Độc tố trong nước tương, thực hư ra sao?
Hôm qua, 17/5, Viện Phát triển công nghệ - đào tạo và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM tổ chức công bố qui trình sản xuất nước tương sạch. Dường như vấn đề tạo sự quan tâm là độc tố có trong nước tương thực hư ra sao.
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - nguyên giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, Sở Khoa học và công nghệ TPHCM - cho biết:
Từ năm 2001, chúng tôi đã phân tích trên 100 mẫu nước tương được bán trên thị trường và thấy nhiều loại nước tương (kể cả nhập khẩu) có chứa các chất độc thuộc họ cloropropanol. Gần đây một số lô hàng nước tương của ta xuất sang châu Âu không đảm bảo tiêu chuẩn về các chất độc thuộc họ này đã bị ngăn lại và được thông báo khắp các nước thành viên...
Thưa GS, những độc chất gì đã từng được phát hiện trong nước tương?
Chủ yếu là 3-cloro-1,2-propandiol (3-MCPD) và 1,3-dicloro-2-propanol (1,3-DCP). Có thông tin cho biết đây là các hóa chất có khả năng gây ung thư cho người. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng chỉ biết có khả năng gây ung thư thôi, chứ chưa có những thông tin cụ thể vì mới thử nghiệm trên chuột.
Bộ Y tế vừa đưa ra qui định giới hạn hàm lượng tối đa của 3-MCPD trong nước tương, xì dầu, dầu hào không được vượt quá 1mg/kg (1.000 microgram/kg), tức cao hơn gấp 50 lần so với tiêu chuẩn châu Âu. Theo GS, tại sao có sự cách biệt quá lớn về tiêu chuẩn như thế?
Tôi cho rằng bất cứ nước nào cũng có thể qui định ở mức độ vừa phải trong điều kiện sản xuất có khả năng đáp ứng của nước đó, cho đến khi nào qui trình sản xuất hoàn chỉnh hơn, tốt hơn thì nâng cao tiêu chuẩn lên (tức hạ mức giới hạn cho phép xuống). Theo tôi, Bộ Y tế khi đưa ra mức giới hạn 3-MCPD như thế là đã có những tính toán về mặt y học, có thể chấp nhận được trong điều kiện nước ta.
Tôi nghĩ rằng Bộ Y tế đã ban hành qui định giới hạn hàm lượng tối đa của 3 - MCPD trong nước tương, xì dầu, dầu hào như thế là có bước chuyển rất tích cực và thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý trước sức khỏe người dân.
Vấn đề sắp tới phải nhanh chóng tiến hành kiểm tra xem loại nước tương nào không đủ tiêu chuẩn và cần công bố rõ ràng để người tiêu dùng biết.
Kết quả công trình nghiên cứu sản xuất nước tương sạch vừa được Sở Khoa học - công nghệ TPHCM và Xí nghiệp nước chấm Nam Dương (thuộc Saigon Co-op) công bố chiều 17-5. Đây là qui trình sản xuất nước tương sạch không chứa độc chất thuộc họ cloropropanol (3-MCPD, hóa chất có khả năng gây ung thư), được nghiên cứu từ 6-1999 đến nay, bảo đảm được sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời mở rộng triển vọng xuất khẩu nước tương sang các nước châu Âu.
Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học - công nghệ) và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đều cho thấy không phát hiện độc tố 3-MCPD trong mẫu nước tương sản xuất theo qui trình sạch.
Qua đánh giá mẫu nước tương sạch của Xí nghiệp Nam Dương, một công ty Đức đã đồng ý nhập khẩu loại nước tương mới này. Từ tháng 7-2005, Nam Dương sẽ đưa sản phẩm nước tương sạch ra thị trường trong nước. Hiện Nam Dương sản xuất 4 triệu lít nước tương/năm, trong đó xuất khẩu chiếm 30%.
Theo Nam Dương, đơn vị sở hữu qui trình sản xuất nước tương sạch này, xí nghiệp sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất nước chấm khác, thông qua việc thỏa thuận phân chia lợi ích. |
Theo Quốc Thanh, Kh.Ngọc
Tuổi Trẻ