1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đổi thay ở vùng đất mới…

(Dân trí) - 10 năm trước, cái nghèo của Ongol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông, Gia Lai) nổi tiếng khắp các buôn làng của người Gia Rai. Vậy mà, đến với Ongol lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt một cách thần kỳ…

“Ongol ngày ấy nghèo, nghèo lắm!”

 

Rơ Mah Chun, vị cựu chiến binh già của làng Ongol, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Vê, hồi tưởng câu chuyện của 10 năm trước: Làng Ongol sau giải phóng nằm ở ven đồi gần con suối Ia Rlai. Người Ongol sống cuộc sống trồng tỉa như ông cha ngày trước. Khi đất rẫy bạc màu, người Ongol lại chuyển làng lên cao hơn, đóng ở lưng chừng đồi cho đến năm 1999.

 

Ngày ấy Ongol nghèo, nghèo lắm. Nghèo đến mức con chó cũng bỏ buôn làng mà đi vì đói. Rơ Lan Vốch, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh làng Ongol, tiếp lời: “Ăn lá sắn đến xanh cả mặt, đen cả răng. Đến năm 2000, người Gia Rai ở Ongol vẫn phải ăn lá sắn luộc chấm tro tranh (cỏ tranh đốt thành tro, có vị mặn, dùng thay muối)”.

 

Cây kơnia già

 

Rơ Mah Chun là một trong những người Gia Rai đầu tiên ở Tây Nguyên đi theo Đảng. Ông được kết nạp năm 1965, trong thời kỳ chống Mỹ ác liệt nhất. Tính đến thời điểm 1999, Rơ Mah Chun lãnh đạo buôn làng hơn 20 năm. Trong lòng người Gia Rai ở Ongol cũng như ở cả xã Ia Vê, ông như cái cây kơnia già đứng giữa đại ngàn Tây Nguyên, sừng sững và vững chãi.
 
Đổi thay ở vùng đất mới… - 1

Thế nhưng, cái trí khôn mà ông có được trong chiến tranh không đủ dẫn dắt buôn làng thoát khỏi đói nghèo. Ông vận động bà con bỏ nhiều hủ tục, sống nếp sống mới, nhưng chưa giúp bà con ăn no mặc ấm.

 

Nhìn buôn làng sau giải phóng hơn 20 năm vẫn là những căn nhà sàn lụp xụp, vá chằng vá đụp, những đứa trẻ thiếu ăn bụng ỏng đít beo, những chàng trai cô gái răng đen kịt vì quanh năm ăn lá sắn chấm tro tranh… mà lòng ông ray rứt khôn nguôi.

 

Nhấm nháp ly rượu, Rơ Mah Chun tâm sự: “Ngày xưa bị địch bắt, mình kiên trì giả vờ không biết gì. Nó giam mãi rồi cũng chán, cũng thả mình. Nay mình cũng kiên trì mãi mà cái đói nó không tha mình…”.

 

Ngọn gió mới

 

Năm 1995, cô Nguyễn Thị Phúc từ Bình Định đến xã Ia Vê lập nghiệp. Nhìn vùng đất đỏ bazan tươi tốt, rừng núi bạt ngàn mà người dân bản địa phải sống trong cảnh thiếu thốn, đói nghèo, cô không chịu được. Đứng trước khó khăn, máu đấu tranh trong người phụ nữ trung niên lại sôi sục…

 

Nguyễn Thị Phúc vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng. 14 tuổi, đã được cử ra Bắc học, nhưng cô quyết tâm ở lại đánh giặc ngay tại quê hương mình, vùng đất Phù Cát, Phù Mỹ ác liệt. Năm 1973, cô được phong anh hùng ở tuổi đôi mươi!     

 

Sau giải phóng, dù con nhỏ, thời buổi kinh tế đất nước khó khăn, ăn toàn bo bo, khoai sắn, cô vẫn cố sức vừa chăm lo cho gia đình, vừa công tác, vừa học tập để nâng cao trình độ. Đến trước ngày nghỉ hưu, cô đã giữ cương vị Ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Định.
 
