Đổi tên Cục Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển
(Dân trí) - Nghị định 96/2013 sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2009 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành hôm qua, chính thức thay đổi tên gọi Cục Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu có hình quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội; kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp và được ghi riêng một mục trong tổng kinh phí hoạt động của Bộ Quốc phòng.
Tư lệnh, Chính ủy, Phó Chính ủy và các Phó Tư lệnh Cảnh sát biển do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Nghị định 86 cũng chỉ quy định nguyên tắc “Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển”. Nghị định mới thể hiện chi tiết “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về quản lý Nhà nước đối với lực lượng Cảnh sát biển, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển”.
Cũng theo Nghị định 96/2013, cụm từ "Cục Cảnh sát biển" được thay đổi thành "Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển"; "Cục trưởng Cục Cảnh sát biển" thay đổi thành "Tư lệnh Cảnh sát biển" (khoản 2 Điều 5). Điều 4 về tên giao dịch quốc tế được sửa từ “Vietnam Marine Police” thành “Vietnam Coast Guard”.
Thành lập ngày 28/8/1998, biên chế ngày đầu của Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam có 5 phòng với 34 người; 2 Vùng CSB (Vùng CSB1 và Vùng CSB4), với chức năng, nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự an toàn và đảm bảo việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Đến nay CSB Việt Nam đã có 4 vùng, 13 cơ quan chức năng, 4 cụm đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma tuý và 2 cụm trinh sát, được trang bị nhiều tàu xuồng cao tốc các loại, máy bay Casa 212 và nhiều loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại… |
P.Thảo