1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đội "đặc nhiệm" chuyên bảo vệ những chuyến hàng đặc biệt

Những chuyến hàng đặc biệt là tiền, hiện vật giá trị, nhưng đôi khi chỉ là một tập tài liệu nhẹ tênh. Trọng trách đưa "hàng" đi đến nơi về đến chốn là nhiệm vụ của đại đội 3 (C3), Trung đoàn 99, thuộc lực lượng cảnh sát bảo vệ.

Thiếu tá Phạm Văn Tiến, Đại đội phó, cho biết, những người đi áp tải chưa hẳn đã biết rõ về hàng mà mình đang áp tải. Chuyện đi đến đâu, đi trong bao lâu chỉ được biết trước giờ xuất phát. Ấy là lúc họ được các chỉ huy quán triệt nhiệm vụ trước khi lên đường. Sau đó những người chuẩn bị khởi hành sẽ ở vào diện “cấm trại”, cho đến lúc xuất phát. Không ai được gọi điện thoại, không mang điện thoại di động theo chuyến công tác, phương tiện liên lạc duy nhất là máy bộ đàm trực tiếp.

Tùy theo mức độ quan trọng, có chuyến hàng chỉ cần 4-5 người, nhưng cũng có khi đơn vị phải huy động hàng chục chiến sĩ đi áp tải, chưa kể lực lượng công an địa phương, nơi chuyển hàng đi qua, cùng tham gia.

Áp tải hàng hóa đặc biệt, các anh có thể đi bằng bất kỳ phương tiện gì, từ tàu hỏa, ôtô, tàu thủy, máy bay… Được “trang bị tận răng” với đầy đủ súng ống đạn dược nhưng vẫn phải “bên ngoài bình thường, bên trong nghiêm túc” thì mới đảm bảo được tính bí mật.

Thiếu tá Đỗ Duy Nhương, Đại đội phó C3, người đã có hơn 20 năm đi áp tải hàng đặc biệt tâm sự: “Mỗi chuyến hàng là một lần thử thách đầy căng thẳng từ khi lên xe cho đến đích”, anh tâm sự.

Ngày trước do đường sá chưa được cải thiện, những chuyến hàng kéo dài hàng tháng trời là “chuyện thường”. Suốt cả tháng, mấy anh em đi áp tải hàng phải nằm trên nóc container. Các anh phải tự thổi cơm bằng bếp củi, hun khói mù mịt trên nóc xe…

Ông Nhương tâm sự, những chuyến áp tải hàng lên các tỉnh miền núi luôn là nỗi căng thẳng cho người nhận nhiệm vụ. Đã nhiều lần, khi lên đèo, xe ì ạch bò lên trước, các anh phải ôm đá chạy theo sau, phòng trường hợp khẩn cấp thì phải chèn bánh xe.

Theo Công An Nhân Dân