1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hòa Bình:

Dòng sông ngầm trên núi Hang Chùa

(Dân trí) - Trên Núi Hang Chùa, thuộc xóm Á Đồng, xã Yên Trị, huyệnYên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình, các nhà khảo cổ phát hiện dấu tích của nền “Văn hóa Hòa Bình”. Trên núi Hang Chùa còn mang nhiều điều huyền bí về căn hầm thời chiến và dòng sông ngầm không bao giờ cạn…

Nơi lưu giữ vết tích nền “Văn hóa Hòa Bình” và thời chiến

Đến xã Yên Trị trong một chuyến công tác ở tỉnh Hòa Bình, chúng tôi được anh Phó chủ tịch xã Yên Trị - Bùi Phi Diệp kể câu chuyện về núi Hang Chùa - một trong những di tích danh thắng Quốc gia. Trên núi Hang Chùa còn lưu giữ rất nhiều vết tích của nền “Văn hóa Hòa Bình” cùng vết tích chiến tranh. 

 Bàn cờ nơi cửa hang.
 Bàn cờ nơi cửa hang.

Sau lời ngỏ ý muốn lên núi Hang Chùa thăm thú, anh Diệp đồng ý dẫn chúng tôi đi và còn cho biết anh cũng chính là Trưởng ban quản lý di tích. Trước lúc đi, anh Diệp cận thận chuẩn bị hai chiếc đèn pin. Là Trưởng ban quản lý di tích, nên anh Diệp nắm khá rõ đường đi, nước bước trên khu di tích, vừa đi, anh vừa giới thiệu về những nét văn hóa còn lưu giữ nơi đây.

Phía chân núi là những bậc thang dẫn lên các hang động, trên núi có một ngôi chùa người dân thường gọi là Chùa Hang, xưa kia có tên là Thanh Lam Tự, còn núi Hang Chùa có tên là Văn Quang Động. Phía trước Chùa Hang là một bàn cờ bằng đá, theo như anh Diệp cho biết bàn cờ đá này đã có từ rất lâu đời, cũng chưa rõ nó có từ năm nào, nhưng các cụ cao niên trong làng kể là có từ thời Phong kiến. 

Ngoài bàn cờ đá cổ, phía trên cửa chùa còn có một dòng chữ Hán khắc trên vách đá là “Lăng tiêu tiếu bích” nghĩa là: Ngọn núi biếc cao vút, sương phủ mờ ảo.. Chùa Hang được xây dựng trước đây rất lâu, được tu bổ vào thời Nguyễn, còn không rõ chùa được xây dựng năm nào. Trên vách núi còn có một số bài thơ và bài ký chữ Hán về Động Văn Quang, với đại ý ca ngợi vẻ đẹp nơi đây.

 Trên vách đá còn lưu giữ rất nhiều bút tích thành văn hiếm hoi.
 Trên vách đá còn lưu giữ rất nhiều bút tích thành văn hiếm hoi.

 Bàn thờ bằng đá cũng có từ rất lâu đời và được chạm trỗ rất tinh xảo.
 Bàn thờ bằng đá cũng có từ rất lâu đời và được chạm trỗ rất tinh xảo.

Ấn tượng nhất với chúng tôi có lẽ những vỏ ốc, vỏ sò hóa thạch xếp tầng tầng, lớp lớp lên nhau tạo thành một “quả đồi vỏ ốc” trong một hang động. Theo các nhà khảo cổ học thì đây là dấu vết khảo cổ học thuộc nền “Văn hoá Hoà Bình”. Vì hầu hết đây là các vỏ ốc, vỏ sò hóa thạch, đó là thức ăn của người xưa. Từ đời này sang đời khác họ bỏ vỏ ốc xếp lên thành từng mảng dày đặc. 

Dẫn chúng tôi lại đền Cửa Đức Ông, anh Diệp chỉ tay vào một chiếc bàn thờ bằng đá giải thích bàn thờ đá này cũng có từ rất lâu, được chạm trổ hoa văn rất tinh xảo và vẫn còn rất nguyên vẹn. Đi tới một điểm khác, chúng tôi thắc mắc về việc tích lưu truyền của Chùa Hang, anh Diệp kể: “Các cụ kể lại rằng, ngày xưa một vị quan ở Hòa Bình đưa quân xuống phủ Nho Quan để chịu tội vì bị kiện. Lúc qua núi Hang Chùa thì trời tối, nên lệnh cho quân lính lên trên núi nghỉ ngơi. Sáng mai vị quan này thấy trong người khỏe khoắn lạ thường, nên khấn rằng, nếu đến phủ Nho Quan mà bình an vô sự thì sẽ về tạ ơn. Không ngờ vị quan này lại thắng kiện. Nên lúc về ông đã sai quân mua đồ đến dâng lễ và nói cho người dân biết nơi này rất thiêng nên lập một ngôi chùa”.

Một nhũ đá nằm trên nóc hang động với rất nhiều hình thú kỳ dị.
Một nhũ đá nằm trên nóc hang động với rất nhiều hình thú kỳ dị.

Nh
Nhũ đá trong hang nhô ra với các cạnh khác nhau như bờm của một con sư tử.

Lúc xây dựng ngôi chùa, người xưa vẫn muốn điểm tâm kiến trúc thành ngôi chùa với đầy đủ các hạng mục như công trình đứng ngoài trời để bảo vệ tượng pháp và di vật cổ, đồng thời cũng tạo thêm vẻ trang nghiêm, trầm mặc, mà sức mạnh và đường nét bố cục của kiến trúc tạo nên. 

