1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đời tảo tần sau gánh lá mùng 5

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, cứ đến Tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch) lại thấy những gánh lá mùng 5 tảo tần trên phố. Đằng sau đó là nỗi nhọc nhằn mưu sinh của những người phụ nữ chuyên băng rừng, vượt đèo đem lá mùng năm về phố.

Những hàng lá mùng năm thường thấy trên phố trong dịp Tết Đoan ngọ
Những hàng lá mùng năm thường thấy trên phố trong dịp Tết Đoan ngọ

Hôm nay là mùng 5 tháng 5 nhưng từ hôm kia, hôm qua, mới mùng ba, mùng bốn, dọc những lối vào các chợ, dọc phố phường đã rộn ràng những hàng gà vịt, những xâu bánh ú tro… và những hàng lá mùng năm. Chúng tôi ghé vào một hàng lá bên mé chợ Hàn, trên tuyến đường Bạch Đằng (Đà Nẵng), câu chuyện trở nên sa đà với những tên lá, những chuyến băng rừng, vượt đèo tìm lá.

Một trong những người bán lá mùng năm ở hàng này, bà Nguyễn Thị Học nói: “Tui ở tuốt trên Hòa Phong, Hòa Vang. Không cứ chi Tết Đoan ngọ mà tui đi buôn lá quanh năm. Cứ một chuyến đi rừng xong là một chuyến chở lá đi cùng (đi khắp nơi) Đà Nẵng - Quảng Nam bỏ cho mấy mối quen rồi bán lẻ. Xong rồi lại đi rừng. Để chuẩn bị lá bán mùng năm, chuyến đi rừng của bọn tui lâu hơn, cả tháng ròng rã để gom được hàng lá lớn. Cả năm được nhất mấy ngày ni mà”.

Bạn đồng hành trong những chuyến đi rừng tìm của bà Học là bà Mễ. Cả hai bà năm nay đều “thiếu một năm nữa là 60 tròn”. Vậy mà chuyện kể về những chuyến đi rừng của họ nghe như việc của thanh niên trai tráng. Bà Mễ kể chuyện đợt đi rừng mới rồi, cứ 4-5h sáng là đi, tới 9-10h đêm về tới nhà. Cả hơn tháng trời như thế. Đường rừng xấu khó đi, có đoạn phải bám trên vách núi mà leo. Có bữa trượt chân té. Đi rừng cắt lá phải có đôi, có hội là vì như thế. Một mình giữa rừng thẳm biết đâu mà lường...

Bà Học và bà Mễ đã đồng hành đi rừng hái lá mang về phố bán từ mấy mươi năm nay
Bà Học và bà Mễ đã đồng hành đi rừng hái lá mang về phố bán từ mấy mươi năm nay

Họ đi khắp các núi ở Hòa Vang, rồi có khi “nhảy tàu” lên đèo Hải Vân. Những chuyến “nhảy tàu” như cơm bữa với họ, có người nghe sẽ rùng mình. Một chuyến buôn lá bán hết thường chỉ được mấy trăm nghìn, chưa tròn được một triệu mà mất cả tháng trời. Tiền ấy để phụ cơm ngày hai bữa cho gia đình đã chật vật, lấy đâu cho chi phí đi lại. Vậy là, để đỡ được một đoạn dài đường đèo, để lên tới đỉnh và tìm đường xuống rừng, họ “nhảy tàu”. Biết giờ tàu chạy, họ tập trung đâu đó dưới chân đèo, đợi những chuyến tàu chợ, chạy với tốc độ chậm đi qua, họ nhảy lên những thanh nối giữa hai toa tàu. Ngồi im trên đó, chừng tới đoạn có lối xuống rừng là… nhảy xuống.

Chuyện như phim hành động, nhưng bà Học vẫn cười hiền lành: “Tui theo nghề từ hồi còn trẻ kia. Chẳng nhớ rõ là bao nhiêu năm rồi. Có lẽ phải hơn ba mươi năm. Nên tui quen rồi. Ruộng đồng không có thì mình phải xoay đủ kiểu mà mưu sinh. Cực thì cực chứ không làm thì lấy chi mà ăn”. Đổi lại những nhọc nhằn, niềm vui của bà Học là vợ chồng bà nuôi được bốn đứa con nên người.

Mới đầu khi chúng tôi xin phép ghi hình, bà Học, bà Mễ xua tay: “Bọn tui đen thui, xấu hoắc à. Có chi đẹp mô mà chụp hình. Dị òm con ơi”. Nhưng chúng tôi đã thuyết phục được họ bằng câu nói rất thật lòng: “Đâu có, mấy dì đen đẹp mà”. Họ đẹp thật, dẫu nghèo khó vẫn tần tảo ngược xuôi mưu sinh lương thiện bằng chính sức lao động của mình.
 
Lá mùng năm có nhiều loại lá như rễ thanh, ngải cứu, hà thủ ô…, thường có những công dụng như thuốc nam.
 

Những loại lá mùng năm thông dụng

Những loại lá mùng năm thông dụng

Những loại lá mùng năm thông dụng
Những loại lá mùng năm thông dụng
 
Theo tục của người Quảng Nam, Đà Nẵng, trong ngày Tết Đoan ngọ, vào đúng trưa thì đi hái lá. Lá đó đem phơi khô rồi cất trong tủ thuốc gia đình, phòng khi ốm đau. Ngày Tết Đoan ngọ gắn liền với truyền thuyết về về Khuất Nguyên, vốn là một thần y, nên người ta tâm niệm những lá thuốc nam hái được trong ngày này rất hiệu nghiệm.
 
Ở thành phố ngày nay, ít người đi hái lá mùng năm, nhưng vẫn giữ tục lệ bằng việc tìm mua lá mùng năm trong dịp Tết Đoan ngọ.
 
Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm