Quảng Nam:

Đồng bào Cơtu một lòng theo Bác Hồ, theo Đảng

(Dân trí) - Ở vùng Tây Quảng Nam, bao đời nay, đồng bào Cơtu vẫn duy trì truyền thống lập bàn thờ để thờ Bác Hồ như người cha, người ông của mình và luôn đặt ảnh Bác nơi trang trọng bên cạnh lá cờ Tổ quốc.

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp đến các thôn bản vùng cao Tây Giang, chứng kiến cảnh đồng bào dọn dẹp bàn thờ chuẩn bị cho kỷ niệm 71 năm Ngày lễ quốc khánh 2/9.

Hình Bác Hồ được đồng bào Cơtu treo ở Gươil làng
Hình Bác Hồ được đồng bào Cơtu treo ở Gươil làng

Anh Alăng Chôi - Bí thư chi bộ thôn Tà Vàng (xã Atiêng) - không đi lên nương rẫy như mọi khi mà ở nhà để sửa soạn bàn thờ Bác Hồ cho tươm tất hơn, mua một lá cờ Tổ quốc mới thay thế là cờ đã cũ. Trong căn nhà gỗ khang trang ba giang ấm cúng, bàn thờ Bác được đặt nơi trang trọng nhất.

Anh Chôi kể từ nhỏ anh đã thấy bà con mình thờ Bác Hồ. Thế hệ trẻ như anh sinh ra và lớn lên sau chiến tranh nên chỉ biết Bác Hồ kính yêu qua các bài giảng của các thầy cô giáo hoặc qua lời kể từ các già làng và xem qua tài liệu sách, báo, ti vi.

Nhưng với tấm lòng thành kính, biết ơn trước công lao của vị cha già dân tộc, hằng ngày anh Alăng Chôi luôn thành kính thắp nén hương dâng lên Bác. Anh Chôi chỉ là một trong hơn 16 nghìn đồng bào Cơtu ở Tây Giang lập bàn thờ Bác Hồ tại gia đình. Nhiều làng cứ đến ngày lễ, nhất là ngày sinh nhật Bác còn tổ chức làm heo, gà,vịt ăn mừng, rồi tổ chức văn nghệ chào mừng.

Đồng bào Cơtu tổ chức mừng lúa mới. Cuộc sống của đồng bào đã thay đổi từ khi có Đảng, có Bác
Đồng bào Cơtu tổ chức mừng lúa mới. Cuộc sống của đồng bào đã thay đổi từ khi có Đảng, có Bác

Anh hùng lưc lượng vũ trang nhân dân - ông Clâu Năm (thôn Pở'ning, xã Lăng) - tâm sự: “Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, đặc biệt từ khi nước Việt Nam dân chủ ra đời ngày 2/9, đồng bào mình đã được bộ đội tuyên truyền, vận động đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đồng bào vùng thượng, vùng xuôi đoàn kết chung tay xây dựng Chủ nghĩa xã hội ngày một giàu đẹp hơn”.

Clâu Năm bảo, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đồng bào Cơtu Tây Giang luôn một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng, đóng góp lương thực, thực phẩm, nuôi bộ đội, rồi cùng bộ đội đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhiều gia đình đã nhường từng hạt muối, lon gạo cuối cùng cho cách mạng.

“Dân tộc mình ai cũng mến Bác, kính Bác. Nhà nào cũng thờ Bác Hồ. Người đã cho dân tộc Việt Nam độc lập, tự do, cơm no, áo ấm và hạnh phúc. Mình thờ Bác như thờ tổ tiên gia đình”, già Clâu Năm tự hào nói.

Còn già làng Clâu Nhấp (thôn Anoonh, xã Anông) cho biết thêm: “Ngày xưa, do chiến tranh, người Cơtu phải du canh, du cư, làng bản lúc ở nơi này, mai chuyển đi nơi khác. Có Đảng, có Bác, có chính sách định canh định cư, bà con nghe lời cán bộ chọn đất lập làng, rồi trồng cây lúa nước.... Nay, đời sống của người dân dần ổn định, thì tiếp tục phải thực hiện chủ trương xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa rồi xây dựng “cái nông thôn mới” để xóa đói giảm nghèo.

Già Nhấp tự hào: “Có Đảng, có Bác người dân có cái ăn, cái mặc, đời sống ấm no. Nhà nước đầu tư san ủi mặt bằng, quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư theo mô hình làng truyền thống, thuận tiện trong việc đầu tư điện, đường, nước sinh hoạt nâng cao đời sống cho người dân… Mô hình làng cũ trên đất mới ra đời từ chủ trương này. Thờ Bác Hồ để theo Đảng theo chủ trương Nhà nước, để cho đồng bào mình đoàn kết nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau phát triển”.

Trong mỗi người dân Cơtu hôm nay, Bác luôn là niềm tin, niềm tự hào và tôn kính. Kính Bác, người Cơtu một lòng theo Đảng, theo Bác không nghe lời kẻ xấu, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau, tích cực lao động sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Lên vùng cao Tây Giang, đến nhà đồng bào Cơtu, chúng ta sẽ bắt gặp ngay hình ảnh cờ Tổ quốc và di ảnh Bác Hồ được đặt nơi trang trọng nhất. Đặc biệt trong những ngày lễ, tết bà con không quên thắp nén nhang lên bàn thờ tưởng nhớ Bác. Người Cơtu luôn nhớ ơn Bác, một lòng theo Đảng, theo cách mạng.

Đ.Hiệp-C.Bính