1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đời trai “chạy chợ”

(Dân trí) - Trước, người đời thường quan niệm chuyện chạy chợ, quảy gánh bán buôn… là chuyện của đàn bà; thì giờ đây, hình ảnh người đàn ông “kê đòn” ngồi chợ, đẩy xe hàng, đong đếm, mặc cả… đã không còn xa lạ.

Đời trai buôn cá, bán rau

 

Quê anh Lê Văn Tĩnh ở tận Tiên Du, Bắc Ninh. Năm 49 tuổi, anh từ bỏ cuộc sống “con trâu đi trước cái cày theo sau”, vào Sài Gòn tìm kiếm một cơ hội để thay đổi cuộc đời. Ngày anh đi, vợ anh chạy khắp thôn trên, xóm dưới cũng chỉ đủ số tiền để bắt một chuyến xe tốc hành vào Nam và dằn túi 200 nghìn đồng. 

 

Trên chuyến xe “Nam tiến” năm ấy, anh tình cờ gặp và quen anh bạn cùng làng. Thế là anh được gia nhập một xóm ngụ cư ở quận 8, TPHCM. Những ngày đầu, anh theo bạn làm phụ hồ, tiền kiếm được chẳng được bao nhiêu. Tiêu xài rất chi li mà sao anh vẫn thấy tiền trôi như nước. Một tháng tiền nhà 130 ngàn, tiền tiêu lặt vặt 50 ngàn, vài chục uống nước, hút thuốc lào.

 

Làm thợ hồ được vài ngày thì anh đổ bệnh, tiền kiếm không đủ tiền thuốc. Về quê thì xót tiền, anh ráng ở lại, quyết định quay sang nghề buôn bán rong. Chạy vạy được ít tiền mua chiếc xe đạp 3 bánh, anh “kinh doanh” rau, củ từ 3 giờ sáng tới tận chiều muộn.

 

Từ đó đến giờ, ngày này anh Tĩnh cũng đều đặn lấy hàng từ chợ đầu mối Thủ Đức rồi đi bán vòng quanh từng xóm công nhân ở KCN Bình Dương. 

 

Đời trai “chạy chợ”  - 1

Giây phút tranh thủ nghỉ ngơi hiếm hoi.

 

Ngày mở hàng, ngượng đỏ mặt, hàng ế ẩm nên “ăn rau thay cơm”. Một thời gian quen “mối”, làm ăn bắt đầu khá lên. Anh Tĩnh cười bảo: “Cái nghề này chạy như điên, mệt đứt hơi nhưng thấy “sướng” vì kiếm được những đồng tiền trong sạch bằng chính mồ hồi nước mắt của mình gửi về cho vợ con”.

 

Anh Nguyễn Văn Tận - 32 tuổi, quê Sóc Trăng, cũng nhọc nhằn không kém. Cứ 2-3 giờ sáng là đạp cái xe cà tàng lên tận Bình Chánh lấy rau, về xếp rửa lại cho ngon mắt rồi mới đưa ra “chiếu” ở chợ Tân Kiểng. Anh Tận tâm sự: “Cứ nghĩ thằng đàn ông mà “kì kèo bớt một thêm hai” con cá, bó rau thì kì, nên mấy ngày đầu bán mà như cho. Mãi rồi cũng quen. Bây giờ giống mấy bà hàng cá đích thực, nhiều lúc “quê” lắm nhưng được làm ông chủ một chiếu rau và nuôi 3 đứa con nên cứ mặc kệ”.

 

Vì ngày mai tươi sáng

 

Nếu anh Tĩnh, anh Tận… vì gia đình, vợ con mà phải nai lưng với gánh rau, gánh quả thì Vũ Văn Hoành lại khác. 25 tuổi, quê Vĩnh Phúc, Hoành “một mình một ngựa” xông pha giữa Sài Gòn.

 

Hoành có ngoại hình hơi khó nhìn, chỉ được cái miệng hay cười và tính tình hiền khô.  Chưa vợ, gia đình có 8 miệng ăn mà chỉ bám vào mấy sào ruộng, nên phải lang bạt mưu sinh. Ngày tạm biệt cha mẹ già, Hoành hạ quyết tâm phải kiếm tiền thật nhiều để về quê lấy vợ kẻo các cụ khuất núi mà không yên tâm về thằng con.

 

Hoành bắt đầu sự nghiệp “kiếm tiền, lấy vợ” của mình bằng đủ thứ nghề, nhưng trụ vững nhất vẫn là nghề bán rau dạo. Tờ mờ sáng, Hoành bắt đầu cuộc hành trình với một chiếc xe đạp cà tàng chất đầy cải bẹ, dưa leo, cà chua… rong ruổi khắp quận 4, quận 7, Nhà Bè… để bỏ mối cho các quán ăn, còn dư bao nhiêu anh tiếp tục dạo bán cho bằng hết.

 

Tính đến nay Hoành đã có “thâm niên” gần 4 năm trong nghề. “Có được đồng ra đồng vô, cuối năm nay tính về quê hỏi vợ”, Hoành cười rạng rỡ.

 

Đời trai “chạy chợ”  - 2

Với xe ngô, sắn, khoai này, anh Cường mong các con sẽ có một tương lai tương sáng hơn.

  

Bùi Văn Cường 41 tuổi, lại mang một hoàn cảnh khác. Rời quê Quảng Xương, Thanh Hoá vào Sài Gòn, làm chiếc xe đẩy bán khoai mì, bắp ngô… ăn khuya cho khách chơi đêm, phụ giúp vợ nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học. Người đàn ông này tâm sự: “Trừ tiền nhà, điện nước, ăn uống ra, tháng gửi về quê hơn 1 triệu cho mẹ nó thêm vào. Nhiều lúc nhìn người ta chở vợ, chở con đi chơi mà tủi thân nhưng  nghĩ  lại đời mình đã bỏ đi, bây giờ lo cho con cái chữ, mai này cho tụi nó đỡ khổ”.

 

Bây giờ trên khắp nẻo Sài Gòn, từ mọi con đường lớn đến những con hẻm “tay quay”, đều đã quen với hình ảnh của những người đàn ông vừa đạp xe vừa rao hàng. Họ cũng như bao người lao động xa quê khác, lặn lội mưu sinh không phải cho bản thân mà cho tương lai của gia đình.

 

Đức Nguyễn