1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Động đất tái hoạt động trở lại ở miền Trung?

(Dân trí) - Để hiểu rõ thêm về những cơ chế gây ra động đất ở Huế vào tối 15/5, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Canh - chuyên gia địa chất động đất, nguyên Trưởng khoa Địa lý - Địa chất, ĐH Khoa học Huế.

PGS.TS. Nguyễn Văn Canh là người dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu địa chất mảng động đất. Sau khi biết thông tin về trận động đất 4,7 độ richter ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh TT-Huế, PGS.TS. Canh đã đưa ra nhiều nhận định thú vị.

Xin PGS. cho biết các đứt gãy ở dưới lòng tỉnh TT-Huế gây ra động đất?

Cuối năm 2013 tại Quảng Trị xảy ra động đất khoảng gần 2,8 độ richter ở huyện miền núi Đăkrông. Đây là hoạt động địa chấn (động đất) mới nhất dọc theo đứt gãy Đà Nẵng - Khe Sanh, đoạn Đăkrông - Hướng Hóa.

Đới đứt gãy Đà Nẵng - Khe Sanh là một đới kiến tạo lớn, nằm trong phạm vi của đới khâu Tha Khẹt - Đà Nẵng. Đây là 1 đới cấu trúc kiến tạo quan trọng không những đóng vai trò trong phân định ranh giới cấu trúc địa chất khu vực Bắc Trung Bộ mà còn là đới kiến tạo sinh khoáng phức tạp và phong phú, đặc biệt là khoáng hóa vàng.

Theo các nhà địa chất, đới này có chiều rộng trung bình từ 5-10km, kéo dài 250km bắt đầu từ Đà Nẵng qua A Lưới (Thừa Thiên Huế) đến Khe Sanh - Hướng Hóa (Quảng Trị) và tiếp tục chạy sang đất Lào. Trong phạm vi đới này, có nhiều đứt gãy sâu phân cắt làm phức tạp thêm cấu trúc địa chất của đới, đồng thời tạo nên vùng ảnh hưởng rộng lớn của động đất nhất là đoạn Đà Nẵng - Đại Lộc ở phía Nam và đoạn Khe Sanh - Đăkrông ở phía Bắc. Thuộc đới này có đứt gãy Khe Sanh - Huế đã gây nên động đất ở A Lưới 2 ngày qua.

PGS.TS.Nguyễn Văn Canh – chuyên gia địa chất động đất cho biết về động đất ở Huế

PGS.TS.Nguyễn Văn Canh – chuyên gia địa chất động đất cho biết về động đất ở Huế

Việc động đất liên tiếp ở vùng sông Tranh 2 (Quảng Nam - 5 độ richter năm 2012), rồi đến Đăkrông (Quảng Trị - 2,8 độ richter năm 2013) và mới đây là A Lưới (TT-Huế - 4,7 độ richter ngày 15/5/2014). Các điểm động đất này phân bố trên 2 đường đứt gãy chính ở đới Đà Nẵng - Khe Sanh và gần đới Tam Kỳ - Phước Sơn ở Quảng Nam, chứng tỏ đã có sự tái hoạt động trở lại của các tuyến đứt gãy sâu miền Trung với việc xảy ra động đất. Ví von như một ngọn núi lửa ngủ yên giờ lại thức dậy.

Như vậy là có sự hoạt động trở lại của động đất ở khu vực Huế?

Việc hoạt động trở lại của động đất là theo chu kỳ nhưng không biết chắc chắn và biết trước được là chu kỳ bao nhiêu năm (chuỗi năm “ngủ yên” và tiếp đến là chuỗi năm “hoạt động” - PV). Nhưng khẳng định việc các đứt gãy kiến tạo hoạt động trở lại gây ra động đất là sự thật, cần có sự quan tâm của nhiều ban ngành chức năng.

Động đất đo được 4,7 độ richter là tương đối lớn. Tôi gọi điện hỏi thăm các đồng nghiệp tại TP Huế thì họ đều cảm nhận sự rung động với nhà bị rung. Tôi cũng vậy. Dù TP Huế cách khá xa A Lưới nhưng vẫn bị rung chấn tác động thấy rõ.

PGS.TS.Nguyễn Văn Canh – chuyên gia địa chất động đất cho biết về động đất ở Huế

Toàn huyện miền núi A Lưới - nằm trong đứt gãy chính Đà Nẵng - Khe Sanh đã lần đầu tiên động đất vào tối 15/5 qua

Xin phó giáo sư cho biết các nguyên nhân gây ra sự tái hoạt động của động đất?