Đổi thay ở vùng đất mới… - 2

 

Năm 1993, vì bệnh tim, cô Phúc xin nghỉ hưu non ở tuổi 40. Rồi vì cuộc sống quá chật vật, cô xin lên Gia Lai làm kinh tế mới. Nhìn cảnh đồng bào nghèo đói, cô tự nhủ: “Mình phải làm một cái gì đó!”. Và cô đã bắt tay vào làm công tác chính trị tại vùng đất mới, đảm nhận vị trí Phó bí thư Đảng ủy xã Ia Vê. Cùng với Rơ Mah Chun, cô như ngọn gió mới thổi về đại ngàn Tây Nguyên, góp sức xây dựng Ia Vê đẹp giàu…

 

Dù là Phó bí thư Đảng ủy xã, lại có uy tín của Bí thư Rơ Mah Chun hỗ trợ, nhưng việc tiếp cận và lấy lòng tin của đồng bào Gia Rai không dễ chút nào. Thuở ban đầu, Phúc phải lân la vào từng nhà ở Ongol để thăm hỏi bà con.

 

Cô kể: “Tết năm 1999, làng Ongol đói lắm. Cô phải đi đến nhà người Kinh, chùa chiền ở khắp vùng xin gạo cho bà con. Ngày ấy làm gì có xe, phải vác bao đi bộ mất mấy ngày trời. Về chia cho bà con mỗi người được một lon. Thấy bà con ngạc nhiên: “Sao mày cho tao nhiều gạo thế!” mà lòng buồn vui lẫn lộn”.

 

Từ độ ấy, Phúc được bà con xem như người làng, được gọi thân mật bằng cái tên “mế Phúc”. “Mế Phúc” bắt đầu kế hoạch thay đổi đời sống của bà con.

 

Để đồng bào tin tưởng, Phúc dùng biện pháp: “Mình làm trước cho người ta làm theo”. Cô dời nhà về gần làng Ongol, ngay trên đỉnh đồi, sát đường giao thông. Rồi cô vận động Rơ Mah Chun và những cán bộ khác trong làng Ongol dời nhà về xung quanh. Dần dà, thấy vị trí mới thuận tiện đi lại, cao ráo, thoáng mát, cả làng Ongol dời lên đỉnh đồi luôn và hình thành làng Ongol mới hiện nay.

 

Với biện pháp “mình làm trước” ấy, “mế Phúc” lên huyện học kỹ thuật, xin vay vốn đưa về làng trồng cà phê, trồng tiêu. Rồi những vụ mùa đầu tiên đem về lợi nhuận khiến buôn làng tin tưởng, cộng với sự vận động của Rơ Mah Chun, cả làng Ongol phát động trồng tiêu, cà phê… để thoát nghèo.

 

Đổi thay

 

Làng Ongol những ngày đầu năm Canh Dần đã hoàn toàn thay đổi. Những căn nhà xây kiên cố nằm san sát nhau, chạy dài hai bên con đường láng nhựa giữa làng. Nhà nhà đều có tivi, tủ kiếng, xe máy, xe công nông…

 

Già Rơ Mah Chun lại dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng Ongol mà làng vừa khai phá. Chỉ vào cánh đồng lúa nước bạt ngàn, anh Rơ Lan Vốch hồ hởi: “Chờ nhà nước thì lâu, người làng Ongol tự hùn tiền thuê máy xúc, đắp đập, be bờ, lấy nước từ con suối Ia Rlai về làm nên cánh đồng này”.
 
Đổi thay ở vùng đất mới… - 3

 

Rời làng Ongol, chúng tôi còn nghe Rơ Lan Vốch kể về ngôi nhà kỷ lục giá 500 triệu đồng vừa được người làng đổ móng. Anh bảo: “Sang năm kỷ lục này cũng bị phá thôi. Cuối làng có người định xây cái nhà đến 700 triệu kia”.

 

Không thể nói Ongol là làng giàu nhất đại ngàn, nhưng sự thay đổi nhanh chóng của Ongol có thể nói là thần kỳ, là một sự lột xác. Năm nay, người Gia Rai ở Ongol có một cái tết sung túc mà 10 năm trước họ có mơ cũng không thấy được…

 

Tùng Nguyên