TPHCM:
Đồng hồ nước đứt niêm chì, dân "thiệt đơn thiệt kép"
(Dân trí) - TPHCM có chủ trương di dời đồng hồ nước ra bên ngoài nhà dân để bớt gây phiền toái cho người dân, góp phần hạn chế thất thoát nước. Thế nhưng, khi đồng hồ nước ở bên ngoài bị đứt niêm chì thì người dân lại bị gán tội ăn cắp nước và truy thu với số tiền lớn.
Bị gán tội trộm cắp nước vì đứt chì khóa góc
Chị Trịnh Thị Hiển (phường 13, quận 10, TPHCM) phản ánh đến Báo Dân trí, chị phải đóng phạt 7 triệu đồng để được công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân (TPHCM) cấp nước trở lại vì đồng hồ nước bị “đứt chì khóa góc”.
Theo chị Hiển, ngày 26/6/2017, nhận thấy có dấu hiệu đồng hồ nước bị trộm cắp nên chồng chị đã lên công ty Phú Hòa Tân yêu cầu di dời đồng hồ nước từ ngoài sân vào trong nhà bếp để thuận tiện bảo quản. Khoảng cách di dời chỉ hơn 1m.
Ngày 27/6, công ty cho người xuống khảo sát, kiểm tra. Ngày 29/6, chồng chị Hiển lên đóng 2.900.000 đồng phí di dời.
“Kể từ thời điểm này, chúng tôi kiểm tra đồng hồ thường xuyên. Nhưng ngày 12/7, phát hiện đồng hồ lại có dấu hiệu mất cắp, chồng tôi kiểm tra và thấy “đứt chì khóa góc” thì lập tức lên công ty thông báo”, chị Hiển nói.
Ngay ngày hôm sau (ngày 13/7), nhân viên công ty xuống lập biên bản sự việc và cắt nước của gia đình chị Hiển.
Đến ngày 14/7, công ty phạt gia đình chị Hiển 7 triệu đồng với lý do gây thất thoát nước trong 15 ngày với khối lượng 24 m3/ngày.
Quá bức xúc thì vì bị truy thu tiền thất thoát nước, chị Hiển đã làm đơn khiếu nại.
Ngày 18/7, Công ty Phú Hòa Tân trả lời rằng, công ty đã nhận thấy việc khách hàng sử dụng nước cho mục đích xây dựng có khả năng dẫn đến thất thoát nước do mất đồng hồ hoặc đứt chì góc. Vì vậy, công ty đã khuyến cáo khách hàng cam kết có biện pháp bảo quản đồng hồ nước và các chì niêm phong.
“Trường hợp đã khuyến cáo mà khách hàng vẫn để xảy ra tình trạng trên buộc lòng công ty phải truy thu lượng nước thất thoát”, thư trả lời nêu rõ.
Không phục với cách xử lý và trả lời từ công ty, chị Hiển tiếp tục làm đơn khiếu nại lần 2.
“Công ty bắt đóng tiền truy thu lượng nước thất thoát là không thỏa đáng. Việc “đứt chì khóa góc” xảy ra xuất phát từ việc trộm cắp đồng hồ mà chúng tôi đã báo cáo cho công ty rất nhiều lần”, chị Hiển nói.
Chị Hiển cho biết, để công trình có nước để tiếp tục hoàn thiện (đã bị chậm trễ do cắt nước 11 ngày), ngày 24/7, chị đành đóng phạt 7 triệu đồng để được cấp nước trở lại. Nhưng chị Hiển vẫn kiên trì khiếu nại vì theo chị, việc công ty cấp nước phạt gia đình chị hành vi ăn cắp nước chỉ vì bị đứt niêm chì là vô lý.
Trong thư trả lời ngày 31/7, một lần nữa công ty Phú Hòa Tân khẳng định việc truy thu tiền thất thoát nước là đúng vì gia đình chị Hiển đã ký cam kết bảo quản đồng hồ nước.
Chị Hiển cho rằng công ty Phú Hòa Tân truy thu tiền nước theo khoản 2, điều 47 Quyết định số 20/2007/QĐ-UBND của UBND TPHCM năm 2007. Chị không đồng ý với mức phạt trên vì đây là mức phạt đối với hành vi trộm cắp nước và như thế thì hết sức vô lý, thiếu căn cứ.
