàng. Trên đường đi, H.B kể, hắn hay đưa hàng ra Hà Nội. Mấy năm trước, cứ khoảng 2 đến 3 giờ sáng là chuyển hàng, giờ đấy thanh vắng “cớm” ngủ hết rồi nên không việc gì, thế nhưng hay bị cảnh sát cơ động “úp sọt”. Bây giờ những người vận chuyển pháo thường đi vào lúc chập choạng tối, khoảng 6h - 7h. Khi ấy giờ tan tầm, người đông, cơ động không có, tranh tối tranh sáng nên không ai để ý.
H.B đưa chúng tôi ra khỏi làng, đi lên đường nhựa, ngược về hướng Hà Đông gần 2 cây số. Hắn dừng lại ở một ngã ba, nơi có lối rẽ vào trường Trung cấp nghề Simco - Sông Đà rồi bảo chúng tôi đợi ở đấy. Khoảng 15 phút sau H.B quay lại, tay cầm túi bóng màu đen, ngó trước ngó sau rồi dúi cho chúng tôi, hắn bảo: “Xem hàng đi, nhanh lên”. Chúng tôi mở túi bóng, mấy băng pháo đỏ tươi, sáp gắn ở đít pháo còn chưa khô. “Hàng chuẩn, pháo xịn đấy, thế nhé có gì gặp lại sau”. Chưa kịp trả lời, H.B đã rồ ga, phóng xe đi xa tít.
Hai ngày sau chúng tôi quay lại nhà H.B, vừa vào nhà, hắn nói luôn: “Hôm nay không giao hàng được. Mấy thằng trong làng vừa mới bị “úp sọt” xong. 3h sáng qua (10/12) có 3 nhà bị công an Hà Nội đến kiểm tra, có nhà bị thu 6 tạ pháo, bây giờ cả làng đang nhốn nháo, lộn xộn lắm, đợi vài hôm nữa tình hình lắng xuống mấy chú qua đây anh giao hàng cho”.
Theo lời H.B thì trong một lần đi giao hàng ở Hà Nội, một tay làm pháo lậu trong làng bị bắt. Vậy là 3h sáng, công an Hà Nội đến kiểm tra đột xuất, thế là... toi. Bởi bị động nên trong làng, nhiều nhà đã mang pháo đi... tiêu huỷ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Bình Đà ngoài H.B ra còn có khá nhiều đối tượng buôn bán pháo như ông Nghiêm, Tần, Bính, Hậu... Những nhà này cất giữ pháo ngay tại nhà mình sau đó bán lẻ tại nhà và vận chuyển ra thành phố Hà Nội để tiêu thụ.
Phát hiện vỏ pháo trong nhà một đầu nậu ở Bình Đà (Ảnh: NTNN)
Cơ quan chức năng bất lực?
Nhắc đến vấn đề sản xuất và buôn bán pháo lậu, ông Lê Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, Hà Nội bức xúc nói: “Tránh nhiệm nặng nề nhất trong việc để người dân tàng trữ buôn bán pháo thuộc về chính quyền xã, công an xã. Như vụ bắt pháo lậu gần đây nhất ở Bình Đà lại là do Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện và truy bắt chứ không phải xã hay huyện phát hiện. Chính vì thế tôi muốn nói lại rằng trách nhiệm nặng nề nhất là của xã!”.
Ông Đào Huy Sợi - Phó trưởng Công an huyện Thanh Oai cho biết, hiện nay, ở Thanh Oai có 3 xã Bình Minh, Cao Viên, Thanh Cao là nóng nhất về pháo lậu. Công an huyện đã tuyên truyền bằng cách kí cam kết với từng hộ dân. Tuy nhiên, thời điểm này, có một cái khó cho việc quản lý là nhiều gia đình trong làng được phép làm pháo bông cho lễ hội, các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Và, chính điều đó đã gây khó dễ cho công tác truy quét pháo lậu.
Thu giữ pháo lậu tại Bình Đà (Ảnh: NTNN) |
Lúc 20 giờ 30 ngày 10/12, Công an quận Hoàn Kiếm bắt quả tang 2 đối tượng Nguyễn Văn Bính (SN 1964), trú tại xóm chợ (Bình Đà) và Phạm Đình Sơn (SN 1985), trú tại xóm Chua, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội đi trên 2 xe máy chở 4 bao tải pháo trước cổng Học viện Quân y 103; thu giữ 88kg pháo nổ (100 bánh pháo dây và 5.500 hộp pháo diêm). Bính đã mua số pháo trên của Bùi Thị Hậu (SN 1975), trú ở xóm Chua, xã Bình Minh và Sơn (em chồng của Hậu) mang vào các quận nội thành tiêu thụ. Bùi Thị Hậu khai nhận mua số pháo trên của Vũ Văn Chính (ở xã Bích Hoà, huyện Thanh Oai). Khám xét khẩn cấp nhà những đối tượng trên, CA thu giữ thêm 497,5kg pháo các loại. Chính khai nhận trực tiếp sản xuất số pháo này, đã bán một phần cho Hậu, số còn lại chuẩn bị tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán. |
Theo Đình Thắng
Nông thôn ngày nay