1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Đón Giao thừa trên đường phố

(Dân trí) - Vì yêu cầu của công việc, những ngày cuối năm các công nhân đô thị luôn tất bật dọn dẹp vệ sinh đường phố, góp phần mang xuân mới tươi vui đến mọi nhà… Rất nhiều năm họ không được đón giao thừa cùng với gia đình.

Đẫm mồ hôi giữa giá rét…

Trong dòng người tấp nập đi mua sắm, dạo phố, hòa cùng tiếng xe gắn máy, ô tô, tiếng nhạc mùa xuân rộn ràng là những tiếng chổi tre quệt sàn sạt xuống mặt đường của những anh chị công nhân vệ sinh.

Có mặt tại khu chợ hoa xuân (đường Lê Duẩn, TP Huế) chúng tôi chứng kiến từng xe chở rác đầy ăm ắp đang được các công nhân của Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Huế vận chuyển về nơi tập kết. Ngừng tay gom rác, chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Với chị em trong đội, ngày Tết là vất vả hơn hết. Lượng rác thải tăng gấp 2-3 ngày thường nên phải làm việc từ sáng đến tối. Có khi về đến nhà chỉ thèm uống nước chứ không ăn nổi vì ê ẩm cả người, chỉ muốn ngả lưng nằm nghỉ”.

Chị Nguyễn Thị Hoa bộc bạch mệt mà vui vì công việc mình làm có ích cho xã hội

Chị Nguyễn Thị Hoa bộc bạch "mệt mà vui vì công việc mình làm có ích cho xã hội"

Nhu cầu sinh hoạt của mỗi gia đình trong ngày Tết tăng cao, rác thải phát sinh nhiều vì vậy cường độ làm việc của công nhân vệ sinh cũng tăng lên. Đối với chị Trần Thị Thơm – người đang phụ trách quét rác tuyến chợ Đông Ba thì đêm giao thừa là đêm vất vả nhất trong năm.

Chị Thơm cho biết: “Những ngày giáp Tết lượng rác tăng gấp 2-3 lần ngày thường, từ sáng đến giờ, đội chúng tôi đã thu gom và vận chuyển 30 - 40 tấn rác rồi. Năm nào cũng vậy, trong khoảng thời gian từ 23 tháng chạp đến 30 Tết là lượng rác từ các khu dân cư và các chợ dồn về nhiều lắm, chúng tôi phải tăng 2-3 ca làm việc cật lực, áo ướt đẫm cả mồ hôi mới thu gom được hết”.

Càng về Tết lượng rác nhiều gấp 2-3 lần ngày thường

Càng về Tết lượng rác nhiều gấp 2-3 lần ngày thường

Càng về tết, đường phố đông hẳn lên, vì ai nấy cũng vội vã về đón giao thừa cùng gia đình, người thân, hoặc ra khu vực trung tâm thành phố xem bắn pháo hoa, xem ca nhạc… Đưa tay lau những giọt mồ hôi, chị Nguyễn Thị Hà bộc bạch: “Nhìn họ đi mua sắm, dạo phố vui vẻ còn mình thì cứ lầm lũi quét dọn trên đường phố. Nhiều lúc cũng thấy chạnh lòng nhưng cứ nghĩ đến đàn con ở nhà có thêm bộ áo quần mới, cặp sách mới thì lại ấm lòng và có thêm sức mạnh để tiếp tục công việc”.

Anh Nguyễn Hóa (56 tuổi) đã gắn bó với nghề quét rác gần 18 năm nay và cũng ngần ấy năm anh đón giao thừa trên đường phố. “Nhiều lúc nghĩ cũng thèm được giây phút vợ chồng, con cái cùng sum vầy đón giao thừa nhưng… biết làm sao được khi cái nghề đã quy định vậy”. Năm nay anh lại tiếp tục đón giao thừa một mình khi được tăng cường làm vệ sinh tuyến đường Trần Hưng Đạo và khu vực chợ hoa xuân.

Rác chất cao như núi
Rác chất cao như núi

Đón Tết vội vàng…

Năm nào cũng cứ đón giao thừa là các cô chú công nhân vệ sinh thức trắng, phải đảm bảo trên tất cả các tuyến đường được phân công không còn rác để khi sáng ra, mọi người du xuân cảm thấy sạch đẹp, thoải mái. Cũng như nhiều anh em trong đội, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam cùng làm công việc này nên chuyện làm mâm cổ cúng cho ông bà trong đêm giao thừa là không thể. “Hiếm lắm mới có năm về đón giao thừa với các con. Ngày trước, khi các con còn nhỏ mình đón Tết qua loa cũng được chứ giờ các cháu lớn cả rồi mình cũng phải chuẩn bị cho chu đáo kẻo bọn nhỏ tủi thân…”.

