1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dồn dập những vụ bạo hành trẻ em - Vì sao?

Chưa bao giờ dư luận xã hội lại thấy bức xúc trước vấn nạn bạo hành trẻ em như lúc này. Và cũng chưa bao giờ số trẻ em bị đánh đập, hành hạ xuất hiện trên mặt báo nhiều như những ngày qua. Chỉ riêng ngày 1/12 đã có ít nhất ba vụ bạo hành trẻ em được phản ánh trên ba tờ báo khác nhau.

Không riêng gì ở vùng sâu, vùng xa - nơi mà các thiết chế của tổ chức xã hội bảo vệ trẻ còn yếu kém - mà ngay tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn tồn tại vấn nạn đau lòng này. Chuyện gì đang xảy ra với các em? Đây có phải là một hiện tượng xã hội bất thường?

 

Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các chuyên gia mổ xẻ làm rõ vấn đề thời sự này.

 

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Đoàn luật sư TPHCM: Luật chưa nghiêm, xử lý còn du di

 

Hành hạ, ngược đãi trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm vì đây là đối tượng có khả năng tự vệ kém. Thậm chí có những đối tượng khả năng tự vệ chỉ bằng không như trường hợp của em bé thiểu năng bị đánh đến tróc móng tay. Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến những chuyện tương tự cứ lặp đi lặp lại. Thứ nhất, luật pháp của ta chưa đủ răn đe. Thứ hai, mặc dù đã có luật nhưng chúng ta chưa thi hành nghiêm.

 

Điều 110 Bộ luật Hình sự về tội hành hạ người khác có quy định người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ một năm đến ba năm. Đây là mức án quá nhẹ. Trong khi các vụ hành hạ trẻ em thường lặp đi lặp lại trong một thời gian dài khiến trẻ không những bị ảnh hưởng về thể xác mà tinh thần cũng ảnh hưởng rất nặng, có khi những ám ảnh đó theo các em suốt đời.

 

Điều 17 Nghị định 114/2006/NĐ-CP đã có quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp bắt trẻ em đi xin ăn, cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn. Khoản 2 của điều này cũng quy định phạt tiền từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng đối với hành vi đánh đập hoặc bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em, làm cho đau đớn về thể xác và tinh thần.

 

Luật thì quy định như thế nhưng trên thực tế có mấy trường hợp đánh đập trẻ em bị xử phạt đâu!

 

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Oanh: Cần tổ chức bàn tròn làm rõ vì sao

 

Văn hóa “thương cho roi cho vọt” của mình làm cho người ta coi chuyện đánh con nít là bình thường. Nhiều trường hợp người dân không lấy giáo dục tâm lý để dạy con mà lại giáo dục bằng đòn roi. Việc hành hạ, đánh đập trẻ em lâu nay vẫn thường xảy ra.

 

Tuy nhiên, thời gian gần đây bộc lộ ra nhiều từ sau vụ em Bình ở Hà Nội do người dân đã nhạy bén hơn, mạnh dạn hơn trong đấu tranh, tố cáo chống lại cái ác. Đó là điều đáng buồn nhưng cũng đáng mừng. Tôi gọi tính nhạy bén, mạnh dạn trong tố cáo của người dân thời gian gần đây là “sự lây lan tích cực”.

 

Tôi thấy báo chí và các ngành cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Cần làm bàn tròn để coi vì sao chuyện này ngấm ngầm dữ vậy. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về quyền trẻ em và cách bảo vệ trẻ em đến từng khu phố, từng gia đình để làm thay đổi nhận thức người dân.

 

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM: Tiếng nói của chính quyền còn quá yếu

 

Việc quản lý ở khu dân cư lâu nay còn rất lỏng lẻo. Có một số trường hợp công an khu vực thiếu trách nhiệm, thậm chí thông đồng với kẻ xấu. Đối với trẻ em thì ai cũng phải có trách nhiệm nhưng trách nhiệm và tiếng nói của chính quyền trong những sự việc vừa qua còn yếu quá.

 

Sau việc em Bình ở Hà Nội, chúng tôi đã có công văn đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, huyện chú ý đến từng khu vực dân cư có nghi vấn, tìm hiểu và phát hiện tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo hành. Điều đáng mừng là bây giờ người dân đã có để ý và mạnh dạn tố cáo hơn. Người dân đang chờ đợi thái độ của chính quyền xử lý các sự việc đã tố cáo đó như thế nào.

 

Ông Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2: Do tuổi thơ cha mẹ từng bị ngược đãi

 

Khoa chúng tôi thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận những ca tư vấn cho trẻ em bị cha mẹ đánh đập. Khi tìm hiểu thì được biết tuổi thơ của cha mẹ các em trước đó cũng bị ngược đãi nên họ lại theo lối mòn ấy mà dạy con. Sự ngược đãi, bạo hành về tinh thần hay thể xác đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sau này của trẻ.

