Đối phó Covid-19 theo chiến lược của một nước còn nghèo
(Dân trí) - Chiến lược đối phó dịch của một nước còn nghèo là buộc phải ngăn chặn để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không thể cứ xuất hiện 1 ca bệnh mới là “đóng băng” cả tỉnh...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhấn mạnh quan điểm này tại cuộc làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh phụ trách Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo, kiến nghị về công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống, dịch bệnh Covid-19 của Bộ đội Biên phòng (từ 2/2 đến 7/8/2020).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khái quát, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch. Đợt đầu tiên khởi phát từ sát Tết Nguyên đán (ca bệnh nhập cảnh từ Trung Quốc) với tổng số 16 ca. Đợt 2, bắt đầu từ ngày 7/3, với ca bệnh xâm nhập từ châu Âu trở về (BN17) lan ra hơn 124 ca trong cộng đồng (tất cả các ca đều được chữa khỏi, không có người tử vong).
Đợt dịch thứ 3 bùng phát từ Đà Nẵng từ ngày 25/7, chỉ qua hơn 2 tuần đã ghi nhận hơn 400 trường hợp bị lây nhiễm, 15 người tử vong...
Cả nước đang phải dồn sức cho Đà Nẵng để dập dịch nhanh nhất có thể, giảm thiểu các ca tử vong, không để dịch bệnh lan rộng.
Bước vào đợt dịch thứ 3 này, Việt Nam phải đối mặt với sức ép rất lớn vì không thể “bế quan tỏa cảng” mà phải thực hiện mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam tiếp tục đón các chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài vào làm việc.
Khi có ca nhiễm mới ở Đà Nẵng, quan điểm chỉ đạo thống nhất là, không thể cứ xuất hiện 1 ca bệnh mới là đình chỉ mọi hoạt động, “đóng băng” cả một huyện, một tỉnh. Chủ trương của Việt Nam là phát hiện ở đâu, khoanh vùng ở đó, khoanh vùng nhỏ nhất có thể bởi nếu tê liệt thì không phát triển được kinh tế, càng lâu dài càng nguy hiểm.
Chiến lược đối phó với dịch bệnh của một nước còn nghèo, theo Phó Thủ tướng là buộc phải ngăn chặn để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Do đó các lực lượng công an, quân đội, trong đó có lực lượng Biên phòng tiếp tục phải “căng ra” để quản lý người nhập cảnh, đồng thời chúng ta cũng phải tập dượt các phương án để sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi xuất hiện tình huống mới.
Với tuyến biên giới đường bộ dài hơn 5.000 km, lực lượng mỏng, song các tổ, chốt kiểm dịch của Bộ đội Biên phòng đã hoạt động hiệu quả liên tục 8 tháng qua là một cố gắng phi thường.
Để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, lực lượng biên phòng đã hết sức trách nhiệm, không quản khó khăn, hy sinh lợi ích riêng để phục vụ cho lợi ích chung của Tổ quốc. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ bố mất, mẹ mất không thể về chịu tang. Nhiều đồng chí, vợ sinh con đầu lòng không thể về thăm. Hàng chục chiến sĩ trẻ phải tạm hoãn lại việc tổ chức sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời là xây dựng gia đình, thậm chí nhiều đồng chí còn phải hoãn cưới tới lần thứ hai để bám chốt cùng đồng đội. Rồi chưa kể những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn mọi bề khi phải ngủ lán, nằm rừng, bất kể mưa nắng ngăn chặn dịch bệnh.
Đến thời điểm hiện tại, các con số thống kê của Bộ đội Biên phòng cho thấy, số người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua biên giới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, còn lại tuyệt đa số là người Việt Nam, trong số đó có tới 60% là cư dân biên giới, nhiều người rất nghèo, chủ yếu qua lại biên giới để làm thuê kiếm sống.
Xác định dịch bệnh còn kéo dài, tinh thần là phải “chung sống an toàn với dịch”, Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng Biên phòng phải tiếp tục động viên cán bộ, chiến sĩ tiếp tục bám chốt. Bộ Quốc phòng phải chuẩn bị phương án đảm bảo đầy đủ vật chất, điều kiện làm việc, sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ trong thời gian dài. Bây giờ đang mùa nóng đã phải tính đến mùa đông, thời tiết mưa rét.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh có đường biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng tổ chức các tổ công tác gồm nhiều lực lượng hình thành nhiều lớp, quản lý chặt người xuất, nhập cảnh.
Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh kiếm soát chặt chẽ những người xuất nhập cảnh cũng như những người cư trú trên địa bàn dân cư, đảm bảo tất cả các đối tượng nhập cảnh vào theo diện chuyên gia, lao động kỹ thuật cao đều được thực hiện các biện pháp kiểm dịch, cách ly theo đúng quy định. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp lợi dụng chính sách để đưa người nhập cảnh trái phép, nhất là tại các khu công nghiệp; điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.