1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đời tiếp viên trong những “địa ngục trần gian”

Vì bỏ nhiều tiền đầu tư nên các ông chủ, bà chủ phải khống chế tiếp viên để tránh bị chiếm mất “hàng ngon”. Sau khi bị vắt kiệt sức, các cô thôn nữ đã qua thời thanh xuân mới được thả lỏng hoặc “chuyển nhượng” cho các tụ điểm tệ nạn khác.

12h đêm Loan mới loạng choạng quay về phòng trọ, bụng đói cồn cào mà trong túi chẳng còn một xu. Mượn đứa bạn cùng phòng mười ngàn đồng, Loan  ra ăn tô “hủ tiếu gõ” đỡ dạ rồi vào đánh một giấc cho đến tận 9-10h sáng hôm sau. Chuông điện thoại reo, “má mì” lệnh đi làm, anh xe ôm chở mối cũng đang chờ ngoài đầu hẻm. Vào đến quán, điểm tâm qua loa một ổ bánh mì, Loan trang điểm môi son, má hồng để bắt đầu một ngày mới.

Vì là “lính chiến”, mỗi ngày Loan tiếp 4 - 5 lượt khách, kiếm 400 - 500 ngàn đồng tiền “boa”, tính ra mỗi tháng thu nhập được hơn 10 triệu đồng. Vậy mà những lúc ốm đau Loan còn không có tiền để lo thang thuốc…

Má mì và những thế lực đen

Quán bia ôm nơi Loan đầu quân nằm trên đường Hùng Vương, quận 5, TPHCM. Quán này có 4 “má mì”, mỗi “má mì” quản từ 20 - 30 tiếp viên. Tuy tiếp viên ở đây không bị bóc lột tàn nhẫn như “ổ quỷ” Tân Hoàng Phát, nhưng những đồng tiền “boa” của các tiếp viên cũng bị chia năm xẻ bảy.

Loan kể: “Lúc mới vào quán, biết được gia cảnh của em, “má mì” bảo thấy con tội nghiệp nên để má vay cho 30 triệu đồng gửi về quê cho ba mẹ cất lại căn nhà. Mỗi ngày góp 300.000 đồng tiền lãi, khi nào có, trả vốn cũng được. Em nghe mà cảm động đến rơi nước mắt vì đã có điều kiện để giúp ba mẹ nhưng không ngờ cũng vì số tiền ấy đã đẩy em xuống vũng bùn”.

Cùng với Loan còn có nhiều tiếp viên khác cũng vay tiền tương tự nhưng không phải ai muốn vay cũng được mà phải là “gà chiến” (trẻ đẹp) vì như vậy mới có nhiều tiền “boa” để trả lãi. Thế là hàng đêm, sau giờ “tan ca”, các tiếp viên vay nợ đều phải góp tiền cho “má mì”, có đứa đã góp 3 năm mà vốn thì vẫn còn nguyên đó.

Nhận tiền xong “má mì” giao lại cho đối tượng cho vay nặng lãi trực chờ trước quán để kiếm tiền “cò”. Nhiều lúc ế khách, không đủ tiền góp Loan bị “má” đẩy đi khách qua đêm, vậy là trở thành gái mại dâm.

Nhiều cô vì quá bức bách nghĩ đến con đường bỏ trốn nhưng suy đi tính lại đã không dám liều mình. Vì trước khi vào quán bia ôm, các cô đều bị chủ quán thu giấy tờ tùy thân và dọa sẽ “làm thịt”, sẽ tìm đến quê đòi nợ, tung tin “làm gái ở Sài Gòn”… bởi những kẻ cho vay nặng lãi thực chất cũng là người nhà của chủ quán.

Đối với các tiếp viên không vay nợ thì “má mì” có nhiều chiêu khác để “bóp cổ” mà phổ biến nhất là xếp tua ngồi với khách.

Theo qui định của bất kỳ quán bia ôm nào thì tiếp viên ngồi với khách phải được bố trí xoay tua để đảm bảo công bằng. Nhưng nếu “má mì” ghét tiếp viên nào khi đến tua “má” sẽ “nhét” đứa khác vào và lấy lý do là khách yêu cầu thì đành chịu.

Mà muốn lấy lòng “má” thì tiếp viên phải biết “vận động” khách “boa” cho “má” mỗi khi tính tiền; phải cống nạp tiền cho “má” mỗi khi trúng mánh (khách “boa” sộp) rồi thi thoảng mua phấn son, quần áo tặng “má”…

Ngoài ra, để kiếm thêm thu nhập, “má mì” còn đề ra qui định tiếp viên đi trễ, nghỉ không phép phải chịu phạt từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày. Với những chi phí như vậy nên dù có thu nhập thuộc vào hàng triệu phú nhưng các tiếp viên vẫn phải trắng tay mà nợ nần chồng chất.

Không vay mượn nợ, không bị “má mì” bóc lột dã man nhưng nhiều tiếp viên ở các quán bia ôm nằm trên đường Trần Quang Khải (quận 1) cũng phải giam mình trong thế giới tệ nạn mà không có lối ra.

Với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng nhưng tiếp viên Nhung, Thơ quê ở Sóc Trăng vẫn thường xuyên thiếu trước hụt sau. Vì mỗi tháng Thơ phải gửi về quê cho ba mẹ 3 triệu đồng; tiền thuê phòng trọ, ăn uống, phấn son, quần áo… cũng hết ngần ấy, còn lại thì… nuôi trai.

Nhiệm vụ chính của các gã là đưa đón “vợ” đi về rồi xoè tay lấy tiền, thậm chí trấn lột. Thế nhưng, muốn chia tay với những kẻ đào mỏ này không hề đơn giản vì chúng có thể dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn hoặc thù “người yêu”.

Vì đâu có “địa ngục trần gian”?

Sau khi điểm massage “địa ngục trần gian” Tân Hoàng Phát (đặt ở Thủ Đức) bị triệt xóa, nhiều người đặt câu hỏi vì sao lại hình thành nên một kiểu quản lý tiếp viên như nô lệ? Để lý giải điều này không mấy khó khăn vì trên thực tế tất cả những “công đoạn” mà kẻ kinh doanh đen tối xây dựng nên một “ổ quỷ” đều phải mua bằng tiền.

Đầu tiên đó là giấy phép, theo quy hoạch một số ngành nghề thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, xã hội “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn xã hội của 23 quận, huyện thì vào thời điểm giữa năm 2005, toàn TPHCM có tất cả 11.972 cơ sở, gồm 47 cơ sở khiêu vũ; 878 karaoke; 7.957 kinh doanh ăn uống giải khát; 3.090 nhà hàng, khách sạn, quán trọ…

Và để khống chế số lượng phát sinh mới đến năm 2010, UBND TPHCM đã quy định cụ thể về số lượng, địa bàn được cấp phép cũng như tạm ngưng cấp phép một số loại hình kinh doanh.

Chính vì thế mà nhiều kẻ kinh doanh tệ nạn muốn mở rộng hoạt động phải mua lại giấy phép của cơ sở đã được cấp phép nhưng không muốn hoạt động tiếp (phần lớn là cơ sở kinh doanh đàng hoàng) và tìm cách xin… chuyển địa điểm là xong.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn lách bằng cách xin thành lập doanh nghiệp và được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp phép mặc dù không đúng theo quy hoạch như trường hợp của massage Tân Hoàng Phát.

Sau khi có giấy phép thì phải bỏ tiền ra “ngoại giao” để mua sự im lặng. Xong xuôi là đến khâu tuyển tiếp viên cũng phải bỏ tiền trả cho những kẻ bất lương về khu vực miền Tây dụ dỗ gái quê.

Vì đã bỏ nhiều tiền đầu tư như thế nên họ đã khống chế tiếp viên nhằm làm công cụ kiếm tiền cho mình bằng cách giam giữ để tránh bị các cơ sở khác thấy “hàng ngon” sẽ tìm cách chiêu dụ qua “đầu quân”.

Và sau khi bị “vắt kiệt sức”, các cô thôn nữ cũng đã qua thời thanh xuân, lúc này mới được thả lỏng hoặc “chuyển nhượng” cho các tụ điểm tệ nạn “bèo” khác.

Thực tế cho thấy, sau vài năm phục vụ cho các ổ tệ nạn thì các cô gái rất khó có thể hoàn lương và làm những công việc nặng nhọc để kiếm đồng tiền chân chính. Vậy là những nạn nhân ngày nào sẽ trở thành những “má mì”, những gái làng chơi… 

Để hạn chế và ngăn chặn mầm mống phát sinh tệ nạn cũng như hậu quả để lại cho xã hội, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, TPHCM ban hành hàng loạt văn bản phòng chống tệ nạn xã hội như Quyết định 05, 10, 105, Chỉ thị 17… Tuy nhiên khi vào thực tế thì các địa phương đều áp dụng không triệt để.

Trên thực tế, quy định vẫn là quy định, chưa thấy cơ sở nào bị phạt vì tiếp nhận khách say rượu hay tiếp viên tắm cho khách… Nguyên nhân một phần do chủ các cơ sở dùng thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng nhưng cái chính vẫn là có sự bao che của chính quyền.

Theo M.T.P
Công an nhân dân