 

Có những di chứng không bộc lộ ra ngay mà sẽ hình thành cách ứng xử sau này của họ với con cái và người khác. Điều đó rất nguy hiểm.

 

Ông Hồ Tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em TPHCM: Đang lập kế hoạch chấn chỉnh

 

Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em gần đây xảy ra rất đau lòng. Chúng tôi đang tập hợp ý kiến các ban, ngành liên quan về việc chấn chỉnh tình trạng trẻ em trong cộng đồng bị ngược đãi, hành hạ. Sau đó sẽ tham mưu cho UBND TP để ra chỉ thị cho các ngành, các cấp cùng tham gia thực hiện. UBND TP đang rất quan tâm đến vấn đề này.

 

Bà Mai Thị Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Sẽ kiểm tra tình hình sử dụng lao động trẻ em

 

Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND TP phối hợp với Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và các ngành chức năng để điều tra, kiểm tra tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong cộng đồng, kể cả các trẻ lang thang để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

 

Những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra

trong thời gian gần đây, trong đó chủ yếu

là bạo hành học đường:

 

TPHCM: Ngày 13/11, do nghi ngờ em Zamath, 14 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Phú (Q.10) tham gia vào trò chơi “bốc thăm trúng mã số đánh bạn” mà thầy hiệu phó đã giao em cho người của phường đội phường 15. Hậu quả là em Zamath đã bị đánh dã man phải nhập viện trong với tình trạng nôn ra máu, bị tổn thương tim và tràn dịch màng phổi.

 

Đồng Tháp: 14/3/2007, do nghi ngờ em Huỳnh Thị Ngọc Trâm (học sinh lớp 5 trường tiểu học An Hiệp 2, xã An Hiệp, huyện Châu Thành) lấy cắp 47.800 đồng, thầy hiệu trưởng Lưu Văn Ca đã chỉ đạo Tổng phụ trách đội Lê Văn Xem giao nộp em cho... công an xã “điều tra lập biên bản”. Hậu quả của sự việc là em Trâm bị hoảng loạn tinh thần.

 

Lâm Đồng: Trong giờ học thể dục buổi chiều ngày 9/3/2007, em Hoàng (học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Văn, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã bị thầy Nguyễn Thể Toàn tát rất mạnh vào phía tai trái chỉ vì em cùng hai bạn học khác dám bỏ ra khỏi hàng khi thầy giáo đang thông báo điểm kiểm tra. Kết quả, em bị thủng hai lỗ ở màng nhĩ sụn do bị đánh mạnh từ bên ngoài. Sau gần một tuần điều trị, em Hoàng mới trở lại trường nhưng ngồi nghe giảng vẫn “câu được câu mất”.

 

Phú Yên: Ngày 21/3/2007, tại trường THCS Võ Thứ, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, giáo viên Đặng Văn Dương đã có hành vi đánh đập 4 em học sinh lớp 6E và lớp 8D của trường.

 

Đồng Tháp: Ngày 23/3/2007, em Huỳnh Thị Bé Tý, học sinh lớp 7A3 trường THCS Hoà Bình, huyện Tam Nông, bị nghi ngờ lấy trộm 100.000 đồng của bạn. Cô giáo bắt em lên bảng, lục soát, khám xét người em trước mặt cả lớp khiến em cảm thấy nhục nhã, lo sợ. Em Bé Tý đã uống thuốc sâu tự vẫn nhưng may mắn được cứu sống.

 

Thái Bình: Cô trò 10 tuổi Trần Thị Ngọc, học sinh lớp 4B trường tiểu học Minh Quang (Thái Bình) do vài lần quên sổ theo dõi thi đua, đã bị cô giáo chủ nhiệm Trương Thị Phương phạt bằng cách cho 32 học sinh lần lượt tát vào mặt, còn cô giáo thản nhiên ngồi chấm bài. Hậu quả, em Ngọc phải điều trị gần 10 ngày tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư vì bị sang chấn phần mềm má trái.

 

Hà Nội: Em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân dùng nhục hình, đánh đập từ lúc 10 tuổi đến nay.

 

TPHCM: Em Hồ Thị Bông (9 tuổi) bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin. Do không kiếm đủ số tiền như quy định, Bông đã bị bà mẹ này đổ nước sôi lên người làm phỏng nặng.

 

TPHCM: Em Nguyễn Hữu Lợi (tức bé Đen, 9 tuổi) bị mẹ nuôi dùng roi đánh khắp người và dùng búa đánh vào đầu chỉ vì em đã ăn hết phần thức ăn dành cho bữa chiều.

 

Theo Thanh Mận

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm