1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Độc đáo Tết năm cùng của người Dao

(Dân trí) - Khi mùa màng đã xong, để tổng kết một năm và cầu cho một năm mới nhiều may mắn, người Dao tổ chức ăn Tết năm cùng. Tết của người Dao bắt từ đầu tháng 12 âm lịch cho đến cuối tháng.

Không ai nhớ Tết năm cùng của người Dao có từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi có người Dao là có Tết năm cùng. Một năm có bốn mùa làm ăn vất vả, việc tổ chức ăn Tết là để bồi dưỡng, tổng kết một năm lao động vất cả của anh em, họ hàng, lối xóm khi mùa màng đã xong.


Trong ngày Tết năm cùng, với đồng bào Dao ở miền Tây xứ Thanh nói chung và người Dao ở Ngọc Lặc nói riêng, gia đình nào cũng phải lập ba bàn thờ. Trong đó, một bàn cúng Tổ tông của gia đình; một bàn cúng 5 ông tổ (có gia đình 7 ông tổ….); một bàn cúng hội đồng gia tiên; còn bàn trong bếp gọi là ma bếp.

Với người Dao, Tết là dịp để mời gia tiên về ăn Tết cùng gia đình, phù hộ cho con cháu năm mới mạnh khỏe, thông minh, làm ăn khấm khá, chăn nuôi gia súc, gia cầm thuận lợi….

Trong mâm cỗ ngày Tết của người Dao, không thể thiếu món bánh Dì, hay còn gọi là bánh chày. Nếu gia đình nào đông người thì làm vài ba yến nếp. Ngoài ra, còn phải mổ một con lợn và 2-3 con gà. Lợn dành để cúng tổ tông, gà cúng gia tiên, ma bếp.

Phụ nữ người Dao đang nấu món cháo.
Phụ nữ người Dao đang nấu món cháo.

Khi làm món bánh Dì, gia chủ phải nhờ bà con, cháu chắt và anh em bạn bè đến giã nếp. Nếp làm bánh phải giã trong cối và dùng chày được làm từ cây luồng. Bên cạnh đó, món ăn trong ngày Tết của người Dao còn có canh đắng và các loại rau…

Sau khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, gia chủ mời thầy đến cúng tổ giúp gia đình, mời ông bà, tổ tiên về chung vui với con cháu. Thường, người Dao ăn Tết từ đầu tháng 12 đến khoảng ngày 30 tháng Chạp. Nhà nào sắm được trước ăn trước và sau đó người Dao lại ăn Tết cổ truyền của dân tộc. Cả làng chỉ có hai thầy cúng nên phải làm từ từ, từng gia đình một.

Khi cỗ cúng đã chuẩn bị xong, phần còn lại được bày sẵn ra mâm. Cỗ của người Dao không bày ra đĩa mà được bỏ cả vào một chiếc mâm có trải lá chuối và ở giữa là bát nước chấm, xung quanh được bày thịt lợn, thịt gà luộc. Phần lễ rất đơn giản, thầy cúng thay mặt gia đình, báo cáo tổ tiên, rồi theo thứ tự từ cao xuống thấp ngồi vào mâm uống rượu chúc mừng nhau sức khỏe.

Còn thanh niên thì cùng nhau giã và làm bánh Dì.
Còn thanh niên thì cùng nhau giã và làm bánh Dì.

Và chuẩn bị món thịt lợn, thịt gà luộc.
Và chuẩn bị món thịt lợn, thịt gà luộc.

Trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, gia đình nào của người Dao cũng làm thịt gà, phải là gà trống thiến. Đặc biệt, người Dao không làm thịt lợn trong những ngày Tết Nguyên đán.

Ngày xưa, trong ngày Tết, người phụ nữ Dao phải mặc áo xiêm, nhưng tục lệ này ngày càng mai một dần, chỉ một số người phụ nữ nhiều tuổi còn giữ lại nét truyền thống này. Trước đây, nhà nào cũng tổ chức ăn Tết, nhưng bây giờ gia đình nào đông anh em thì chung nhau tổ chức một bữa. Cùng họ nhưng có bàn thờ tổ thì phải tổ chức ăn Tết riêng.

Một nét văn hóa cũng khá thú vị là tiền cúng trong ngày Tết năm cùng của người Dao là loại tiền rất đơn giản, được làm từ giấy vàng thì gọi là tiền vàng, còn giấy trắng thì gọi là tiền bạc. Trước đây, loại giấy này do người dân tự làm, tuy nhiên về sau này thì ra chợ mua. Khi đã cắt thành hình tiền, người dân dùng khuôn được làm từ 21 đồng chinh và đóng dấu lên tiền.

Trong mâm, người tham gia được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới, ưu tiên chủ nhà.
Trong mâm, người tham gia được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới, ưu tiên chủ nhà.

Sau khi ăn Tết năm cùng xong, khoảng mùng 3, mùng 4 Tết, rước ông bà ông vải về nhà xong, người Dao mới đi khai thổ, làm ăn lên rừng xuống biển. Gia đình nào có con cái đi làm ăn, hay đi học xa thì ăn muộn hơn một chút, có báo cáo với tổ tiên phù hộ cho người đi xa bình an.

Ông Phùng Quang Du, làng Hạ Sơn, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc cho biết: “Một năm có bốn mùa làm ăn vất vả, tổ chức ăn Tết là để bồi dưỡng, tổng kết một năm của anh em, họ hàng, lối xóm khi mùa màng đã xong; mời các cụ về ăn tết cùng gia đình, phù hộ cho con cháu một năm mới mạnh khỏe, thông minh, làm ăn khấm khá…”.

Duy Tuyên