Thừa Thiên Huế
“Đợi nước rút bố sẽ đưa con đi bệnh viện…!”
(Dân trí) - Tuy “cơn đại hồng thủy” đã qua nhiều ngày nhưng rất nhiều thôn, làng của tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn bị cô lập. Người dân phải dùng thuyền để di chuyển, tiếp tế lương thực cho bà con vùng lũ.
Trong những ngày vừa qua, tình hình mưa lũ ở miền Trung nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế đang diễn biến hết sức phức tạp do ảnh hưởng liên tiếp của hoàn lưu các cơn bão số 6, 7.
Từ ngày 8/10, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa lớn khiến các con sông dâng lên rất nhanh. Chính điều này đã khiến cho các làng vùng trũng của TP. Huế và huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Thị xã Hương Trà… nước ngập đến nửa nhà.
Tuy mưa đã giảm bớt nhưng một số địa phương vẫn có người dân cô lập và phải dùng thuyền để đi lại, tiếp tế lương thực.
Ngày 15/10, phóng viên Dân trí đã đi vào vùng lũ của xã Phong An (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế), hết sức bàng hoàng trước cảnh điêu tàn, tan tác do dòng lũ tàn phá.
Ngay từ Quốc lộ 1A rẽ vào thôn Vinh Hương (xã Phong An, huyện Phong Điền), chúng tôi đi xe máy khoảng vài cây số là phải dừng xe vì đường bộ bị ngập từ 4 – 6m. Được biết, thôn Vinh Hương là một trong những thôn ngập nặng và hiện tại đang bị mất điện vì nước vẫn chưa rút.
Hiện nay, phương tiện chủ yếu đi lại để nhận lương thực là những chiếc ghe nhỏ, thô sơ rất nguy hiểm. Là một người lái đò đưa người ra vào thôn Vinh Hương, anh Nguyễn Ngọc Lĩnh cho biết: “Xã đã trang bị một chiếc ghe để vận chuyển những người dân có nhu cầu đi từ thôn Vinh Hương ra xã lấy mua lương thực. Mỗi ngày, một nhóm 4 người thay nhau chèo hàng chục cây số qua lại để đưa người. Tuyến đường giao thông trong thôn giờ đây đã bị nước dâng cao khoảng 4 – 5m. Mặt nước đã nhấn chìm khoảng 3km đường giao thông khiến hơn 20 hộ dân của thôn Vinh Hương vẫn cô lập”.
Chị Nguyễn Thị Toàn (23 tuổi, thôn Vinh Hương) nhớ lại: “Ngay từ tối ngày 9/10, đã xuất hiện mưa lớn trên toàn xã. Lúc này, tôi thấy nước đã dâng đến bậc thềm nên chủ động dọn đồ đạc, quần áo lên cao. Càng về đêm, nước ngày một lớn nên gia đình đóng cửa ngủ. Bừng tỉnh giấc lúc 1h sáng ngày 10/10, nước đã ngập đến chân giường, tôi vội bến 2 đứa con chạy sang nhà hàng xóm để gửi. Rồi cùng bố mẹ già vác 5 tạ lúa chất nên đồi cao sau nhà để tránh ướt.”.
“Khi xong việc, tôi quay sang nhà hàng xóm rồi ôm đứa con vào lòng, nước dâng lên cao theo từng giờ. Đến sáng thì nước đã ngập đến nữa nhà. Khoảng 2 ngày sau nước mới giảm dần. Đến ngày nay nước đã rút hết nước nên 3 mẹ con mới dám về nhà.”, chị Toàn cho biết.
Xót lòng nhất là hoàn cảnh gia đình anh Phạm Văn Phương (41 tuổi, thôn Vinh Hương, xã Phong An) bị lên cơn đau ngực nhưng nước lên cao nên không đi bệnh viện được mà tử vong. Lúc con phát bệnh, ông Phạm Văn Ký đã 85 tuổi chỉ biết ngồi động viên con: “Con ơi cố gắng lên, đợi nước rút rồi bố sẽ nhờ hàng xóm đưa con lên bệnh viện”. Mưa lớn đổ, nước cứ dâng rồi anh Phương cũng lịm dần trong nỗi đau quằn quại. Vài giờ sau, anh Phương đã tử vong tại nhà.
Ông Ký gạt nước mắt nói: “Tôi đã cố gắng xoa dầu, bóp ngực để cho con trai đỡ đau, đợi nước rút sẽ đưa đi bệnh viện nhưng không kịp. Hai cha còn sống bám vào nhau, giờ đây nó đi bỏ lại mình tôi lủi thủi trong căn nhà cô đơn này”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An cho biết: “Do áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 8/10 trở đi xuất hiện mưa lớn. Nước từ sông Bồ dâng cao lên khoảng 2,5m, mức nước lên mức đạt đỉnh báo động 2. Đến ngày 10/10, mức nước tiếp tục lên đỉnh mức báo động 3. Chính lượng mưa lớn đã khiến nước tại các nhánh sông dâng cao, ngập vào nhà dân. Mưa lũ đã cuốn trôi mẹ con sản phụ tại thôn Phường Hóp khi đang trên đường đi sinh. Đồng thời, do mực nước dâng cao đã khiến cho anh Phương bị bệnh nhưng không kịp lên bệnh viện mà tử vong tại nhà. Nhiều hoa màu, tài sản của người dân bị hư hại nặng”.
“Hiện nay, chúng tôi đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ kéo dài. Hiện nay còn thôn Vinh Hương chưa có điện và ngập sâu nhất, phương tiện lưu thông chỉ là thuyền. Chính vì vậy, xã đã chỉ đạo người dân dùng thuyền kiên cố đế cung cấp lương chức cho người dân vùng cô lập. Đồng thời, ngăn chặn người dân đi lại vùng ngập sâu. Kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân”, ông Phước cho biết thêm.
Theo ghi nhận trong ngày 15/10, TP. Huế còn một số điểm nước ngập gây khó khăn cho người dân đi lại. Đặc biệt, đoạn Đường Nguyễn Sinh Cung (TP. Huế) lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương xử lý bùn trên mặt đường và ngăn chặn người dân đi qua lại bờ đập ở cuối đoạn sông Hương. Còn một số thôn, làng thuộc các huyện: Phong Điền, Quảng Điền vẫn đang ngập nặng, nhiều nơi người dân bị cô lập.