TPHCM:
Đối mặt hiểm họa “thủy thần” vì thiếu vốn chống sạt lở
(Dân trí) - Là địa phương có hệ thống sông, kênh rạch dày đặc, TPHCM đối diện nguy cơ sạt lở rất cao trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi đô thị hóa tăng cao. TP cũng có nhiều dự án chống sạt lở nhưng đang trì trệ vì thiếu vốn.
Dù được cảnh báo sạt lở, nhưng bà con vẫn làm nhà lấn chiếm ra kênh vì chẳng biết đi đâu
Do quá trình đô thị hóa quá nhanh, giá nhà đất tăng cao, dù sống trong các khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhưng người dân cũng không thể di dời đi nơi khác. Việc vận động bà con di dời cũng rất khó vì giá đền bù quá thấp. Thậm chí, có nhiều hộ còn cơi nới, lấn chiếm ra bờ sông, kênh, rạch tại những vị trí có nguy cơ sạt lở cao, dù họ cũng biết là rất nguy hiểm.
Dọc bờ kênh Thanh Đa, khu vực gần cầu Kinh Thanh Đa, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cắm dày đặc các biển cảnh báo sạt lở nhưng khu vực này dân cư vẫn tập trung rất đông, ven bờ kênh người dân xây hàng loạt căn nhà tạm bợ lấn hẳn ra lòng kênh.
Cô Nguyễn Thị Hai, một cư dân đã sống 48 năm tại đây cho biết: “Lo thì cũng lo, nhưng biết dời đi đâu bây giờ. Cứ đến mùa mưa là cán bộ phường xuống nhắc nhở chú ý khi trời mưa to, gió lớn, hay nước triều lên thì cảnh giác, chuẩn bị để có gì là chạy…”.
Do vậy, biện pháp chủ yếu vẫn là dựa vào công tác xây dựng bờ kè chống sạt lở của TP. Trong các năm vừa qua, TPHCM đã đầu tư hàng loạt dự án chống sạt lở ven sông, kênh rạch. Tính từ năm 2008 đến nay thì đã có 9 dự án được đầu tư và 12 dự án chuẩn bị đầu tư trị giá hàng trăm tỷ đồng; trong đó có 1 dự án đã hoàn thành và 2 dự án đang triển khai.
Mới đây, UBND TPHCM cũng chấp nhận chủ trương đầu tư mới 128 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn cho các quận 9, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè với tổng vốn đầu tư là hơn 260 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều cốt lõi hiện nay là vốn. Với mỗi mét chiều dài bờ kè phải đầu tư gần 100 triệu đồng thì để kè hết 20.000m bờ có nguy cơ sạt lở cao, TPHCM phải chi 2.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể các vị trí có khả năng sạt lở.
Do vậy, hiện TPHCM đang áp dụng giải pháp đầu tư từng phần. Với 9 dự án mới đầu tư, TPHCM cũng đã phải đầu tư gần 160 tỷ đồng. Nhưng đến nay thì chỉ có dự án bờ kè Thanh Đa với giá trị đầu tư 40 tỷ đồng là hoàn tất. Hai dự án khác đang triển khai là khu vực cầu Phước Long và cầu Rạch Tôm (tổng trị giá gần 40 tỷ đồng) dự kiến đến tháng 7/2009 sẽ xong nhưng hiện cũng làm cầm chừng vì thiếu vốn.
6 dự án chuẩn bị thực hiện với trị giá gần 80 tỷ đồng dự kiến trong năm nay sẽ khởi công 4 dự án, nhưng đến nay cũng chưa biết được là có khởi công không vì tiền vẫn chưa thấy đâu. 12 dự án đã có chủ trương và chuẩn bị đầu tư thì rất mơ hồ. 128 dự án vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư thì càng xa xôi hơn nữa.
Dự báo, tình hình mưa bão và thủy triều lên xuống năm nay tại TPHCM sẽ rất phức tạp. Do vậy, trước tình trạng các dự án chống sạt lở trì trệ vì thiếu vốn như trên, mối họa trước “miệng thủy thần” của người dân sống ven sông là rất lớn. Từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra 3 vụ sạt lở, lớn nhất là vụ sạt lở ngày 26/5 vừa qua, báo hiệu một mùa mưa đầy “thấp thỏm” của bà con ven sông.
Tùng Nguyên