1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Đời mót quặng lậu

(Dân trí) - Họ, những người nông dân thực thụ, từ tứ xứ đổ về sống bám vào những mỏ quặng. Có người vì cái nghiệp cha truyền con nối, có người vì gánh nặng mưu sinh, lại có người bỏ làng vào rừng sâu chỉ mong kiếm chút tiền cho con ăn học…

Đời mót quặng lậu - 1
    

 

Theo chân người mót quặng lậu  

 

“Không chụp hình, không ghi âm, không quay phim… nếu muốn theo chân tụi tui!”. Mệnh lệnh đó được đưa ra bởi những người thợ mót quặng ở Bắc Trà My, Quảng Nam.

 

Ngược từ thị trấn Bắc Trà My chúng tôi vượt gần 10 cây số băng đường rừng, qua bao con đèo, bao con dốc, núi cao vực thẳm để đến được bãi quặng, nơi hành nghề của những người mót quặng lậu. Gọi họ như thế bởi mấy năm trở lại đây, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Nam đã ra thông báo cấm khai thác quặng trái phép khi chưa có sự đồng ý của các cơ quan chức năng.  

 

Hành trang của họ chỉ là những chiếc cuốc, chiếc dao, những bao bì và cả những gói mỳ tôm, lương khô, nước uống, chiếc võng để ngả lưng giữa rừng sâu.

 

Anh Ngọc Phùng, một thợ quặng lâu năm, cho hay thời điểm này còn đỡ chứ vào mùa mưa kéo dài, đường trơn, gió rét, mưa rừng muỗi vắt đáng sợ hơn cả, có nhiều người chưa tới bãi quặng đã phải “nằm lại”, có người đi được nửa đường khổ quá lại bỏ về. Gần chục năm mót quặng lậu, anh Phùng cũng rút được nhiều kinh nghiệm trong nghề, sống chung với rừng sâu, nguy hiểm bây giờ miết rồi cũng thành quen. Quê ở mãi tận Phú Ninh, nhà nghèo, không ruộng vườn, để có tiền nuôi con ăn học anh đã phải lặn lội hết vào Nam lại ra Bắc làm đủ nghề kiếm sống, trôi dạt mãi rồi bám trụ lại với mưa nắng rừng hoang.

 

Chúng tôi đi qua những đoạn mương vòng vèo, cong quắt đã được các thợ quặng xới, bới tan nát. Mỗi kg quặng bán được có giá từ vài chục ngàn đồng trở lên. Mồ hôi nhễ nhại mà vẫn run vì lạnh, anh Nguyễn Thanh, một tay thợ mót quặng có thâm niên trong nghề bật mí: “Quặng bây giờ khan lắm, xới mãi rồi cũng cạn. Phải chịu khó thì mới sống được với nghề này. Quặng thường có nhiều ở các con mương, cạnh con suối nước đục ngầu, bới trong bùn ra mà đãi”.

 

Cả ngày ngâm mình trong bùn nhão, nước bẩn, khắp chân, tay anh Thanh đầy những vết lở loét và sẹo. Đó cũng là tình trạng chung của các tay thợ quặng lậu này trong nhóm. Vất vả thế nhưng bữa cơm của những người mót quặng lậu chỉ là cơm trắng với rau rừng, măng rừng; sang lắm thì mới có cá khô kho mặn, ưu tiên cho con trẻ và người có tuổi.

 

Đêm dần buông, trong rừng sâu, cái lạnh, muỗi rừng, vắt, rắn rết bủa vây những người mót quặng nghèo. Họ vẫn ngủ ngon lành trên những chiếc võng mang theo, kết thúc một ngày làm việc miệt mài, mệt mỏi. “Cả ngày ni quần quật lặn lội thế mà cũng chỉ được chút đỉnh, không biết rồi lấy tiền mô mà gửi ra cho con nó đóng học phí cho kỳ học mới”, anh Tịnh buông lời than thở.

 

Sợ nhất bị truy quét

 

Thời gian qua, do sự khai thác ồ ạt, không kiểm soát được của các lực lượng đào bới quặng lậu trong các bãi quặng ở Bắc Trà My nên lượng quặng bị hao hụt nhiều. Đứng trước tình trạng đó, Sở Tài nguyên và môi trường huyện Bắc Trà My mỗi năm đã chi gần 100 triệu đồng cho việc truy quét các nhóm mót quặng lậu.

 

Những người mót quặng lậu sống trong rừng sâu, họ đã quá quen với sự âm u của núi sâu vực thẳm, của những đợt sốt rét, của những lần bị rắn độc cắn hay sự sạt lở của núi cao. Nhưng với họ, không có gì đáng sợ hơn “tiếng chân rục rịch, tiếng súng nổ, những lần rượt đuổi, truy quét của các lực lượng liên ngành” – như lời anh Tịnh nói. Cứ mỗi lần nghe thấy những âm thanh đó, họ lập tức bỏ lại tất cả, bỏ chạy thục mạng vào rừng, càng sâu càng tốt. Có khi để trốn chạy, họ phải “nằm chìm” trong rừng cả tuần lễ, phải gặm cây rừng, uống nước mưa sống qua ngày.   

 

Trong đoàn mót quặng lậu có em Nguyễn Ngọc Nga, 15 tuổi, quê ở xã Tam Vinh -  Phú Ninh, vào nghề được mấy năm nay. Nga học giỏi nhưng nhà nghèo, cha mẹ bệnh liệt giường. Để có tiền chữa bệnh cho cha mẹ, Nga đã phải từ bỏ ước mơ làm thầy giáo của mình để theo nhóm mót quặng lăn lộn giữa rừng sâu. 15 tuổi, đã không ít lần Nga phải chạy trốn thục mạng để tránh sự truy đuổi của bộ đội biên phòng.

 

Không ít người đã phải bỏ mạng trong rừng sâu vì giá rét, vì đói khát bệnh tật. Những nấm mồ xanh nằm rải rác gần những mỏ quặng. Nguy hiểm hơn là những khi mót quặng xung quanh các mẻm núi dễ bị sạt lở; chỉ một chút bất cẩn và thiếu may mắn là bị chôn vùi trong đất bùn đá núi.

 

“Năm nào ở bãi quặng này mà chả có người vùi xác trong đất đá từ trên núi lở sập xuống. Biết là nguy hiểm nhưng nếu không mò vào núi lấy đâu ra quặng, lấy đâu ra tiền mà sống”, một người mót quặng phân bua.  

 

Giữa rừng sâu thẳm, giữa bạt ngàn núi rừng, đâu đó vẫn còn tiếng chân bì bõm lội nước, tiếng ục ục của những ca đãi quặng, tiếng í ới của những người bới quặng gọi nhau. Và đâu đó cũng có những bước chân leo lên núi, lội dưới con suối nước đục ngầu để rồi một đi không trở lại. Tất cả họ - những người mót quặng lậu - sẵn sàng cho tất cả những điều đó, vì kiếp nghèo.   

 

Bá Mạnh