Đời nghèo trên sóng nước Avương
(Dân trí) - Khi đập thủy diện Avương ngăn con nước, thôn Z’lao, xã Dang huyện miền núi Tây Giang không khác gì một bán đảo. Ba hướng là nước bao bọc, sau lưng là núi cao dựng đứng. Con đường đi bộ độc đạo bao đời nay giờ chìm sâu trong nước.
Không có đường, người dân bắt đầu mua sắm ghe tôn, tự làm bè mảng và tự học cách chèo lái để phục vụ việc đi lại. Hằng ngày, có chục chuyến đò qua hồ Avương mêng mông sóng nước. Mối nguy hiểm luôn rình rập họ, nhất là khi có mưa to, gió lớn. Dù biết là vậy nhưng phải đi vì họ không còn con đường nào khác.
Gần 30 phút đi ca nô qua hồ, chúng tôi tới bến đò Z’lao. Từ đây, lội ngược lên con dốc thẳng đứng gần 1 giờ nữa mới đến được đỉnh đồi Arâl, nơi bà con đang sinh sống. Nghe tin cán bộ đến bà con mừng lắm, họ tập trung hết tại Gươl làng từ già lẫn trẻ vui vẻ chào đón bắt tay chúng tôi.
Từ trên cao nhìn xuống hồ thủy điện Avương hiện ra hùng vĩ, mêng mông sóng nước. Xa xa nhưng chiếc ghe tôn như chiếc lá tre di động. Tôi hỏi bà con mình định canh ở đây lâu chưa, già làng Hốil Tiếp bảo mình mới về đây mấy năm. Trước đây, bà con mình sống rải rác dọc con sông Avương vì đất đai ở đây bằng phẳng màu mỡ, có phù sa bồi đắp nên cây trông tốt tươi. Ở đây có thể trồng cây bắp, cây lúa nước.
Nhưng tháng 8/2003, khi công trình thủy điện Avương khởi công, người dân buộc phải rời bỏ làng lên định cư trên ngọn đồi Arâl này vì nơi đây cao ráo, nước không ngập tới được. Tháng 7/2008, thủy điện bắt đầu tích nước, làng cũ ngập nước và con đường đi bộ bao đời nay cũng ngập theo.
Trưởng thôn Bhling Ngói cho biết, thôn Z’lao có 45 hộ với 178 nhân khẩu. 100% là đồng bào Cơtu. Khi người dân lên đây định cư, cuộc sống bà con rất khó khăn vì đất sản xuất bạc màu, đá nhiều khó canh tác. Người dân chỉ làm lúa rẫy, năm nào thôn cũng thiếu lúa, phải nhờ nguồn cứu trợ của huyện, tỉnh.
Họ sống dựa vào nương rẫy và tự cung tự cấp là chính vì thương lái không vào đây mua bán. Muốn có cá, thịt, hạt muối, chai dầu ăn, gói mì chính thì phải chèo ghe qua hồ thủy điện, rồi dùng xe máy ra tận Asờ (huyện Đông Giang) hay chạy ngược lên trung tâm xã để mua.
Khó khăn nhất hiện nay là việc đi lại của người dân và học sinh đi học ở trường xã. Ông Ngói cho biết, cả thôn chỉ 8 chiếc ghe nhưng bây chừ chỉ còn 3 chiếc. 5 chiếc chết máy và bị chìm. Anh Alăng AHôi - một trong 3 chủ ghe cho biết, mỗi ngày có cả chục lượt người qua lại, mỗi người chỉ thu 5 ngàn đồng chỉ đủ mua dầu, nhớt.
Bình quân chạy 5 chuyến mỗi ngày. Mỗi chuyến chở được tối đa 6 người. Ghe ở đây được bà con mua từ các xưởng cơ khí Đà Nẵng lên với giá từ 11-13 triệu đồng/chiếc. Vật liệu được làm bằng tôn, gắng động cơ đẩy phía sau và kèm theo cần lái. Ghe ở đây nhẹ hơn ghe gỗ nên dễ lật, rất nguy hiểm. Đã có trường hợp gió to ghe lật nhưng may mắn không ai đuối nước...
Thôn Z’lao là thôn có nhiều cái không: không đường, không điện, không trạm y tế, trường học thì tạm bợ, nắng dọi mưa dột. Học sinh ở đây học xong lớp 4 thì phải lên trung tâm xã học cách nhà gần chục cây số. Điểm trường thôn có 29 em học sinh với 2 giáo viên là người địa phương từ xã vào dạy.
Thầy Poloong Mum nhiều năm dạy học ở đây bảo, vô đây dạy thì có khi cả tháng mới về nhà vì đi lại bằng ghe nguy hiểm quá. Còn già làng Hốih Tiếp cười bảo làng mình sống gần thủy điện mà có thấy điện đốm chi mô, nhường đất đai hoa màu làm cái thủy điện to mà chừ làng mình vẫn thắp đèn dầu...
Trước những khó khăn của người dân nơi đây, huyện Tây Giang đã kêu gọi nhiều nguồn đầu tư để mở một con đường công vụ cho bà con đi lại. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Dang cho biết, sau nhiều lần kiến nghị, đầu năm 2017, huyện Tây Giang đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để mở một con đường công vụ dài khoảng 12 km nối với đường chính đi xã.
Sau gần một năm thi công thì hoàn thành được khoảng 3 km, 9 km còn lại không có tiền làm. Nói là đường nhưng nó chỉ đảm bảo cho việc đi bộ, còn xe máy ô tô thì không đi được. Những đợt mưa liên tiếp do ảnh hưởng con bão số 12 vừa qua đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, giờ tắc đường luôn.
Ông Tâm cũng cho biết thêm do không có vốn nên chỉ mở đường công vụ thôi, nếu làm bài bản mất cả chục tỷ như chơi. Tây Giang huyện nghèo làm chi có tiền làm. “Người dân mình chừ có đường cũng như không vì đi lại quá xa và đường đã tắc, 12 cây số đi bộ hết cả buổi đường. Không còn cách nào khác người dân lại tiếp tục đi lại bằng ghe. Những ngày mưa bão, xã phải cử cán bộ xuống, rồi hỗ trợ áo phao hướng dẫn họ mặc cho an toàn. Còn điện lưới quốc gia chắc không dám mơ tới, không đường thì làm chi có điện lưới được”, ông Tâm nói.
Khi làm việc với thôn mới đây, ông Bhling Mia - Chủ tịch huyện Tây Giang cam kết, dù khó khăn mấy cũng phải đảm bảo giao thông cho bà con, ít nhất là có thể đi lại bằng xe máy vào mùa nắng. Nếu khó khăn quá, huyện sẽ mua canô để đưa bà con qua hồ thủy điện, chứ để dân lênh đênh sông nước không an toàn.
Ông Mia cũng cho biết thêm huyện đã có kiến nghị lên tỉnh, trung ương xem xét hỗ trợ huyện hoàn thiện cơ sở hạ tầng miền núi, nhất là giao thông liên xã, liên thôn, mặt bằng bố trí dân cư ổn định sản xuất, trong đó có thôn Z’lao.
Đ.Hiệp - C.Bính