Ngoài những vết tích của nền “Văn hóa Hòa Bình”, núi Hang Chùa còn được biết đến là nơi lưu giữ vết tích thời chiến. Nơi đây trước kia là vùng núi hẻo lánh nên Hang Chùa được bộ đội đào hầm rộng thênh thang xuyên núi làm kho vũ khí. Sau khi kho vũ khí được chuyển đi, núi Hang Chùa được chọn làm kho bạc Nhà nước, chưa có một tài liệu nào ghi lại về việc này.

Dòng sông ngầm chảy qua núi chưa bao giờ cạn

Do chưa được tu bổ, nên đường vào khu hầm và các hang động khác khá khó khăn. Theo chân anh Diệp, chúng tôi men theo con đường mòn vào các khu hang động, bước vào khu hầm do bộ đội đào, khu hầm này khá rộng, thời tiết bên ngoài thì rất lạnh, nhưng vào đến hầm thì cảm giác ấm dần lên. 

Đường đi vào con sông ngầm chưa được cải tạo nên đi lại rất khó khăn.
Đường đi vào con sông ngầm chưa được cải tạo nên đi lại rất khó khăn.

Kỳ lạ nhất là trong núi Hang Chùa có một dòng sông ngầm chảy qua, cũng chẳng ai biết con sông ngầm này có từ lúc nào, chỉ biết rằng chưa bao giờ người dân địa phương thấy cạn nước, nguồn nước chảy ra trong vắt, mùa hè thì mát lạnh, mùa đông thì rất ấm. Vào những mùa hạn hán, nắng nóng kéo dài, vùng đất Yên Thủy không có nước tưới cho đồng ruộng. Nhưng nguồn nước ngầm trong núi Hang Chùa vẫn chảy ào ào, người dân thường vào hang, bơm nước ra ngoài, bơm ngập cả đồng mà vẫn thấy nước trong hang đầy ắp. Ở một số cửa hàng còn có rất nhiều cá. Mỗi khi trời mưa to, nước trong hang ào ra ngoài, người dân cứ thế ra cửa hang dùng vợt bắt cá.

Vì là nguồn nước thiên nhiên, nên nhiều hộ gia đình sống xung quanh núi vẫn qua các hang động lấy nước về sinh hoạt, nước dùng pha chè thì thơm phức, không bao giờ bị bám bẩn, nấu cơm thì rất dẻo, chính vì vậy mà mỗi dịp lễ, tết người dân thường lấy nước ở đây về gói bánh. Người dân cũng truyền tai nhau các câu chuyện “thần thánh” ở núi Hang Chùa, nhưng hầu hết là để răn đe người không được phá phách di tích trên núi, còn việc bắt cá hay lấy nước thì họ vẫn làm thường xuyên, họ xem đó là lộc của ngọn núi thiêng nơi đây.

Nước ở dòng sông ngầm chảy trong núi Hang Chùa chưa bao giờ cạn.
Nước ở dòng sông ngầm chảy trong núi Hang Chùa chưa bao giờ cạn.

Muốn vào các hang động phải dùng đèn pin soi, nhưng khi vào trong mới cảm nhận được vẻ đẹp của các hang động nơi đây, những nhũ đá nhấp nhô muôn hình vạn trạng. Thấy chúng tôi trầm trồ trước vẻ đẹp của các hang động, anh Diệp cho biết, nơi đây cũng đã được duyệt đề án để chuẩn bị trùng tu cho du khách tham quan. Nhưng vì còn nhiều vướng mắc nên chắc phải sang năm 2014 mới bắt đầu tiến hành. 

Một bài ký chữ Hán trên vách đá có đoạn viết về vẻ đẹp của núi Hang Chùa và những hang động xung quanh. Theo bản dịch có nghĩa là: “Một ngọn núi biệt lập cao vút có ngàn đỉnh khác quây tụ sừng sững chấn giữ, nửa núi có bốn động, trên thông ra đón ánh mặt trời, dưới ngầm quanh co như ruột dê, nhũ đá rủ hình phượng, long, lân kì dị. Trong động có bệ đá làm nơi thờ Phật...”.

Vỏ sò, ốc hóa thạch xếp thành từng lớp.
Vỏ sò, ốc hóa thạch xếp thành từng lớp.

Đường hầm được đào trong chiến tranh chạy xuyên lòng núi.
Đường hầm được đào trong chiến tranh chạy xuyên lòng núi.

Vào thời kỳ Pháp thuộc, thấy được vẻ đẹp của núi Hang Chùa, nên thực dân Pháp định biến nơi này thành một khu nghỉ dưỡng, quy hoạch lại thành “Vịnh Hạ Long trên cạn” cho khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan nghỉ dưỡng. Nhưng dự án trên chưa thể thực hiện được thì Pháp thất bại. 

Cứ vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân lại tổ chức lễ hội, bàn cờ đá cũng là nơi diễn ra các cuộc so tài. Họ truyền tụng lại cho con cháu về các tích của núi Hang Chùa và ngôi Chùa Hang. Trải qua hàng trăm năm, với biến động của thiên nhiên và của cả con người, nhưng những vết tích lịch sử nơi đây vẫn còn giữ nguyên giá trị. Trong ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn pin, chúng tôi cũng lần tìm được đường ra cửa hang. Để đi một vòng ngọn núi tham quan các hang cũng mất hơn một tiếng đồng hồ.

Thanh Thủy - Duy Tuyên