Độc đáo ngôi nhà gắn hơn 8.000 cổ vật
(Dân trí) - Ròng rã trong gần 20 năm, anh Trường đã gắn hơn 8.000 bát đĩa cổ, 2 tạ tiền xu và gần 500 chiếc cúc áo cổ lên tường nhà mình.
Từ trong nhà đến ngoài ngõ có hàng nghìn cổ vật được gắn lên tường.
Đam mê không thể từ bỏ
Anh Trường tiếp chúng tôi trong bộ dạng một người đàn ông ngăm đen, cao gầy, mái tóc dài đậm chất nghệ sĩ, điềm tĩnh ngồi hút thuốc lào trong căn nhà gắn vô số đồ cổ.
Vốn là bộ đội chinh chiến nhiều năm tại Campuchia, sau khi xuất ngũ, anh Trường trở về quê với công việc sơn bàn ghế. Trong một lần đi sơn cho một người chơi đồ cổ gần nhà, anh đã bị cuốn hút bởi những món đồ của muôn năm cũ. Anh quyết định bỏ nghề sơn để tìm hiểu và đi sưu tầm đồ cổ. Niềm đam mê bắt đầu thành hình từ đó.
Điều kiện kinh tế không cho phép nên anh tìm cách chơi riêng cho mình, chỉ mua những món đồ cổ có giá trị thấp, chủ yếu là bát đĩa thời Lý, Trần, với giá từ 200 - 250 nghìn đồng/chiếc, cũng có những cái lên tới cả triệu đồng. Sau gần 20 năm lặn lội khắp nơi, hiện anh đã sở hữu hơn 8.000 bát đĩa cổ, 2 tạ tiền xu, gần 500 chiếc cúc áo cổ, cùng nhiều đồ vật khác.
Điều đặc biệt là anh đã gắn toàn bộ những cổ vật mà mình sưu tầm được lên tường nhà, cổng và hàng rào. Người ta chơi cổ vật là để trong tủ kính trưng bày, để trao đổi và mua bán, nhưng với anh, gắn lên tường là cách anh thể hiện tình yêu của mình với chúng. Anh cho rằng, gắn cổ vật lên tường sẽ làm cho chúng cố định, vĩnh cửu và quan trọng là có thể lưu giữ cho thế hệ sau thưởng thức.
Công việc hàng ngày của anh là lang thang khắp các tỉnh thành để săn tìm những món đồ cũ. Anh thường lên tận sông Hồng ở Việt Trì (Phú Thọ) mang từng viên sỏi dưới sông về nhà, hay đến từng điểm thu mua sắt vụn tìm kiếm những món đồ mà người ta đã vứt đi. Anh cũng đã từng rất nhiều năm chạy chiếc xe máy cũ lên các tỉnh miền núi phía Bắc tìm mua đồ cổ; có những chuyến đi kéo dài cả tháng trời.
Căn nhà độc nhất vô nhị
Căn nhà anh dù nằm trong ngõ sâu nhưng rất nổi bật. Cổng nhà được đắp bằng rất nhiều bình cổ, có ba con sư tử oai dũng. Bước qua cổng, bên phải là hòn non bộ được đắp hàng nghìn mảnh gốm, đồng xu, đây là nơi anh thường tiếp đón những người ham mê đồ cổ đến giao lưu. Ở giữa hòn non bộ là một khóm trúc rủ bóng mát xuống khoảng sân hẹp, trên bụi trúc được treo đủ các loại từ bình tông nhôm, chày, cối, đèn bão,...
Bên trái cổng đi vào là căn nhà cấp bốn đã cũ. Toàn bộ bên trong cũng như bên ngoài đều được gắn bát cổ, xếp ngay ngắn thẳng hàng. Ba cây cột trước hiên cũng được gắn chi chít những đồng xu, xèng và cúc áo cổ.
Anh chia sẻ: “Do căn nhà cũ đã ọp ẹp nên tôi quyết định bóc bỏ lớp xi cũ, gắn bát đĩa cổ mà mình sưu tầm được lên đó. Vừa có thể ngắm chúng lại vừa có nhà chắc chắn hơn để cho vợ con ở. Từ khi làm thế này, căn nhà mát và nhìn rộng hơn nhiều”.
Cứ như vậy, ban ngày anh rong ruổi đi tìm mua đồ cổ, đêm về lại hì hụi trộn vữa tự tay gắn từng món đồ cổ lên tường.
Cũng bởi kinh tế gia đình eo hẹp nên nhiều khi anh phải đi vay mượn, bán cả thóc trong nhà và thậm chí đã từng cầm cố sổ đỏ để có tiền mua món đồ ưng ý.
Anh Hồng (ở Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) là bạn thân của anh Trường, đồng thời là một tay chơi đồ cổ, nói: “Đúng là không có ai máu chơi đồ cổ như lão. Tiền thì thiếu nhưng đam mê có thừa. Nhiều khi ham quá, bán cả đồ đạc trong nhà để mua đồ cổ, vì thế vợ chồng không ít lần xích mích. Bây giờ vợ con cũng hiểu cho rồi nên cũng ủng hộ một phần”.
Về phần mình anh Trường tâm sự: “Phải 5, 6 năm nữa ngôi nhà này mới hoàn thiện thực sự. Đến lúc đấy tôi có thể hoàn toàn hạnh phúc vì ước mơ của mình đã thành hiện thực. Mình làm được như thế này, con cháu đời sau vẫn sẽ được thưởng thức, lại bảo tồn được văn hóa của cha ông”.
Tuyến Phan