Truy thu nguồn nước thất thoát theo kinh nghiệm
Để hiểu rõ hơn về sự việc, PV Dân trí đã có buổi trao đổi với ông Lê Trung Thành – Phó Giám đốc công ty cổ phần cấp nước Phú Hòa Tân. Theo ông, việc truy thu lượng nước thất thoát đối với gia đình chị Trịnh Thị Hiển xuất phát từ kinh nghiệm quản lý của ngành nước (?!).
Ông Thành cho rằng chì khóa góc đồng hồ nước khá bền, chắc chắn nên có thể bảo quản được tới 5 năm. Nếu không tác động mạnh thì rất khó đứt chì niêm phong trong điều kiện bảo quản bình thường.
Vị Phó giám đốc cho rằng công ty từng ghi nhận nhiều phản ánh “đứt chì khóa góc” từ những công trình, ngôi nhà đang xây dựng, còn ở những ngôi nhà bình thường thì rất ít xảy ra trường hợp này. Theo ông, công trình xây dựng sử dụng lượng nước rất lớn nên khả năng thất thoát nước xảy ra cao.
Do đó, khi phát hiện công trình xây dựng thì công ty đều khuyến cáo làm cam kết, nếu trường hợp làm “đứt chì khóa góc” sẽ bị truy thu lượng nước thất thoát.
Khi được đặt câu hỏi nếu chỉ căn cứ vào việc khách hàng sử dụng nước để xây nhà mà quy kết là ăn cắp nước là cảm tính và thiếu căn cứ, buộc khách hàng bồi thường khi đứt chì là mang tính áp đặt, làm khó khách hàng, ông Thành một lần nữa khẳng định đây là giải pháp để ngành nước hạn chế thất thoát nước trên hệ thống, xuất phát từ kinh nghiệm quản lý nước.
Ông Thành cho biết mức truy thu đối với chị Hiển chỉ là mức trung bình chứ chưa phải là cao nhất.
“Công trình xây dựng hoạt động liên tục có thể làm cả ngày lẫn đêm. Nhưng ở đây mình chỉ tính mỗi ngày 8 tiếng. Nếu xả nước liên tục thì mỗi giờ hết 4-5 m3. Công ty yêu cầu bồi thường mỗi giờ 3 m3 là mức trung bình” – ông Thành giải thích cách tính số tiền phạt của công ty.
Theo ông Thành, công ty yêu cầu khách hàng bồi thường thiệt hại 15 ngày là tính từ ngày 27/6 (ngày công ty thực hiện khảo sát đồng hồ) đến ngày 13/7 – ngày lập biên bản đồng hồ nước đứt chì khóa góc.
Hiện nay TPHCM có chủ trương di dời đồng hồ nước ra ngoài nhà dân, giúp dân không bị phiền toái mỗi khi nhân viên đi kiểm tra đồng hồ hoặc ghi số nước đột xuất. Ngoài ra, khách hàng cũng không bị truy thu, đóng tiền bồi thường khi đồng hồ nước đứt niêm chì.
Di dời đồng hồ nước ra ngoài cũng góp phần hạn chế thất thoát nước, ngăn chặn tình trạng gian lận… Chủ trương này được người dân hết sức ủng hộ.
Thế nhưng, với trường hợp cứ đứt niêm chì, công ty cấp nước mặc định đổ lỗi cho người dân mà không cần chứng cứ, lập tức cắt nước và truy thu tiền theo quy định áp dụng cho hành vi ăn cắp nước... là điều khiến người dân thấy không thuyết phục.
Quyết định 20/2007/QĐ-UBND có quy định: “Khách hàng có trách nhiệm bảo quản đồng hồ nước và các chì niêm phong. Khách hàng phải thông báo kịp thời cho đơn vị cấp nước biết khi đồng hồ nước bị mất, bị hư hỏng hoặc chì niêm phong đồng hồ bị đứt”.
Trường hợp chì niêm phong đồng hồ nước bị đứt được xác định do khách hàng gây ra, đơn vị cấp nước kiểm tra tình trạng sử dụng nước của khách hàng, lập thủ tục xử lý vi phạm. Nếu khách hàng có hành vi trộm cắp nước thì sẽ bị tạm ngưng cung cấp nước và bị truy thu tiền nước.
Trường hợp niêm chì bị đứt được khách hàng chứng minh do yếu tố khách quan, chỉ số tiêu thụ nước trên đồng hồ không bị ảnh hưởng thì đơn vị cấp nước lập biên bản, bấm chì mới niêm phong lại đồng hồ nước.
Quốc Anh