1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỷ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2015):

“Đơm” máy bay địch trên đèo Pha Đin

(Dân trí) - Chiến thắng “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” đã qua hơn 60 năm. 60 năm, bao nhiêu sự kiện đã diễn ra trong một đời người nhưng đối với những người lính Điện Biên năm xưa, đó vẫn là những năm tháng chói lọi nhất, vinh quang nhất.

Ông Nguyễn Xuân Hồng hồi tưởng về cuộc chiến đấu bảo vệ đèo Pha Đin trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Nguyễn Xuân Hồng hồi tưởng về cuộc chiến đấu bảo vệ đèo Pha Đin trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trải qua hàng chục năm quân ngũ, trải qua nhiều biến cố đau thương của cuộc đời nhưng người lính pháo binh ngót 90 tuổi đời Nguyễn Xuân Hồng (xóm Khoa Đà 1, Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn giữ được vẻ nhanh nhẹn, tinh anh hiếm có. Mái đầu bạc như cước, rung rung khi hồi tưởng về những trận “đơm” máy bay địch trên đèo Pha Đin cách đây hơn 60 năm trời.

19 tuổi, Nguyễn Xuân Hồng làm liên lạc cho tỉnh đội Nghệ An rồi chuyển sang lực lượng vũ trang của Quân khu 4. Từ người lính công binh trở thành anh nuôi đơn vị rồi chuyển qua đơn vị pháo binh 12 ly 7. Sau chiến dịch Thượng Lào (tháng 5/1953), đơn vị pháo binh của ông Hồng được lệnh hành quân về Việt Nam, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. “Đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ đèo Pha Đin nằm giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Đây là con đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược cho chiến trường Điện Biên Phủ. Bởi vậy, đèo Pha Đin là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Pháp”, ông Hổng kể.

Từ Thượng Lào, những khẩu pháo 12 ly 7 được tháo rời từng bộ phận, được người lính công binh vác trên vai, luồn rừng, lội suối về xây dựng trận địa phòng không tại một cánh rừng gần đèo Pha Đin. Đó là những ngày cuối năm 1953, đầu năm 1954. Thời điểm đó, con đường vận chuyển lương thực, khí tài vào chiến trường Điện Biên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Cả con dốc dài hơn 30 cây số có lúc chỉ nhìn thấy những chiếc xe đạp thồ, những đôi gánh nối đuôi nhau dài vô tận.

Đèo Pha Đin trở thành huyền thoại trong chiến tranh chống thực dân Pháp (ảnh Vietnamtravel).
Đèo Pha Đin trở thành huyền thoại trong chiến tranh chống thực dân Pháp (ảnh Vietnamtravel).

“Sợi dây” người ấy thỉnh thoảng đứt đoạn vì bom của kẻ thù dội xuống. “Địch sử dụng máy bay cánh quạt tầm thấp để khống chế con đường tiếp vận cho chiến trường Điện Điên Phủ. Chúng thường bay thành từng tốp, sà thấp xuống để rải bom. Đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ đánh chặn máy bay thả bom, bảo vệ con đường vận chuyển này.

Có những ngày địch bay hàng chục chuyến, quần đảo trên bầu trời và trút xuống đèo Pha Đin hàng trăm tấn bom. Chúng đánh bất kể giờ giấc, ban đêm, chúng thả pháo sáng để xác định mục tiêu bỏ bom nên việc vận chuyển khí tài, lương thực cho Điện Biên Phủ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta đã mở thêm đường sông để vận chuyển nhưng con đường bộ này vẫn chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng. Dù phải chia lực lượng để đánh phá đường sông nhưng địch cũng không “tha” cho đèo Pha Đin ngày nào. Càng gần những ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, địch dùng máy bay để tiếp tế cho binh lính ở trong lòng chảo Điện Biên. Dưới lưới lửa phòng không, nhiều kiện hàng không thả đúng địa chỉ, nên thành ra địch tiếp tế cho ta”, ông Hồng hồi tưởng.

Những ngày chiến đấu ác liệt đó, mỗi người lính pháo binh phải trực chiến, vừa phải tự mình vận chuyển từng viên đạn lên công sự. Cứ mỗi người 200 viên đạn, vận chuyển lên trận địa để “đơm” máy bay địch. “Nói là “đơm” bởi vì đạn hiếm, quý lắm, không thể bắn vung vãi được. Phải hết sức tập trung, nhắm thật chuẩn mới “khai hỏa”, ông Hồng nói.

Người lính pháo binh tự hào đã đóng góp sức mình vào chiến thắng của dân tộc.
Người lính pháo binh tự hào đã đóng góp sức mình vào chiến thắng của dân tộc.

Dưới sự “bảo vệ” của các tầng phòng không, con đường vận chuyển trên cung đường được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam vẫn tấp nập. Không khí thi đua giữa các đơn vị dân công hỏa tuyến, các đơn vị bộ đội chủ lực, đơn vị pháo binh diễn ra sôi nổi, là động lực để các lực lượng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Từ cung đường này con người, lương thực, khí tài… từ hậu phương được bổ sung ra mặt trận, phục vụ cho chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt sự đô hộ của Pháp trên đất nước Việt Nam vào ngày 7/5/1954.

Ngày chiến thắng, đơn vị pháo binh của ông Nguyễn Xuân Hồng được lệnh gấp rút hành quân vào đường 9 (Quảng Trị). “Chúng tôi chỉ nhận được tin chiến dịch đã kết thúc, chiến thắng giòn giã chứ không được chứng kiến giây phút đó. Tuy nhiên, đối với mỗi người lính, được đóng góp cho chiến thắng vĩ đại này của dân tộc cũng là một niềm tự hào rất lớn”, ông Hồng chia sẻ.

Những tấm vải dù thu được của địch được ông Hồng cẩn thận may lại thành những tấm chăn, sử dụng trong suốt những ngày tham gia chiến dịch Điên Biên rồi sau này mang về nhà. Vừa rồi, ông tặng lại những tấm vải dù đó cho Bảo tàng Quân khu 4 để lưu giữ một trong những thời khắc lịch sử hào hùng nhất của dân tộc.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm