Đột nhập “động cát tặc” lớn nhất Hà Tĩnh
(Dân trí) - Không được cấp phép cho khai thác nhưng mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe tấp nập ra vào xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh chở cát ra khỏi địa bàn.
Hậu quả, không chỉ một vùng đất rộng lớn đã bị đào bới nham nhở, mà Nhà nước còn thất thu nặng nề do thực trạng này gây ra.
Thảm cảnh sau những gàu xúc
Từ những thông tin tình trạng mua bán, vận chuyển đất cát tại xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh dễ dàng và rẻ như mua bán rau, suốt gần một tuần qua PV Dân trí đã có mặt tại địa phương này. Ngày nào Tỉnh lộ 26 từ TP Hà Tĩnh đi Thạch Hải cũng tấp nập cảnh hành xe IFA, công nông nối đuôi nhau chở cát rời khỏi địa bàn. “Phần lớn những chiếc xe vận tải này lấy cát từ các xã ven vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, trong đó nhiều nhất là từ xã Thạch Hải” - một chiến sĩ̃ CSGT huyện Thạch Hà đang làm nhiệm vụ trên tuyến Tỉnh lộ 26 cho biết.
Những đoàn xe chất đầy cát được bán "lậu" nối đuôi nhau rời Thạch Hải
Bám đuôi dàn xe IFA, đặt chân tới xóm 1 xã Thạch Hải, chúng tôi không khỏi giật mình trước cả một cánh đồng rộng lớn đã bị đào bới, xới tung nham nhở. Giữa “động cát” lớn rất nhiều máy xúc vẫn đang hoạt động hết công suất. Tiếng máy ầm ầm xúc đổ cát, tiếng xe chuyên chở gầm rú bò qua những làn đường cát lún sâu khiến quang cảnh nơi đây như một đại công trường khai thác lớn.
Không được cấp phép nhưng ngày nối ngày cát vẫn được xúc bán, đưa ra khỏi địa bàn xã Thạch Hải
Bà Trần Thị Tuyết, xóm 1, xã Thạch Hải băng qua cánh đồng bị cát tặc xới tung
Đi sâu vào những khu vực dàn máy xúc đã “ghé qua” cánh đồng còn thảm cảnh hơn với rất nhiều hố cát sâu được tạo dựng. Sau cơn bão số 3 mới đây nhiều hố sâu ngập nước tạo nên những cái bẫy chết người. Chỉ một sơ sẩy nhỏ hẳn cũng sẽ gây những tai nạn đau lòng.
Một hố nước để lại sau khi những chiếc máy xúc rút đi
Nơi nào có cát, cát đẹp là những giàn máy xúc đều “ghé thăm”. Đó là nguyên nhân khiến cả một rừng cây xanh tự nhiên chắn bão cát, sa mạc hóa bị đào bới, triệt hạ một cách không thương tiếc.
Rừng cây chắn cát bị đầu nậu moi ruột
Cận cảnh một nơi mà máy xúc ăn sâu tạo thành một thung lũng nhỏ, cây cối bị đào bới nằm trơ gốc, khô hoắc. “Cát ở đây đẹp, ít tạp chất hơn, người mua ưa chọn. Rứa là họ đào nỏ thương tiếc chi mô. Họ đào một, dân bày tui đau mười”- chị Tuyết, người dẫn chúng tôi ghé rừng cây vừa bị đào bới, đau lòng nói.
Cây cối bị xới tung, bật gốc chết trơ trọi
Và đau đớn hơn, những kẻ hám lợi còn lia cả giàn máy xúc tới cả những khu vực mồ mả̀ của người dân Thạch Hải. Nhiều ngôi mộ chỉ sau một buổi đã bị chôn vùi theo cát, vô số ngôi mộ gãy đổ ngổn ngang, và nhiều ngôi mộ khác chỉ ít ngày nữa sẽ chịu chung số phận. Đau đớn vì mồ mả̃ tổ tiên bị đào bới, sụp đổ, nhưng người dân Thạch Hải cho biết, họ bất lực trước sức mạnh của những giàn máy xúc có sự bảo kê của chính quyền.
Một ngôi mộ nằm trên đỉnh đồi bị sụp đổ khi máy xúc của nạn cát tặc "ghé qua"
Một ngôi mộ khác bị cát tặc đào khoét khung quanh, gây sụp đổ. Người dân Thạch Hải bất lực trước tình trạng mồ mả tổ tiên bị vùi lấp
Móc ngoặc thu lợi bất chính?