Chị Lan vợ anh Nam tâm sự: “Bây giờ trước khi đi làm, mình phải nấu sẵn xôi chè, đơm sẵn bông trái, các cháu chỉ việc dọn ra rồi đốt nhang cúng cho đúng giờ giao thừa là được. Các con lớn lên cũng hiểu và thương cho nỗi vất vả của mẹ cha, điều đó làm tôi cảm thấy rất hạnh phúc và an tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Những chị công nhân vẫn cần mẫn làm việc khi phố đã tắt đèn
Những chị công nhân vẫn cần mẫn làm việc khi phố đã tắt đèn

Đã nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Loan chưa có lần nào đón giao thừa cùng gia đình, “những ngày cuối năm phải gom rác sạch sẽ cho nhà người ta đón Tết, còn nhà mình chẳng dọn dẹp, chuẩn bị gì về đến nhà đã mỏi nhừ tay chân. Nhiều năm hai vợ chồng chị về đến nhà đã qua giao thừa nên chỉ cúng qua loa”.

Đa số công nhân đô thị chỉ được nghỉ mồng 1 tết, ngày mồng 2 đi làm để được nhận tiền lì xì, quà tết. Mỗi năm vợ chồng chị Loan thay nhau về quê thăm ông bà và họ hàng, người thân một lần, chưa lần nào vợ chồng chị được đi chung. Gắn với nghề này nhiều người nói “bệnh cũng không dám nghỉ”vì rất khó tìm người làm thay.

Tết này vợ chồng anh Nam cũng chẳng mua sắm gì nhiều. “Năm nay kinh tế khó khăn, giá cả lại đắt đỏ muốn mua cái gì cũng phải tính toán chi li”. Cái Tết của những người công nhân vệ sinh đô thị trôi qua một cách chóng vánh, dường như không đọng lại dư âm gì trong họ.

Những tuyến đường được sạch, đẹp là niềm vui lớn nhất, trọn vẹn của các công nhân vệ sinh đô thị
Những tuyến đường được sạch, đẹp là niềm vui lớn nhất, trọn vẹn của các công nhân vệ sinh đô thị

Ngoài đường, người xe vẫn tấp nập… nhưng mấy ai biết rằng, có những người đang làm việc cho mình và mọi người có thể đón một cái tết vui hơn. Trong thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, có lẽ với những người như anh Nguyễn Văn Nam, chị Nguyễn Thị Hoa, anh Nguyễn Hóa … niềm vui đối với họ là sự khang trang, sạch sẽ của phố phường.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, trong những ngày cao điểm trước và sau Giao thừa, số lượng công nhân được tăng cường từ 400 đến hơn 500 người cho các tuyến phố trong TP Huế. “Cả năm, công nhân của công ty chỉ được nghỉ đúng 2 ngày là mồng 1 và mồng 2 tết, mồng 3 phải đi làm để phục vụ bà con. Chúng tôi rất hiểu các anh em phải vất vả dọn đường phố sạch đẹp, nên thường cố gắng thưởng tết đầy đủ, kịp thời và động viên tinh thần anh em để toàn bộ được hưởng một mùa xuân no ấm, hạnh phúc” – ông Sơn tâm sự.

Đón Tết nơi vỉa hè.
Đón Tết nơi vỉa hè.
 

TPHCM: Đánh rơi giao thừa trong giấc ngủ vùi trên hè phố

Mặc cho dòng người tấp nập ngược xuôi đi xem pháo hoa, đi lễ chùa cầu an xin lộc, đứa bé ăn xin vẫn nằm co ro bên lề đường với chiếc mũ để ngửa và mảnh chăn mỏng đắp trên người. Người thợ đánh bóng lư đồng kiêm bơm vá xe tự xích tay mình vào chiếc xe đạp chìm sâu trong giấc ngủ trên vỉa hè. Những người lượm ve chai cởi trần ngày khò khò bên trạm xe buýt… Với họ vui xuân gần như là một thứ xa xỉ phẩm.

TPHCM ồn ào, náo nhiệt, thịnh vượng là thế nhưng đâu đó vẫn còn những người không có nổi cái tết cho riêng mình.

Góc đường Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng bé trai nằm co ro bên chiếc mũ trống trơn
Góc đường Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng bé trai nằm co ro bên chiếc mũ trống trơn
Nam thanh niên ngủ gục trên cầu Lê Văn Sỹ (quận 3)
Nam thanh niên ngủ gục trên cầu Lê Văn Sỹ (quận 3)
Người đánh bóng lư đồng tự xích tay mình vào chiếc xe đạp trên vỉa hè
Người đánh bóng lư đồng tự xích tay mình vào chiếc xe đạp trên vỉa hè
Cởi trần ngáy khò khò trong đêm xuân giữ phố
Cởi trần ngáy khò khò trong đêm xuân giữ phố
 
Ngon giấc trên vỉa hè đường Xô Viết Nghệ Tĩnh
Ngon giấc trên vỉa hè đường Xô Viết Nghệ Tĩnh
Nhiều người khác vẫn hối hả mưu sinh giữa đêm giao thừa
 
Nhiều người khác vẫn hối hả mưu sinh giữa đêm giao thừa
Nhiều người khác vẫn hối hả mưu sinh giữa đêm giao thừa

Vân Sơn


Quang Tiến - Đại Dương