Quảng Nam:
Đói rét đe dọa hàng chục ngàn dân
(Dân trí) - 16.000 dân huyện miền núi Nam Trà My bị cô lập nửa tháng nay đang thiếu đói trầm trọng, trong khi đó, 50 tấn gạo và nhiều hàng hoá cứu trợ vẫn bất lực nằm chờ. Thương nhất là 2.500 học sinh không thể về nhà, phải vắt vẻo chịu đói rét ở trường.
Khốn khó trăm bề
Chiều ngày 5/12, ông Nguyễn Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Trong khi tỉnh và huyện đang cố gắng tập trung toàn lực lượng và phương tiện cứu đói cho bà con các xã bị cô lập trường kỳ hơn nửa tháng qua, thì suốt đêm 4/12 đến hôm nay, mưa lại tiếp tục hoành hành gây khó khăn cho công tác khắc phục sạt lở, ách tắc giao thông và công tác vận chuyển hàng cứu trợ về các xã vùng cao huyện Nam Trà My.
Hiện, 7 tuyến từ trung tâm huyện về các xã Trà Vân, Trà Don, Trà Leng, Trà Can, Trà Ka, Trà Linh và Trà Vinh hoàn toàn bị ách tắc. 21 cầu treo nối về các xã bị lũ cuốn trôi. Hệ thống thông tin liên lạc từ các xã trên bị tê liệt, may mắn hiếm hoi mới bắt được sóng điện thoại của điện lực. 4 đoàn công tác của huyện được cử cắt rừng, băng bộ về các xã kiểm tra nắm tình hình đã hơn 10 ngày nay vẫn chưa thấy về.
Điều đáng lo ngại là nếu mưa lớn tiếp tục hoành hành như hiện nay, hàng chục ngàn dân trên các đỉnh núi huyện Nam Trà My sẽ thiếu đói trầm trọng. Trong khi đó, giao thông tê liệt, công tác cấp cứu người bệnh phải băng bộ hết sức khó khăn. Đã có 2 trường hợp người bệnh chết trên đường đi cấp cứu là 2 vợ chồng bà Hồ Thị Nga, người dân tộc Ca Doong, trú thôn 3, xã Trà Mai.
Được biết, Trà Mai là xã tương đối gần trung tâm huyện, còn 7 xã đang bị cô lập, mất liên lạc hoàn toàn, không nắm được tình hình. Dân đang thiếu đói trầm trọng, trong khi đó, 50 tấn gạo và nhiều hàng hoá cứu trợ vẫn bất lực nằm chờ tại kho trung tâm huyện.
Vận chuyển hàng cứu trợ về các xã chỉ còn cách vận động lực lượng gùi lương thực về xã cứu đói cho dân nhưng trong thời tiết mưa gió thì ngay cả phương án này cũng bất khả thi. Vì trong điều kiện thời tiết bình thường đã mất cả ngày trời mới đi bộ được từ trung tâm huyện về các xã. Còn trong điều kiện thời tiết hiện nay, đường xá lại lầy lội, lương thực gùi trên lưng chưa về đến nơi đã dùng hết. Đó là chưa kể sạt lở đất rừng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cơm độn sắn cầm hơi, nhai trầu không chống lạnh
Trong 2 ngày 3/12 và 4/12, chính quyền địa phương đã tranh thủ thời tiết nắng ráo, vận chuyển 2 tấn gạo cứu trợ khẩn cho 600 học sinh nội trú tại trường THPT huyện Nam Trà My, còn hàng ngàn học sinh bán trú tại các trường chưa kịp cứu trợ. Nếu cứ đà mưa như hiện nay, thì gần 3.000 học sinh và cán bộ, giáo viên các trường bán trú trên địa bàn huyện tiếp tục phải sống trong đói, rét.
Không có gạo ăn, người dân lót dạ bằng rau rừng.
Trao đổi với PV Dân trí , thầy Lê Công Vinh (Trường THCS bán trú cụm xã Trà Vinh - Trà Vân) cho biết: Hơn 200 học sinh và cán bộ, giáo viên của trường trong thời gian bị mưa lũ chia cắt phải ăn cơm độn sắn với mắm cái dự trữ và mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Thời tiết giá lạnh nhưng các em học sinh hầu như chỉ phong phanh một tấm áo trên người. Đêm, các em phải nghĩ đến cách nhai lá trầu cho đỡ lạnh.
Mưa lũ còn diễn biến phức tạp, đói rét nguy kịch không chỉ đe doạ 3.000 thầy, trò các trường tại Nam Trà My mà công tác cứu đói cho 16.000 dân ở đây tiếp tục rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”.
Xã Trà Tập, cách trung tâm huyện Nam Trà My chưa đầy 5km, trong điều kiện thuận lợi, có thể đi bộ về xã mất hơn 1 giờ đồng hồ đến được trung tâm xã và đi bộ nửa ngày thì về được đến các thôn gần nhất của xã bằng lối cắt rừng đi bộ nhưng trời mưa lầy là mất lối đi.
Trời nắng, dân có thể gùi lương thực cứu trợ cắt rừng, đi bộ về xã nhưng mưa thì vô phương.
Chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết: Toàn xã có 405 hộ gia đình với hơn 2.000 nhân khẩu. 2 tấn gạo huyện cứu trợ về xã vẫn không thấm đủ cứu đói cho dân. Thương nhất là trong ngày mưa lũ, toàn bộ lúa, hoa màu trên các rẫy của bà con bị lũ cuốn trôi, các hộ dân ở đây phải vào rừng tìm rau củ về ăn cầm hơi chống đói. Chúng tôi xót lòng nghĩ dân Trà Tập còn khổ vậy, đến như các xã bị cô lập, mất đường về huyện hơn nửa tháng nay, dân khổ đến tận đâu!
Trao đổi với Dân trí chiều ngày 5/12, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Tỉnh đã chi khẩn 1,2 tỷ nhằm tập trung, huy động tối đa lực lượng và phương tiện khắc phục tình trạng ách tắt giao thông tại các xã Nam Trà My. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, không nguy hiểm tính mạng, địa phương sẽ huy động lực lượng thanh niên tìm đường gùi gạo cứu đói về cho bà con các xã bị cô lập.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1.500 tấn gạo và 15 tỷ đồng cứu đói, cứu rét cho dân, khắc phục hậu quả mưa lũ. |
An Sơn - Khánh Hiền