1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững ở miền Trung

(Dân trí) - Sáng 6/12, tại Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng phối hợp Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội tổ chức Hội nghị đối thoại lần thứ 3 vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng - cho biết, trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, việc đầu tư xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện dẫn đến sự xuất hiện dày đặc hệ thống thủy điện ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên gây thiệt hại đáng kể về môi trường và kinh tế trong thời gian qua. Những tác động điển hình từ các nhà máy thủy điện đã được một số công trình nghiên cứu và đánh giá.

Theo đó, đánh giá tập trung vào những vấn đề như: ngập lụt và xói lở bờ sông do thay đổi chế độ nước hạ du và vận hành xả không đúng quy trình; hạn hán và suy giảm chất lượng nước hạ du; suy giảm dòng chảy bùn cát ở hạ du; suy giảm tài nguyên sinh học, nhất là rừng; các vấn đề liên quan đến đền bù di dân và tái định cư; hạn hán, sa mạc hóa hạ du và nhiễm mặn…

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

“Nguyên nhân của tình trạng phát triển thủy điện không bền vững có nhiều, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người, do cách quản lý của con người. Trong quản lý, chưa chú ý đến cách tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng, nhất là cộng đồng địa phương có thủy điện, chịu tác động trực tiếp của thủy điện theo quan điểm lấy dân làm gốc để giám sát thủy điện và quá trình từ lúc thi công đến lúc vận hành và nhất là chưa chú trọng cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển”, ông Phước nói.

Ông Nguyễn Khánh Tâm Anh (trú xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết – nhóm cộng đồng của ông gồm 5 thành viên, đã tiến hành thu thập thông tin từ những người dân vùng bị tác hại do thủy điện gây ra. Qua thông tin thu thập được, nhóm của ông xác định được những hệ lụy mà các thủy điện thuộc sông Vu Gia gây ra. Đó là, đất thổ cư và đất sản xuất bị lỡ mất hơn 20 ha, ảnh hưởng đến 120 hộ dân; đất sản xuất bị bồi cát 150 ha; dòng sông cạn kiệt, cá, tôm cạn kiệt, người dân sống hai bên bờ sông gặp nhiều khó khăn; mực nước sông xuống cạn so với trước khi có thủy điện là 1m85…

Ông Nguyễn Khánh Tâm Anh trình bày và dẫn chứng những tác hại do nhà máy thủy điện gây ra
Ông Nguyễn Khánh Tâm Anh trình bày và dẫn chứng những tác hại do nhà máy thủy điện gây ra

Ông Anh đề nghị các nhà máy thủy điện kiểm tra, xác minh và có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí để người dân khắc phục, ổn định cuộc sống. Tạo công ăn việc làm cho 40 hộ làm nghề đánh cá đang thất nghiệp. Yêu cầu các nhà máy thủy điện nghiêm túc thực hiện quy trình xả lũ và thông báo kịp thời. Đồng thời tăng cường thời gian xả nước về hạ du mùa nắng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm để đảm bảo sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Ông Lê Đình Bản, phó Tổng giám đốc Công ty thủy điện A Vương cho rằng, các nghiên cứu, báo cáo tại hội nghị chủ yếu đi sâu vào xã hội mà chưa đặt vào bối cảnh tự nhiên. Và tại hội nghị cũng không có đại diện các cơ quan chính quyền tại vùng thủy điện cũng như vùng hạ du và đặc biệt là hai ngành quan trọng như Tài nguyên – Môi trường và Thủy lợi để đánh giá thực trạng tự nhiên của giai đoạn vừa qua .

Theo ông Bản, giai đoạn 2014 – 2016 là giai đoạn cực kỳ khó khăn về mặt thủy văn. Giai đoạn này cả miền Trung cũng như cả nước chịu ảnh hưởng nặng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

“Vì sao nói tại sao thủy điện mùa hè không xả nước là do 3 năm vừa rồi có hiện tượng El Nino nên bản thân chúng tôi cũng là nạn nhân của El Nino. Chúng tôi không có nước vì thế việc xả nước xuống hạ du sẽ hạn chế”, ông Bản giải thích.

Ông Lê Đình Bản chia sẻ tại hội nghị
Ông Lê Đình Bản chia sẻ tại hội nghị

Cũng theo ông Bản, đối với những hồ thủy điện lớn, quy trình xả đã có quy trình rõ ràng. Mùa cạn, chủ hồ vận hành, trong trường hợp thiếu nước là chủ tịch tỉnh điều hành. Mùa lũ, lúc bình thường là chủ hồ vận hành, lúc có mưa lũ ảnh hưởng đến người dân là trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ra quyết định vận hành mà hiện nay trưởng Ban đó là ông chủ tịch tỉnh.

Các hồ lớn, được giám sát chặt chẽ từ chính quyền địa phương. Các hồ nhỏ còn giao cho các chủ hồ. Do đó, các hồ điều hành thực hiện quy trình rất nghiêm túc.

Còn về việc thông báo xả lũ, theo ông Bản, do cơ chế thông tin còn chậm, hoặc người dân chưa tin tưởng vào trưởng thôn, tạo hiệu ứng hoảng loạn. Việc cải thiện sinh kế cho người dân cũng cần một quá trình dài, phụ thuộc vào tập quán, khả năng chuyển đổi của người dân.

Khánh Hồng