Có nhiều nguyên nhân gây ra sự hoạt động trở lại trên: Do hoạt động tự trở lại của chính các đứt gãy kiến tạo bên dưới như tôi đã nói ở trên. Do hoạt động do con người gây ra, lớn nhất là đắp đập chứa nước có dung tích lớn tải trọng cao. Dẫn đến tác động trên bề mặt bằng hàng trăm triệu mét khối nước gây ra áp lực bên dưới tạo động đất kích thích. Cũng có thể là con người nổ mìn làm đường nhưng nguyên nhân này không đáng kể.

Quan trọng có 1 nguyên nhân lớn là có thể dưới sâu lòng đất 12-13km tồn tại các khối macma chưa phun lên thành núi lửa được. Do nó bị ức chế nên gây ra động đất. Chính thủy điện sông Tranh 2 đã đặt cho chúng tôi câu hỏi là nghi ngờ do các đứt gãy kiến tạo tái hoạt động lại hay chính các khối macma bị ức chế gây ra.

PGS.TS.Nguyễn Văn Canh – chuyên gia địa chất động đất cho biết về động đất ở Huế

Nhà của một người dân ở thị xã Hương Trà bị nứt do ảnh hưởng động đất, dù cách địa bàn huyện A Lưới đến 20km.

Cụ thể ở A Lưới, PGS. nghĩ đến nguyên nhân chính gây ra động đất là gì? Có liên quan đến hoạt động của thủy điện hay không?

Tôi đặt dấu hỏi ở A Lưới cái gì kích thích nó? Đập thủy điện ở A Lưới nhỏ, gần đó có thủy điện Bình Điền cũng nhỏ nên không đủ gây ra kích thích theo nguyên nhân thứ 2 là do con người gây ra. Nếu là do thủy điện dẫn đến động đất kích thích thì nó chỉ động đất gần chứ không thể lan xa ra các huyện, thị xã và thành phố ở toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tôi đã có kiểm chứng ở các đồng nghiệp tại TP Huế, Nam Đông đều thấy có động đất. Như vậy, có thể phải nghĩ tới nguyên nhân các tự hoạt động trở lại hay các khối macma bên dưới mà ta chưa biết rõ.

PGS.TS.Nguyễn Văn Canh – chuyên gia địa chất động đất cho biết về động đất ở Huế

Bản đồ ghi nhận động đất tại A Lưới - Huế tối 15/5 (ảnh của Viện Vật lý Địa cầu) với các đường lan truyền rung chấn đến khắp cả tỉnh TT-Huế

Cần có cách làm thế nào trước tình hình này?

Điều này phải cần có một nghiên cứu thống nhất và mới mẻ, nhằm làm rõ đặc điểm đặc trưng về cấu trúc địa chất – kiến tạo với động đất ở Huế. Điều này sẽ dự báo được mức độ ảnh hưởng của động đất, để khoanh định được các vùng có nguy cơ tiềm ẩn về động đất. Từ đó có thể đặt các công trình thủy điện, thủy lợi, công trình lớn, khu dân cư… cho đúng chỗ và ổn định.

Việc chu kỳ tái hoạt động của động đất là một cái đương nhiên, đã gặp nhiều ở các vùng khác, nước khác. Nên khi ta biết động đất hoạt động trở lại thì phải tìm cách đối phó cho tốt và phải quan tâm chặt chẽ đến nó !

“Động đất thường phân bố dọc theo các đới đứt gãy lớn: đứt gãy hành tinh, đứt gãy khu vực, đứt gãy sâu. Lãnh thổ Việt Nam có nhiều đứt gãy sâu, đứt gãy khu vực phân cắt như: đứt gãy sông Mã (Thanh Hóa – Điện Biên), sông Cả (Nghệ An), sông Hồng (Hà Nội – Sa Pa), sông Rào Nậy (Quảng Bình), Đà Nẵng - Khe Sanh (Đà Nẵng – TT-Huế - Quảng Trị), Tam Kỳ - Phước Sơn (Quảng Nam), Khương Nhượng – Tà Vi (Quảng Ngãi)…

Thế kỷ trước, nước ta có 2 trận động đất khả năng phá hủy lớn ở Điện Biên năm 1935 (6,7 độ Richter), Tuần Giáo năm 1983 (6,8 độ Richter). Có gần 40 trận động đất từ 5-6,4 độ Richter. Từ đầu thế kỷ 21 đã có đến 5 trận lớn hơn 5 độ Richter (1 trận ở Điện Biên năm 2001 và 2 trận xảy ra ngoài khơi Vũng Tàu năm 2005, 2007, ở Sơn La năm 2010). Từ năm 1900 đến nay, ghi được hàng trăm trận động đất có Ms từ 4,5-4,9 độ Richter. Các trận động đất có cường độ nhỏ hơn tuy máy mạng cho đến hiện nay vẫn chưa cho phép ghi đầy đủ nhưng số ghi được cũng lên đến hàng nghìn” – PGS.TS. Nguyễn Văn Canh cho biết thêm.










Đại Dương (thực hiện)