1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Đôi vợ chồng nghèo 15 năm “chở chữ” qua sông

(Dân trí) - 15 năm qua, chiếc đò của đôi vợ chồng nghèo đã bắc “nhịp cầu” ước mơ cho biết bao học sinh vùng Khe Luồi, xã Đakrông đến trường trong điều kiện bị cách trở bởi sông sâu. Nhiều em hoàn cảnh khó khăn được miễn phí đi đò.

Giữa trưa nắng, đoàn chúng tôi đang loay hoay chưa biết tìm cách nào để vượt sông Đakrông thì một lão ông từ bên kia nói vọng sang: “Các cô, chú đợi tui mấy phút nha. Tui buộc lại mái chèo rồi sẽ lái đò qua chở”.

Lái đò là một người đàn ông tuổi lục tuần, mang một chân giả nhưng khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười tươi vui. Ông tên là Nguyễn Văn Nhân (53 tuổi) đã hành nghề lái đò suốt 15 năm qua. Khách qua đò thường ngày của vợ chồng ông Nhân chủ yếu là những người làm nương rẫy ở Khe Luồi và khoảng vài chục em học sinh, thỉnh thoảng có thêm khách vãng lai. Mỗi ngày ông lái gần chục chuyến đò. Đến mùa gieo trồng hoặc mùa thu hoạch thì bận rộn hơn.

Người lái đò có tấm lòng đúng như cái tên của mình tâm sự: “Vì thương mấy cháu học sinh bên kia sông không có cầu để đến trường, rồi người dân đi lại khó khăn nên mới ra đây lái đò. Các chú biết đấy, làm nghề này chẳng thu nhập được bao nhiêu, ai cảm thông thì đưa cho năm, bảy ngàn đồng, gom lại cũng không đủ tiền mua dầu chạy máy. Còn hầu hết bà con nợ lại, đợi đến mùa trả cho thúng thóc”.

Đôi vợ chồng nghèo 15 năm “chở chữ” qua sông
15 năm trôi qua, vợ chồng ông Nhân đã góp phần "chắp cánh ước mơ" đến trường cho bao học sinh bản nghèo

Suốt 15 năm nay, hình ảnh người đàn ông tật nguyền cùng vợ mình cặm cụi đưa người qua sông đã không còn xa lạ gì đối với người dân địa phương và học sinh các bản Phú Thiềng, Khe Luồi, xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Cũng chính vì vậy mà người dân nơi đây luôn dành cho vợ chồng ông Nhân tình cảm quý mến và sâu nặng.

Ông Nhân kể, cha ông vốn là bộ đội tập kết ra Bắc và cưới vợ ngoài đó, sau đó sinh ông. Đến ngày hòa bình, gia đình ông lại trở vào xã Mò Ó lập nghiệp. Lớn lên ông kết duyên với bà Lê Thị Nở, vốn là một cô gái vạn đò gốc Huế ra mưu sinh trên sông Đakrông cùng với gia đình, rồi lần lượt sinh được 6 người con. Cuộc sống của gia đình ông bà chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng nước, trồng sắn, trồng lạc, chăn nuôi lặt vặt và vào rừng chuốt mây, lấy củi...

Mỗi khi kể về bản thân, giọng ông Nhân lại chùng xuống. Bà Nở (vợ ông Nhân) cho biết, ông ấy luôn cảm thấy buồn khi nhắc lại cuộc đời mình. Khi trước ông ấy khỏe mạnh lắm, làm lụng cũng giỏi, lại tháo vát. Thế nhưng, bất hạnh đến với ông ấy vào năm 1990, ông Nhân bị đau ở chân kéo dài. Sau đó qua thăm khám mới phát hiện bị viêm tắc tĩnh mạch. Đến năm 2005, do điều trị không được nên các bác sĩ đành phải căn bỏ chiếc chân trái của ông để ngăn không bị hoại tử.

Đôi vợ chồng nghèo 15 năm “chở chữ” qua sông
Căn bệnh quái ác đã lấy đi của ông Nhân chân trái. Tuy nhiên, ông vẫn vượt qua đau đớn để tiếp tục cuộc sống

Từ ngày ông Nhân lâm bệnh, gia đình cũng dần lâm vào cảnh khốn khó. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 3 người con lớn của vợ chồng ông Nhân không có điều kiện học tập và đã phải nghỉ học giữa chừng. Người thì đã lập gia đình, người thì đi làm công nhân ở miền Nam.

Hiện ông, bà còn 3 người con đang đi học, 2 con gái là Nguyễn Thị Kim Loan học lớp 11 và Nguyễn Thị Huyền học lớp 9, đứa con trai út là Nguyễn Văn Hùng đang học lớp 7. 

Tuy cuộc sống còn vất vả, khó khăn nhưng ông, bà vẫn cố gắng vượt qua để nuôi con cái đi học. Có lẽ, vì ông suy nghĩ mình và vợ không được học hành tử tế nên không muốn con cái tiếp tục đi theo “vết xe đổ” để rồi cuộc đời phải ám ảnh bởi sự nghèo khó bủa vây. Ông Nhân nói: "Vợ chồng tui cũng già cả rồi nên không còn sức khỏe để lao động nặng nhọc được nữa. Bản thân tui lại bị tật như thế này, chỉ làm được công việc nhẹ. Mong sao, mỗi ngày kiếm lấy vài chục nghìn rồi gom lại đóng học cho con mà thôi".

“Chừng nào ông trời còn cho sức khỏe thì vợ chồng tôi vẫn gắng đưa đò, bủa lưới để nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Cả đời chúng tôi đã khổ rồi. Mong sao đời những đứa con còn lại sẽ tiếp tục được đến trường và có tương lai tươi sáng hơn là chúng tôi mãn nguyện lắm rồi” – ông Nhân bộc bạch.

Mỗi ngày, may mắn lắm vợ chồng ông Nhân cũng chỉ kiếm được từ 50-60 nghìn đồng gồm cả đưa đò lẫn bán tôm, cá. Nếu ít thì cũng đủ làm thức ăn qua ngày. Tuy nghề đưa đò nhọc nhằn là thế, ông bà dù nghèo nhưng lúc nào cũng sẵn sàng chở miễn phí cho những em học sinh có hoàn cảnh quá khó khăn và những dân bản nghèo.

Chia tay vợ chồng ông Nhân, chúng tôi nhớ mãi lời chia sẻ: “Sống ở nơi khó khăn này, giúp đỡ được gì cho nhau thì nên giúp, mình thương người ta thì có lúc người ta sẽ giúp đỡ lại mình. Xem như làm điều thiện tích đức cho con cháu sau này”.

Đăng Đức