Với bất cứ ai khi chứng kiến cảnh máy xúc, dàn xe tấp nập ra vào cũng nghĩ rằng “công trường” khai thác cát trên là hợp pháp. Thế nhưng, mọi chuyện lài hoàn toàn trái ngược, thậm chí có thể gọi đây là “động cát tặc” lớn nhất Hà Tĩnh vào thời điểm này.
Theo tìm hiểu của Dân trí, cả khu đất hơn 30ha của xã Thạch Hải đã và đang bị cát tặc “làm gỏi” vốn đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh bàn giao cho Công ty CP Sắt Thạch Khê Hà Tĩnh (TIC). Khi chủ trương này chưa hoàn tất, có nghĩa là TIC vẫn chưa có toàn quyền sử dụng khu đất trên, chính quyền xã Thạch Hải đã qua mặt UBND huyện Thạch Hà cho các cá nhân thầu khai thác cát tại đây.
“Bán chui” nên cung cách cho đấu thầu khai thác cát của xã Thạch Hải chẳng giống ai, và cũng tùy tiện hết sức đáng nói. Việc đấu thầu giá khai thác cát như cảnh mua bán rau ngoài chợ, không có hóa đơn chứng từ. Sau khi cho nhà thầu chọn vùng khai thác, chính quyền xã Thạch Hải cho ước lượng khối lượng bằng... suy đoán. Giá mỗi khối cát xã bán ngang cho thầu giá 3.000 đồng. Thu tiền xong, xã cho nhà thầu toàn quyền khai thác.
Khi được hỏi, cung cách cho thầu như thế xã có kiểm soát được an ninh và khối lượng cát được khai thác, đưa ra khỏi địa bàn hay không, ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải thừa nhận, xã khó kiểm soát được vấn đề này. “Sau khi kiểm tra, ước lượng quy ra tiền rồi chúng tôi giao cho cá nhân nhận thầu. Họ xúc như thế nào chúng tôi không biết được” – ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã thừa nhận.
Việc cho khai thác cát chẳng giống ai của chính quyền xã Thạch Hải và thiếu các cơ quan đứng ra giám sát đã khiến các cá nhân trúng thầu ở đây “làm mưa làm gió”, ngang nhiên mở rộng khai thác ra khỏi biên giới của khu đất hơn 30ha trên, gây ra cuộc thảm sát rừng chắn cát, phá hoại ruộng vườn, mồ maả của người dân.
Ông Nguyễn Trung Chiến thừa nhận xã không thể kiểm soát được khối lượng cát đưa ra khỏi địa bàn xã Thạch Hải. Ông Chiến cũng nói rằng xã được huyện "làm lơ" cho bán cát.
Không chỉ khiến người dân bức xúc mà tình trạng cát tặc lộng hành ở xã Thạch Hải còn khiến nhà nước thất thu nặng nề. Con số xã chỉ thu được hơn 30 triệu đồng từ nguồn đấu thầu cát mà Chủ tịch xã Nguyễn Trung Chiến đưa ra trái ngược với số lượng cát khổng lồ được đưa ra khỏi địa bàn. Theo tính toán sơ của một thợ lái máy xúc ở đây, mỗi ngày phải có không dưới 300 lượt xe (trung bình 7m3/xe) vận chuyển cát ra khỏi Thạch Hải. Rõ ràng, trong khi nhà nước thất thu, một nguồn lợi không nhỏ đã chảy vào túi doanh nghiệp
Chính giá bán cát và cách “bán quạ” (bán cả cánh đồng theo ước lượng- PV) mà chính quyền xã Thạch Hải đang tiến hành đã khiến người dân xã này không khỏi bức xúc, nghi ngờ có sự móc ngoặc để thu lợi bất chính.
Làm việc với Dân trí, UBND huyện Thạch Hà hết sức bức xúc với thực trạng nêu trên. Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, huyện không ký bất kỳ xác nhận nào cho phép chính quyền xã Thạch Hải bán tài nguyên cát; việc chính quyền xã Thạch Hải tự ý cho đấu thầu bán cát là trái thẩm quyền. Chắc chắn huyện sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để chấn chỉnh ngay thực trạng này.
Ông Hương còn khẳng định sẽ cho thanh kiểm tra, làm rõ trả lời công luận việc có hay không cán bộ xã móc nối với các đầu nậu để thu lợi bất chính.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả vấn đề này.
Văn Dũng - Đặng Tài