Đắk Lắk:
Độc đáo ngày hội Voi Buôn Đôn
(Dân trí) - Là lễ hội được tổ chức hai năm một lần, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Buôn Đôn nói riêng, tỉnh Đắk Lắc nói chung.
Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2012, được diễn ra từ ngày 24/3 đến 26/3, tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Lễ hội đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tới tham dự.
Đây là một hoạt động được UBND huyện Buôn Đôn tổ chức thường niên hai năm một lần, với mục đích giữ gìn, phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Buôn Đôn nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Lễ hội năm nay được tổ chức với nhiều chương trình phong phú, đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của các đồng bào như: Lễ cúng bến nước, thi cắm trại, lễ tắm voi, lễ cúng sức khoẻ cho voi, hội thi voi đá bóng, voi chạy...
Đặc biệt, trong lễ hội sẽ có chương trình tái hiện lại cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động văn hóa ẩm thực; biểu diễn cồng chiêng, văn nghệ, biểu diễn trang phục đặc sắc của các dân tộc, các hoạt động thể thao phong phú như: kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, bắn nỏ; thi nhảy bao bố, thi giã gạo…
Trước ngày diễn ra lễ hội văn hóa, những chú voi nhà ở Bản Đôn vẫn miệt mài lao động, chở khách du lịch mà không cần bất cứ một sự chuẩn bị nào. Từ mờ sáng, các nài voi sẽ vào địa điểm cột voi trong rừng để đưa voi về, sau đó đóng bành và đưa đến khu du lịch Buôn Đôn tập kết tại đây để chờ chở khách.
Một ngày, mỗi con voi có thể chở 6 - 7, lượt khách, vượt trên sông Sêrêpốk ngắm cảnh hoặc đi dạo trên các con đường ở các buôn làng của đồng bào Ê Đê trong Khu du lịch. Giá cưỡi voi cũng khá cao, du khách sẽ phải trả 400 ngàn đồng/giờ.
Sau một ngày lao động mệt nhọc, voi sẽ được các nài đưa về nhà cho ăn mía, cây chuối, tháo bành và lại tiếp tục thả vào rừng để tự tìm thức ăn. Và cứ như thế, sáng hôm sau, nài voi lại vào rừng đưa voi về để tiếp tục công việc chở khách du lịch.
Với những chú voi nằm trong danh sách tham gia lễ hội văn hóa sẽ được chủ voi thả vào những khu rừng gần nhà để có thể dễ tìm thấy và đưa về tham gia lễ hội.
Cùng xem một ngày làm việc của voi nhà Buôn Đôn:
Lê Văn - Thanh Nghệ